Ông Dương Trung Quốc: Người Việt giỏi ứng biến nhưng tư duy manh mún

26/06/2013 07:28
Ngọc Quang (thực hiện)
(GDVN) - Nhận định về tính cách của người Việt, nhà sử học-đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đánh giá: Người Việt giỏi ứng biến, rất mạnh khi hợp lại với nhau trước những tình huống sống còn… nhưng tư duy còn manh mún, chưa có tầm nhìn dài hạn.
- Thưa Nhà sử học Dương Trung Quốc, là một chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử dân tộc, ông thấy người Việt mạnh và yếu ở điểm nào?Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhìn vào hoàn cảnh lịch sử, chúng ta thấy rằng, người Việt Nam rất mạnh về năng lực ứng biến, đó là yếu tố quan trọng giúp chúng ta bảo vệ nền độc lập trước sự tấn công của kẻ thù. Tôi cho rằng, đây là những giá trị rất đáng được trân trọng, cần được vun đắp, kể cả bây giờ và mai sau cũng vậy, chúng ta không bao giờ được phép nhún nhường về mặt chủ quyền lãnh thổ. Nhưng cũng có người cho rằng, chính vì cái khả năng ứng biến ấy cho nên chúng ta chưa có được một kế hoạch có tính chiến lược, nhất là trong xu  thế phát triển hiện tại và tương lai thì kinh tế là thước đo đánh giá sức mạnh của mỗi quốc gia. Về mặt này, tôi nghĩ rằng chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng kết quả đạt được chưa thật tốt.
Nhà sử học-đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Người Việt giỏi ứng biến, rất mạnh khi hợp lại với nhau trước những tình huống sống còn… nhưng tư duy còn manh mún, chưa có tầm nhìn dài hạn. Ảnh: Internet.
Nhà sử học-đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Người Việt giỏi ứng biến, rất mạnh khi hợp lại với nhau trước những tình huống sống còn… nhưng tư duy còn manh mún, chưa có tầm nhìn dài hạn. Ảnh: Internet.
Lấy thí dụ về nền nông nghiệp, chúng ta thấy rằng, nông nghiệp là một điểm mạnh của nền kinh tế, nhưng có một điều rất đáng tiếc là những sản vật của chúng ta xuất khẩu thường bị thua kém về chất lượng so với nhiều nước khác. Ở trong nước, người nông dân một nắng hai sương vất vả với ruộng đồng, nhưng đến khi thu hoạch thì được mùa lại bị ép giá. Điều đó cho thấy, chúng ta cần có một chiến lược dài hơi, và đáng tiếc nhất là sau rất nhiều năm thì tới bây giờ chúng ta chưa biết một cách chắc chắn là cái kế hoạch  ấy như thế nào? Khi phân tích về những lý do hình thành những tập tính ấy thì có người đã nói đến một nền kinh tế tiểu
nông, một nền kinh tế nông nghiệp qua nhiều đời đã hình thành trong con người Việt Nam sự ứng biến là quan trọng. Nhưng tôi nghĩ rằng, cùng với sự phát triển của đất nước, và để thực sự có thể sánh vai với các cường quốc thì tư duy, tầm nhìn dài hạn của các nhà lãnh đạo phải thay đổi, đó là nhu cầu mang tính sống còn. Nói cách khác, phải thay đổi tư duy, tầm nhìn hiện đại của mỗi người, đầu tiên phải từ các nhà quản lý đất nước.
- Ông vừa nói người Việt rất giỏi ứng biến, nhưng đó là để sinh tồn, còn trong tiến trình phát triển nền kinh tế thì dường như chưa nhìn thấy được sự ứng biến đáng kể.

Tôi xin nêu một thí dụ để so sánh: Đất nước Israel chỉ có 14 triệu dân, 2/3 diện tích là hoang mạc, thậm chí thiếu nước trầm trọng, nhưng trải qua 65 năm đất nước này đã vươn lên làm chủ cuộc chơi, họ có các nhà khoa học sở hữu nhiều giải Nobel và trở thành quốc gia hùng mạnh ở nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, chúng ta có khát vọng, được thiên nhiên ưu đãi, và có tới 90 triệu dân nhưng lại tụt hậu khá xa so với Israel?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Sau khi thống nhất một thời gian, chúng ta đã dũng cảm phá bỏ cơ chế cũ kỳ, trì trệ, thế nhưng vẫn còn quá chậm chạp và hơn nữa chúng ta lại tạo ra quá nhiều thứ “đặc thù” trở thành rào cản cho sự phát triển. Sau gần 40 năm kể từ khi giành độc lập, tới giờ GDP bình quân của nước ta mới khoảng 1.300 USD là rất đáng phải suy nghĩ, nó không tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của một dân tộc anh hùng. Trong khi đó, cùng giai đoạn phát triển với chúng ta có nhiều quốc gia cũng vô cùng khó khăn, như Singapore, Hàn Quốc thì bây giờ GDP bình quân của họ mấy chục nghìn đô la/năm; những nước cùng khu vực là Thái Lan, Indonesia, Malaysia thì GDP bình quân đầu người họ cũng gấp 3-4 lần nước ta rồi. Tất nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại, mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng, nhưng cần phải so sánh để tìm ra đâu là điểm yếu cần khắc phục.- Vậy theo ông những khó khăn nào đang là rào cản cho sự phát triển của dân tộc Việt, của người Việt?Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đất nước nào cũng phải đi lên từ những khó khăn, vì thế mà tôi thấy không nên viện dẫn quá khứ ra để làm cái cớ lý giải cho sự chậm chạp, trì trệ. Đánh giá một cách công bằng, chúng ta đã có chuyển biến, nhưng còn quá chậm, thí dụ như nền hành chính vẫn chưa thực sự chuyển từ chức năng “cai trị - quản trị” sang chức năng “quản lý - phục vụ phát triển”, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì đó chính là bước đột phá đủ mạnh để tăng tốc cho nền kinh tế-xã hội. Mặt khác, mấy chục năm qua, chúng ta chưa thể sánh vai được với các cường quốc trên thế giới là vì khoa học – công nghệ của ta chưa có được điểm nhấn nào đáng kể. Nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu chúng ta thực sự nắm được khoa học, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thí dụ như sản xuất được một số linh kiện quan trọng của chiếc máy bay hay tàu thủy… Khi ấy, Việt Nam mới thực sự là một cái tên khiến cho nhiều dân tộc phải kiêng nể.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu nền công nghệ VN cứ mãi mãi là một anh đi lắp ráp thuê cho các nước phát triển thì sẽ không đi đến đâu cả.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu nền công nghệ VN cứ mãi mãi là một anh đi lắp ráp thuê cho các nước phát triển thì sẽ không đi đến đâu cả.
Còn nếu chúng ta không làm được như vậy, cứ mãi mãi là một anh đi lắp ráp thuê cho các nước phát triển thì sẽ không đi đến đâu cả. Để phát triển được khoa học công nghệ trình độ cao, chúng ta phải có những chính sách đặc biệt cho những con người đặc biệt, có như vậy thì mới kêu gọi được những nhà khoa học giỏi là người Việt Nam trở về quê hương góp sức xây dựng đất nước. Tôi cho rằng, chỉ khi nào chúng ta thực sự quyết tâm tiến tới chuỗi giá trị toàn cầu hóa những sản phẩm trí tuệ cao như vậy thì mới kêu gọi được các nhà khoa học Việt Nam đầy tài năng đang làm việc khắp các nước tiên tiến trở về cùng góp sức cho dân tộc.- Thưa ông, Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ rằng người Việt chỉ thực sự hùng mạnh khi bị dồn vào chân tường. Còn nhà văn Phạm Xuân Nguyên cũng nhận định nhiều người Việt bây giờ vô cảm,… Quan điểm của ông thì sao?- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Có lẽ đúng như Thiếu tướng Lê Mã Lương đã nói, người Việt chỉ thực sự mạnh và sẵn sàng hợp lại với nhau khi đứng trước những tình huống sống còn. Hình như trong lịch sử dân tộc ta, nhu cầu tồn tại kéo dài quá lâu trước thiên nhiên, trước sự nhòm ngó của một thế lực nào đó… vì thế mà có lẽ đôi lúc chúng ta quên mất bài học cảnh giác. Trong một phát biểu của tôi trước Quốc hội gần đây cũng đã nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “đoàn kết thì chúng ta giữ được nước, mất đoàn kết thì chúng ta mất nước”. Chúng ta phải nhớ đến hội nghị Diên Hồng thời Trần, đến hội thề Lũng Nhai thời Lê, đến những câu chuyện đã trở thành kinh điển trong ứng xử với dân và với nhau của những nhà lãnh đạo quốc gia… chỉ nhằm xây dựng sức mạnh đoàn kết vua tôi đồng lòng, vững chí đồng tâm hay thực hiện những nguyên lý của thời hiện đại là ý Đảng lòng dân, là làm cho người dân tín tâm đối với những người lãnh đạo đất nước. Còn nói về thói hư tật xấu của người Việt, tôi nghĩ những đánh giá như vậy là rất đáng lưu tâm, bởi vì thực tế đã xuất hiện những câu chuyện buồn về thói vô cảm, vô trách nhiệm, cơ hội chủ nghĩa… ấy thế nhưng khi nói về tật xấu của mình thì chẳng mấy ai thừa nhận, mà sẽ tìm ra một lý do nào đó để thoái thác, đánh lừa chính bản thân mình. Tuy nhiên, nếu nâng nó lên thành cái chung để kết luận về người Việt thì tôi nghĩ phải thận trọng, tôi luôn có niềm tin rằng, xung quanh chúng ta đa phần là người tốt.- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ngọc Quang (thực hiện)