Những câu chuyện "không nhỏ" bên lề Hội thảo Hành trình Khát vọng Việt

25/11/2013 10:59
Theo MỘT THẾ GIỚI
"Tối nay (23/11) có giao lưu với bà Nguyễn Thị Bình và bà Tôn Nữ Thị Ninh đó! Em có biết bà Nguyễn Thị Bình là ai không?". Tôi hỏi, sau khi chỉ nơi tặng sách, M. chỉ mỉm cười: "Dạ không!".
Thấy tôi cầm trên tay cuốn Quốc Gia Khởi Nghiệp (được Tập đoàn Trung Nguyên phát miễn phí cho sinh viên), N.H.M. một nữ sinh viên Đại học Kinh tế tiến tới hỏi nơi nhận sách và hội thảo còn diễn ra hay không.

"Tối nay (23/11) có giao lưu với bà Nguyễn Thị Bình và bà Tôn Nữ Thị Ninh đó! Em có biết bà Nguyễn Thị Bình là ai không?". Tôi hỏi, sau khi chỉ nơi tặng sách, M. chỉ mỉm cười: "Dạ không!".

Lập chí - Sáng tạo - Khởi nghiệp - Kiến quốc có thể coi là một hội thảo mang hơi hướng quốc tế, khi mà thành phần tham dự là các giáo sư, chuyên gia, doanh nhân có tiếng ở trong nước lẫn quốc tế.

Điều thú vị ở đây, là không hề khoảng cách nào giữa diễn giả - khán giả, thế hệ trước - thế hệ sau, người có địa vị cao - thấp, chuyên gia quốc tế - sinh viên Việt Nam... Mọi người ngồi sát nhau gần như theo không gian hình bàn tròn, bất cứ ai cũng có quyền tham dự và phát biểu ý kiến.


Thế nhưng chính cái phần tự do phát biểu ý kiến ấy đã làm bộc lộ nhiều điểm chưa ổn của người trẻ Việt. Giơ tay lên đầu tiên trong phiên thảo luận buổi sáng, một nữ sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM hỏi Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên "làm sao để đưa sản phẩm nông nghiệp của ta ra nước ngoài, làm sao để đưa công nghệ của Israel về hỗ trợ cho nền nông nghiệp Việt Nam?". Rồi bạn lại tự chốt vấn đề theo kiểu "động viên và an ủi" bằng chất giọng truyền cảm "em tin là chúng ta sẽ làm được".

Trường hợp này được Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam - Vũ Tuấn Anh đưa vào phiên hội thảo buổi chiều làm ví dụ điển hình cho rào cản sáng tạo của giới trẻ. Theo ông, đây là kiểu tư duy hoàn hảo, luôn hỏi vấn đề quá lớn lại ít tự đi tìm câu trả lời, thậm chí từ những điều nhỏ nhất.

Đến lượt nam sinh viên Đại học Bách Khoa, Đại học Văn Lang phát biểu "mong chính phủ, nhà nước có thêm nhiều hỗ trợ cho sinh viên phát triển". Chủ tọa phiên hội thảo buổi sáng, bà Tôn Nữ Thị Ninh phản hồi: "Các bạn là sinh viên mà bạn cứ đòi hỏi nhà nước phải hỗ trợ như vậy thì tôi nghĩ là các bạn cần phải xem lại".

Th. - là giám đốc một công ty kỹ thuật số, vừa giảng dạy tại một số trường đại học có lẽ là người nói lưu loát nhất trong số những thanh niên đứng lên phát biểu. Có điều, ngoài các diễn giả người nước ngoài tất nhiên phải nói tiếng Anh, thậm chí họ còn cố gắng nói tiếng Việt để thân thiện hơn thì Th. lại chen vào ít phút phát biểu của mình không ít từ ngữ tiếng Anh. Trong khi đó, không tìm thấy bất cứ từ ngữ tiếng Anh nào từ các bài phát biểu, lời nói của chuyên gia người Việt và người Việt sống lâu năm ở nước ngoài.

Mặt khác, dù chủ toạ phiên buổi chiều bà Vũ Kim Hạnh nhiều lần nhắc nhở "các bạn phải là xưng tôi" thì những người đứng lên phát biểu sau đó vẫn xưng "em" hay là "con" vì "con nghĩ như vậy cho nó thân thiết hơn" (lời một nam sinh viên đại học Văn Lang). Thậm chí, sáo rỗng và rập khuôn đến mức hầu như lời phát biểu nào cũng bằng đầu bằng ý "đầu tiên cho em/con gửi lời chào đến tất cả quý vị đại biểu...", "con/em xin cảm ơn... đã tạo điều kiện cho...".

Có những bạn không phát biểu thì nghe và... chơi cờ tướng, lướt Facebook (trên iPad) rồi tụm lại chỉ trỏ, cười nho nhỏ; đến lúc nghe giáo sư người Nhật kể câu chuyện "hồi nhỏ tôi có nuôi 10 con gà" thể hiện ý chí tự lo lương thực của mỗi người dân không trông chờ vào chính phủ thì ngẩng mặt lên... cười thích thú.

Trở lại với nữ sinh viên tên M. tôi đã gặp ở trên, khi được hỏi sao lại đến hội thảo này, bạn đã trả lời rất vô tư: "Tại em nghe có cà phê!".

Nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại, có thể đúc kết câu chuyện trên bằng ý "quá tội cho đội quốc nội". Còn nếu nói như Tiến sĩ Võ Trí Thành thì "muốn sáng tạo và khát vọng thì các bạn phải học rất nền tảng và phải sống chết với nó, với đất nước này, phải va đập với cuộc sống, hoài nghi nó và sống với nó nhưng vẫn phải là chính mình".

Và ông Thành cũng chia sẻ: "Tôi rất cảm ơn anh Vũ (Đặng Lê Nguyên Vũ) vì cứ mỗi lần vào đây (TP.HCM) thì khát vọng của tôi lại tăng lên nhưng ra Hà Nội nó lại bẹp dí xuống bởi những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày và do nói nhiều đến mức quên mất khát vọng ban đầu là gì".
Theo MỘT THẾ GIỚI