Nhiều người Việt không thể giàu vì thói xa hoa, "bất chấp thủ đoạn"

01/07/2013 10:30
Độc giả Tiến Lê (Học viện Báo chí-Tuyên truyền)
(GDVN) - Người Việt khao khát giàu có, nhưng cách làm giàu lại manh mún. Ước muốn giàu nhanh khiến nhiều người bất chấp thủ đoạn, kiếm tiền bằng việc hủy hoại sức khỏe của đồng loại khi ngày càng nhiều hóa chất độc hại được họ cố tình thêm vào thực phẩm.
"Nước Việt Nam còn nghèo so với nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có sẵn nguồn lực dồi dào nhưng vẫn nghèo hà cớ vì sao? Nguyên nhân nằm ở ngay con người Việt Nam. Nước chúng ta không giàu vì con người cá nhân Việt Nam không giàu. Nguyên nhân chính cản trở người Việt đi lên xuất phát ngay từ những thói xấu trong mỗi con người Việt Nam", đó là nhận định của độc giả Tiến Lê (Học viện báo chí&Tuyên truyền, Hà Nội) trong bài viết lý giải vì sao Việt Nam không giàu gửi đến chuyên mục Vì Khát vọng Việt.

Báo Giáo dục Việt Nam xin trích đăng nguyên văn bài viết của độc giả Tiến Lê dưới đây:

Muốn giàu nhanh, nhiều người Việt đã bất chấp thủ đoạn
Tính cố kết cộng đồng của một dân tộc thuần nông văn minh lúa nước ngàn xưa đã dần biến mất với sự đổ bộ ồ ạt của nền kinh tế thị trường. Nhịp sống hiện đại khiến con người ta năng đông hơn, tự chủ hơn, độc lập hơn nhưng cũng khiến người ta dễ xa nhau hơn. Lối sống ích kỉ, chụp giật, đề phòng cũng từ đó mà ra, ăn dần vào trong cung cách làm ăn của người Việt. Người Việt vốn rất đoàn kết, nhưng trong kinh doanh thường mạnh ai nấy lo. Người Việt không muốn kẻ khác giàu có hơn mình nên trong làm ăn họ khá độc lập, ngay cả trong hợp tác. Thay vì cùng nhau cố gắng, liên kết tạo nên tiềm lực mạnh thì chúng ta hoạt động khá  riêng rẽ. Trong nước và quốc tế, lối kinh doanh của người Việt không đoàn kết và gắn bó như Trung Quốc hoặc Nhật Bản... Chính vì thế mà doanh nghiệp Việt đôi lúc bơ vơ trên thương trường, không tạo được tiềm lực cạnh tranh.
Để kiếm tiền nhanh chóng, nhiều người kinh doanh ngành thực phẩm không ngần ngại khi sử dụng vô số hóa chất độc hại vào sản phẩm của mình. Ảnh minh họa.
Để kiếm tiền nhanh chóng, nhiều người kinh doanh ngành thực phẩm không ngần ngại khi sử dụng vô số hóa chất độc hại vào sản phẩm của mình. Ảnh minh họa.
Cũng bởi thiếu gắn kết mà nảy sinh ngày càng nhiều lỏng lẻo, thiếu đồng bộ giữa cơ cấu ngành, giữa người
sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ, giữa cơ quan quản lí và thị trường sản phẩm. Cũng bởi thế mà nhiều khi được mùa thì mất giá, doanh nghiệp không mua sản phẩm cho nông dân dẫn đến thương lái không ngừng ép giá. Cách làm ăn không có tính bền vững và liên kết của bốn nhà: nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhà quản lí tạo nên sự mất cân đối giữa sản phẩm và thị trường. Lối làm ăn như vậy dễ bị doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng và chén ép. Người Việt không giàu có bởi thiếu tự tin, không phải là họ không muốn nhưng rất ít khi ước mơ ấy biến thành động lực thôi thúc thật mạnh mẽ. Không nhiều người dám nghĩ lớn và dám mạo hiểm với quyết định của mình. Thiếu tự tin vào chính mình khiến họ lùi bước khi  đương đầu với những khó khăn của thương trường. Những tên tuổi lớn trên thế giới đều có quá trình lập nghiệp gian khổ, ở họ chỉ có sự quyết tâm cao độ với thành công. Người Việt khao khát giàu có, nhưng cách làm giàu lại manh mún. Ước muốn giàu nhanh khiến nhiều người bất chấp thủ đoạn, kiếm tiền bằng việc hủy hoại sức khỏe của đồng loại khi ngày càng nhiều hóa chất độc hai được họ cố tình thêm vào thực phẩm. Cách làm giàu nhanh chóng dẫn đến đổ vỡ nhanh chóng.Chưa giàu nhưng nhiều người rất xa hoa, lãng phí
Người Việt chưa giàu nhưng rất xa hoa lãng phí, vật dụng kèm thân xa xỉ không kém bất cứ ai, và tính theo tỉ lệ thu nhập thì rõ ràng người Việt “chịu chơi” hơn hẳn các nước giàu có khác. Lãng phí phổ biến trong từng cơ quan, từng gia đình và thậm chí cả quốc gia. Hàng trăm siêu xe, du thuyền, máy bay cá nhân… nhập về Việt Nam, hàng ngàn bữa tiệc nghìn đô phung phí, thức ăn thừa vương vãi… "Bóc ngắn cắn dài, vung tay quá trán" thì không thể phát triển được. Đó  cũng là mở đầu cho lối sống hưởng thụ cá nhân. Người Việt chưa mấy thành công nhưng chạy theo lối sống chi tiêu cá nhân quá mức khiến không thể mở rộng kinh doanh. Không mở rộng kinh doanh thì không thể giàu có, nhiều người Việt cảm thấy thỏa mãn quá sớm bởi giá trị vật chất nhỏ nhoi hiện tại.
Việt Nam có những khu nghĩa địa xa hoa khiến không ít người phải chóng ngợp. Ảnh minh họa.
Việt Nam có những khu nghĩa địa xa hoa khiến không ít người phải chóng ngợp. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, chúng ta không giàu có cũng một phần do sự quản lí và điều tiết thiếu chặt chẽ và khoa học của Nhà nước. Cơ chế hành chính còn nặng nề, thủ tục rườm rà khiến cho nhiều doanh nghiệp khó khăn trong con đường vươn ra thị trường thế giới và kêu gọi đầu tư nước ngoài. Đây là rào cản lớn nhất trên con đường phát triển. Cơ chế thanh tra, giám sát, kiểm toán chưa cao khiến tình trạng tham nhũng, lãng phí nặng nề. Bên cạnh đó là việc bị động trước động thái của thị trường thế giới khiến cho doanh nghiệp Việt thiệt thòi. Chậm chạp trong việc phát hiện và xử lí sai phạm, vụ chuyển giá của tập đoàn Coca Cola là ví dụ điển hình và là bài học cay đắng. Chúng ta chưa đủ chế tài luật pháp để bước vững chắc trên sân chơi quốc tế. Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản, giày da của Việt Nam bị kiện phá giá, bị áp dụng thuế cao khiến cho doanh nghiệp lao đao. Nhà nước còn chậm trong việc điều hành, cứu trợ cho doanh nghiệp trong lúc khủng hoảng. Tất cả đó doanh nghiệp không thể  thục hiện đơn phương mà cần có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước. Đất nước muốn giàu có thì con người phải giàu có. Người Việt thông minh, nhanh nhạy, hiếu học và có đủ tiềm năng chứng tỏ mình với thế giới. Tuy nhiên, số người như vậy thật không có nhiều. Vấn đề vẫn tồn tại trong cách tư duy, nhận thức của mỗi người. Khát vọng sống đủ, hưởng thụ đã ăn sâu vào nếp nghĩ của không ít người. Để trở nên giàu có cần có sự nhìn nhận đúng mực và hợp tác giữa doanh nghiệp và Nhà nước, liên kết chặt chẽ với mọi nguồn lực trong xã hội, tạo nên sự phát triển bền vững và rèn luyện bản lĩnh và văn hóa thụ trong giới doanh nhân hiện nay.
Độc giả Tiến Lê (Học viện Báo chí-Tuyên truyền)