Nhà văn Di Li: Dốt nát không có tội nhưng ỷ lại, lười biếng là tội lớn

11/07/2013 10:26
Hoàng Lực
(GDVN) - Nữ nhà văn Di Li cho rằng "Dốt nát không phải là tội nhưng ỉ lại, lười biếng là cái tội lớn với xã hội, với chính bản thân mình của người trẻ. Nếu số người lười biếng ỉ lại chiếm số đông sẽ làm xã hội đi xuống...".
Nói đến rào cản khiến người Việt trẻ chưa thể bứt phá vượt ra thế giới, nhà văn Di Li cho rằng nguyên nhân đến từ phương pháp giáo dục trong gia đình và nhà trường khiến cho người Việt trẻ không tự lập, dựa dẫm vào gia đình mà khi còn người không tự lập quen dựa dẫm thì sẽ không làm được việc gì.

Người lớn quen bao bọc, con trẻ khó tự lập

- Dưới cái nhìn của một nhà văn, theo chị người Việt trẻ hiện nay có những điểm mạnh, điểm yếu gì so với thế hệ đi trước?

Nhà văn Di Li: Theo mình thứ nhất người Việt trẻ tức là thế hệ 9X, 10X có lợi thế là nền tảng về công nghệ thông tin. Ngay cả lứa tuổi tiểu học cũng có thể sử dụng, tiếp cận rất nhanh nhạy những thiết bị công nghệ thông tin hàng đầu.

So với thế hệ trước rõ ràng khả năng tiếp cận, làm chủ công nghệ thông tin tìm kiếm thông tin qua hệ thông mạng Internet tốt hơn rất nhiều thế hệ đi trước. Mà mạng và kỹ thuật số là phương tiện để kết nối với thế giới người Việt trẻ hiện nay có điều kiện giao lưu tìm hiểu thông tin qua hệ thống mạng, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Điều này khác hẳn với những thế hệ đi trước, ví dụ như thời của chúng tôi, lứa tuổi mười tám đôi mươi những thông tin bền ngoài rất ít được tiếp cận. Theo tôi đây là một điểm mạnh của thế hệ trẻ hiện nay.

Điểm mạnh thứ 2 là ngoại ngữ. Người Việt trẻ hiện nay có trình độ ngoại ngữ tốt hơn rất nhiều so với thế hệ trước, chỉ số ngoại ngữ của người Việt trẻ hiện nay đạt 7–8 điểm TOEFL (Test Of English as a Foreign Language, trình độ tiếng anh – PV) rất nhiều. Mà ngoại ngữ và công nghệ số, công nghệ thông tin hiện nay là chìa khóa để người Việt trẻ mở cửa ra thế giới.

Nhà văn Di Li - Nguyễn Diệu Linh.
Nhà văn Di Li - Nguyễn Diệu Linh.

Thứ ba là tất cả những điểm mạnh đó đều do tự thân các bạn tự chủ động tiếp cận học hỏi. Một điều khách quan giúp người Việt trẻ mạnh hơn nữa là hiện nay các bạn trẻ có điều kiện đi tham quan, du lịch pic-nic, điều kiện đi ra nước ngoài du lịch… Mà đi du lịch cũng là một cách để mở mang đầu óc, hiện nay điều kiện đi lại dễ dàng hơn không như trước đây như các cụ nói ra ngoài là phải có “số xuất ngoại” thì bây giờ điều đó là bình thường. - Đúng như chị nhận định, giới trẻ ngày nay đang có rất  nhiều điều kiện tốt để phát triển nhưng dễ thấy Việt Nam lại có rất ít những người trẻ xuất sắc, liệu có rào cản nào khác ở đây không, thưa chị?
Nhà văn Di Li:
Rào cản lớn nhất theo tôi không chỉ người Việt trẻ mà cả người Việt Nam nói chung đó là các yếu tố văn hóa, yếu tố văn hóa Á Đông. Người Á Đông bao giờ cũng khép kín hơn người phương Tây. Chỉ riêng văn hóa du lịch, văn hóa đi lại là mình đã không có. Mà văn hoa đi lại, di chuyển đó tạo cho con người sự tự tin và trí tuệ. Người phương Tây từ thế kỷ 14 đã có Marco Polo du hành, thám hiểm từ phương Tây sang phương Đông. Thế nhưng người Việt thì bưng bít từ xưa đến nay.
Thứ nữa là văn hóa giáo dục của gia đình, ngày nay bố mẹ luôn bao bọc con cái, bố mẹ xúc ăn cho con, cho con nằm giữa thậm chí nhà rộng nhưng con không ngủ phòng riêng mà vẫn ngủ với bố mẹ. Rồi đi đâu bố mẹ kèm đi cùng như ngay dưới nhà tôi sáng nào cũng có một cậu học sinh cấp ba cao to khi đánh răng bố phải cầm ca nước đứng cạnh. Nghĩa là bố đèo con đi học nhưng do nhà xa phải chuẩn bị cả những đồ vệ sinh cá nhân cho con. Điều đó để nói lên cách giáo dục, bao bọc của gia đình bố mẹ khiến người Việt trẻ không quen tự lập và không thể tự lập được. Ngay cả bạn bè tôi nhiều gia đình con lớn học cấp 3 rồi nhưng vẫn “con to hơn bố” đi đâu bố mẹ cũng phải đi cùng. Đó là tự thân giáo dục của gia đình, văn hóa gia đình văn hóa giáo dục của chúng ta bao lâu nay như vậy. Chúng ta lâu nay vẫn đề cao chủ nghĩa tập thể, phê phán chủ nghĩa cá nhân và đồng nghĩa đó là ích kỷ. Nhưng phương Tây thì ngược lại, học lại đề cao chủ nghĩa cá nhân phát huy khả năng cá nhân họ không coi chủ nghĩa cá nhân là ích kỷ, ngược lại giáo dục của họ phân định rõ cá nhân và tập thể. Như trong giáo dục của người Mỹ họ cho rằng mỗi con người, mỗi cá nhân sống không phải là một mắt xích, không phụ thuộc vào một gia đình, một chính thể, tôn giáo, tổ chức, đảng phái mà cá nhân đó phải tự chịu mọi trách nhiệm với cuộc sống vận mệnh của anh ta. Tất cả không ai giúp đỡ được anh ta ngoài anh ta. Ngược lại với người Việt mình nói chung và người Việt trẻ nói riêng thì luôn luôn suy nghĩ nếu mình gặp việc gì bất trắc thì luôn còn có bố mẹ mình, có anh chị mình còn người này, người kia… Luôn luôn có tư duy đó và cho rằng nếu mình gặp khó khăn mà người khác không giúp đỡ là người khác có lỗi chứ không phải mình có lỗi. Chính điều đó khiến cho người Việt trẻ có tính ỉ lại vào người khác. Có lần nói chuyện với sinh viên tôi đã hỏi các bạn ấy sau khi tốt nghiệp Đại học có dám tự mình mở một doanh nghiệp dù nhỏ thôi hoặc là đi vòng quanh đất nước, chuyển nơi ở đến nơi khác… Nhưng kết quả là không ai trả lời các bạn đó chỉ nói “Bố mẹ em không cho đâu”. Vì vậy tôi nghĩ cách giáo dục đề cao tính tập thể quá cao từ gia đình, xã hội khiến người Việt trẻ ngày càng ỉ lại mà đã ỉ lại thì con người không làm được một cái gì cả. Dốt nát không có tội nhưng ỷ lại, lười biếng là tội lớn- Theo chị, cùng phát triển trong khu vực châu Á nhưng tính tự lập, sáng tạo của giới trẻ Việt bị đánh giá thấp hơn Hàn Quốc hay Singapore?

Nhà văn Di Li: Hàn Quốc có cách làm rất hay. Việc thanh niên 18 tuổi dù cho tốt nghiệp đại học cũng phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Cái đó tốt sẽ làm cho người đàn ông trưởng thành hơn, trở thành thành người đàn ông thực thụ. Ở Hàn Quốc một thanh niên có hai sự lựa chọn một đi nghĩa vụ quân sự hoặc vào các trại dưỡng lão chăm sóc người già, thường họ sẽ chọn cách thứ nhất vì nó gần như thể hiện tiêu chuẩn và ý thức xã hội đánh dấu sự trưởng thành.

Nhìn sang chúng ta, nhiều người thấy giấy gọi nghĩa vụ quân sự cho con thì có hiện tượng gia đình nhờ quen biết xin cho con ở nhà để cháu đi thi đại học hoặc tìm cớ để con không phải đi. Hay có phương án chạy cho con vào học trường trung cấp nào đó học mấy tháng để “trốn” nghĩa vụ quân sự. Tuy chỉ là hiện tượng nhỏ nhưng sẽ làm người trẻ yếu đuối, làm người Việt cùi cụt và không trưởng thành lên được. Tất cả điều này là do giáo dục.

- Vậy chìa khóa giải quyết tồn tại của người Việt trẻ nằm ở đâu?

Nhà văn Di Li: Chìa khóa thay đổi chính là từ cách giáo dục của nhà trường và gia đình. Như tôi không cho con học trường công mà cho học trường tư, tuy kinh phí có hơn nhưng đổi lại cách họ làm và bản thân gia đình, phụ huy học sinh không phải đóng các khoản tiền phí khác như xây dựng trường, quỹ phụ huynh thậm chí là tiền 20/11… Mình không tuyệt đối hóa trường tư nhưng cái tư duy làm giáo dục của họ phù hợp với mình nó không có bệnh thành tích. Bệnh thành tích khiến con người không phát triển được.

Nhiều người cứ nói người trẻ hiện nay thế này thế nọ không bằng lớp người đi trước nhưng nói như vậy là không đúng. Nhiều người Việt trẻ hiện nay rất giỏi. Ví dụ người mà mình biết như cô bé Huỳnh Mai Anh -  sinh viên trường ĐH Ngoại thương TP.HCM từng đoạt giải nhất cuộc thi “Nhật ký mùa hạ” mà tôi là thành viên ban giám khảo. Ấn tượng nhất cô bé Huỳnh Mai Anh đó là tài hùng biện mà sau này cô trở thành đại sứ The Gorl bên Đức và đã phát hành 1 cuốn sách.

Rất nhiều người Việt trẻ rất giỏi, thời kỳ nào cũng thế có những người rất giỏi nhưng có những người dốt nát, lười biếng ỉ lại. Dốt nát không phải là tội nhưng ỉ lại, lười biếng là cái tội lớn với xã hội với chính bản thân mình của người trẻ. Nếu số người lười biếng ỉ lại chiếm số đông sẽ làm xã hội đi xuống, hiện nay số lường lười biếng, ỉ lại của người Việt trẻ vấn rất nhiều.

Phải thay đổi từ giáo dục tử nhỏ, ngay cả bây giờ mình đi dảy ở các trường Đại học, Cao đẳng muốn thay đổi phương pháp làm việc bằng cách cho sinh viên thành lập các nhóm tự phân tích, phát huy tư duy tổng hợp. Tuy nhiên không làm được và họ cũng không hào hứng với việc đó chính vì vậy buộc tôi phải quay về với cách làm đọc chép thụ động học thuộc lòng.

Nói như vậy để thấy rằng phải có sự thay đổi và cách giáo dục cho con cái, cho các thế hệ trẻ từ nhỏ mới đem lại hiệu quả nó như việc anh không chơi thể thao bao giờ nhưng nay bắt anh chạy thì sẽ không thể và dẫn đến hậu quả xấu.

- Từ những trải nghiệm của chính mình, nhà văn sẽ nhắn nhủ gì với các bạn trẻ hiện nay?

Nhà văn Di Li: Tôi luôn nói với em gái tôi, cháu gái tôi những người Việt trẻ tôi biết rằng sống trên đời phải biết cái gì là niềm vui tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Đó là sức khỏe, thành đạt một gia đình hạnh phúc với nhiều mối quan hệ. Mà tất cả các điều đó không thể chỉ nhờ vào một tấm bằng đại học mà thiếu đi kỹ năng sống. Một người như thế không thể trở thành con người thành đạt.

Một con người thành đạt cũng không có nghĩa là mình phải giàu có làm ông nọ bà kia mà đơn giả là được làm công việc mình yêu thích và được cống hiến. Điều quan trọng là mình phải chủ động trong cuộc sống và không thu động.

Mọi điều chúng ta có thể làm, nếu điều kiện thuận lợi mình có thể đến thành công nhanh hơn, nếu khó khăn nhưng có năng lực sự quyết tâm thì sẽ có được thành công. Nhưng người trẻ hiện nay đang có một nhược điểm muốn “đốt cháy giai đoạn”, muốn thành công ngay lập tức nhanh nản chí khi gặp khó khăn điều này cần phải thay đổi.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn!
Nhà văn Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm năm 1978. Tốt nghiệp khoa tiếng Đức và Tiếng Anh, trường ĐH Hà Nội. Hiện tại Di Li là Thạc sĩ Quản lý giáo, giảng viên của trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Trong sự nghiệp viết văn của mình, nữ nhà văn đã đạt được những giải thưởng giá trị:

- Giải Ba cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007- 2010” do Bộ Công an phối hợp cùng Hội nhà văn tổ chức – Tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ”

- Giải Ba cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” do báo Kinh tế&Đô thị và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức.

- Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2005-2006 - Truyện ngắn “Cocktail” và “Ma học trò”

- Hội viên Hội Nhà văn Châu Á - Thái Bình Dương (từ 2012)

- Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (từ 2011)

- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2010)
Hoàng Lực