Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: “Văn hóa Việt Nam là văn hóa làng xã”

30/10/2013 10:13
Hoàng Lực
(GDVN) - Được coi là nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa trẻ tuổi nhất, Trần Quang Đức - tác giả cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” (sinh năm 1985, quê Hải Phòng) đã một mình rong ruổi theo đuổi một loại hình văn hóa mà ngày nay giới trẻ không mấy người đam mê.
Sau khi thi đỗ khoa tiếng Hán trường Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2004, Đức tham dự cuộc thi tìm hiểu tiếng Hán toàn quốc và giành giải nhất, sau đó giành luôn giải nhất cuộc thi tiếng Hán toàn thế giới và được nhận học bổng toàn phần tại Đại học Bắc Kinh. Đức tiếp tục nghiên cứu văn hoá cổ trung đại và tiếng Hán cổ tại Đại học Bắc Kinh. Cuộc tranh luận về trang phục trong phim lịch sử Việt Nam nổ ra cũng đúng dịp Đức trở về nước sau chuyến du học. Với suy nghĩ mình sẽ làm được điều gì đó, Đức đã lên đường rong ruổi đi khắp các vùng quê, nhà thờ họ, chùa miếu, bắt đầu nghiên cứu về văn hóa trang phục người Việt và cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” ra đời.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức.

Văn hóa làng, xã là cái rất riêng, chỉ có ở Việt Nam
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, nói đến văn hóa Việt Nam tức là nói đến tính truyền thống trong văn hóa Việt. Nhưng không giống với suy nghĩ của nhiều người cho rằng tất cả văn hóa Việt là bất biến, mà ngược lại, văn hóa có sự khác biệt trong mỗi thời kỳ, mỗi triều đại. “Mọi người hay nói về tính kế thừa tính truyền thống trong văn hóa Việt nhưng trong quá trình nghiên cứu mặc dù chỉ thông qua trang phục nhưng thực chất thể hiện cả những nghi lễ hay mặt tiếp biến văn hóa của cả các triều đại”, Trần Quang Đức cho biết.
Theo đó, không phải thời đại nào văn hóa Việt cũng là một thứ chung nhất, một thứ đơn nhất. “Có những cái văn hóa mà Lý có Trần có mà đến Lê mất, có những văn hóa mà Lê có nhưng Nguyễn mất. Đơn cử như mình nói tới khăn xếp áo the là trang phục truyền thống lâu đời nhưng đó chỉ là sản phẩm của nhà Nguyễn, tới thời nhà Lê thì không mặc như vậy nữa. Nhà Lê mặc trang phục kiểu khác, nếu chỉ nhìn cái khác đi này mà mọi người quy kết đó không phải là truyền thống là không đúng”, Trần Quang Đức nói. 

Nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức cho rằng: Văn hóa thời Nguyễn để lại cho ta nhiều ấn tượng nhất, nhiều cảm nhận, nhiều mặc định về văn hóa của các triều đại trước đây. Trong khi đó, suy nghĩ của nhiều người Việt lại cho rằng, bối cảnh của văn hóa cuối Nguyễn là nền văn hóa đã bạc hết, lại bị Pháp thuộc, về mặt kinh tế thì kiệt quệ Việt Nam nghèo đói, màu gì cũng đen tối.

“Tôi cho rằng đó là cảm nhận của người nghiên cứu hiện nay về thời cuối Nguyễn thôi. Trong con mắt của tôi, mỗi một thời văn hóa khác nhau, có những kế thừa và những cách tân đi rất nhiều, đặc biệt là thời Lê và thời Nguyễn. Thời Lý, Trần, Hồ vẫn có những kế thừa nhất định”, nhà nghiên cứu trẻ này phân tích: “Theo tôi, văn hóa Việt Nam không phải cái gì đó xa lạ mà ngược lại rất gần gũi, bình dị xung quanh chúng ta. Bản sắc văn hóa Việt Nam xuất phát từ làng, văn hóa làng xã là cái rất riêng chỉ Việt Nam với có”.

Theo phân tích của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, văn hóa Việt Nam khác với Trung Quốc, Trung Quốc là văn hóa dòng tộc, một địa phương rộng bao nhiêu, bao nhiêu người... họ không quan tâm mà chỉ bó hẹp trong dòng tộc riêng. Vì thế ở Trung Quốc mỗi dòng họ đều có những nhà từ đường, nhà thờ họ riêng.

Tuy nhiên văn hóa Việt Nam là văn hóa làng xã, tính cộng đồng trong văn hóa thể hiện rất rõ. Mỗi làng một cái đình, mọi việc lớn nhỏ của làng đều đưa ra đình làng. Trong văn hóa làng thì đình là nơi sinh hoạt văn hóa, là công đường xử những ai vi phạm luật làng, nơi tổ chức lễ hội…

“Chúng ta hay nói “phép vua thua lệ làng”, điều đó không có nghĩa là cả làng đó hơn được pháp luật vua ban, làng to hơn vua mà nói đến việc chính quyền của triều đình nó chỉ nắm tới góc độ làng xã mà thôi, các cá nhân trong làng thì làng tự giải quyết. Làng là hạt nhân cơ bản của văn hóa Việt”, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức nói.

Đánh giá về văn hóa Việt hiện nay, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Quang Đức cho rằng văn hóa Việt hiện nay đang phá vỡ cấu trúc tồn tại hàng ngàn năm qua, cấu trúc văn hóa làng xã Việt Nam.

Trần Quang Đức cho biết: Thay vì như vậy bây giờ người ta xây chùa rất to và xa với nơi dân ở nhưng rất nhiều người lại đổ xô về đó. Đây không chỉ là chuyện: “Bụt chùa nhà không thiêng” nữa mà nó còn phá vỡ cấu trúc của văn hóa làng. Nói theo một chuyên gia của viện tôn giáo, Việt Nam đang nghèo đói về mặt tâm linh, đang trên con đường tìm Thần. 
Trước đây dù nghèo đói, khó khăn nhưng Việt vẫn có một chỗ dựa về mặt tinh thần là Phật hay Thành hoàng làng là chỗ dựa về mặt tâm linh và là chỗ mà mọi người tụ họp nhau. Nhưng bây giờ cấu trúc làng đang bị phá vỡ từ thành phố rồi bây giờ vỡ ngay ở quê.

Người Việt trẻ rất muốn tìm về cái gốc văn hóa Việt Nam

Nhìn vào bức tranh văn hóa hiện nay, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức cho rằng nhiều người chỉ nhìn vào cái tiêu cực của văn hóa Việt như tính bừa bãi, vô tổ chức, hay đơn cử nhất là văn hóa xếp hàng. Tuy nhiên chiều sâu vấn đề thì lỗi là hiện nay không ai định hướng cho sự phát triển văn hóa, để phát triển theo kiểu “mạnh ai người ấy được” vì vậy cái nét văn hóa truyền thống tốt đẹp thì mất đi, trong khi cái dở cái không phù hợp lại được phát huy.

“Ở đây tôi muốn nói đến yếu tố giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay, trách nhiệm thuộc về chính gia đình bố mẹ nhưng nếu ngay cả các bố mẹ trẻ hiện nay cũng không hiểu về văn hóa truyền thống lại là điều hết sức đáng buồn”, Trần Quang Đức chia sẻ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức cho biết, khi anh ra cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”, nhiều bạn trẻ tỏ ra hào hứng đọc và có nhiều chia sẻ thú vị với anh. Điều đó chứng tỏ người Việt nói chung và người Việt trẻ nói riêng rất muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc, tìm về cái gốc văn hóa Việt Nam. 

“Vì vậy các gia đình nên dành thời gian chia sẻ với các con về văn hóa dân tộc, đưa con đi đến ngôi chùa, mái đình chỉ cho con đây là ai, chữ kia chữ gì… những cái rất đơn giản nhưng dần dần cùng với thời gian thế hệ trẻ sẽ biết cái văn hóa của cha ông để từ đó điều chỉnh hành văn hóa của mình sao cho đúng”, Trần Quang Đức cho biết.
Hoàng Lực