Trái cây Việt Nam xuất khẩu: 2 tỷ USD/năm trong tầm tay

29/09/2013 15:17
Theo Thanh niên
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, trái cây Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng, vì vậy trong 5 năm tới, khả năng đạt 2 tỉ USD/năm là có thể thực hiện được.
Là dân Sài Gòn chính gốc và học ngành nông nghiệp chỉ là sự lựa chọn ngẫu nhiên, nhưng sau 20 năm làm  vẫn còn nhiều trăn trở.Sinh viên... 2 chế độ
“Vào đại học từ năm 1972 nhưng đến tháng 4/1975 thì phải ngừng học một thời gian, vì vậy chương trình đại học của tôi trải qua 2 chế độ và đến 6 năm mới ra trường. Năm 1978, tôi xin về Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và đã gắn bó với cây lúa suốt 16 năm. Năm 1994, sau khi học tiến sĩ ở Ấn Độ về, tôi được phân công làm Giám đốc Trung tâm cây ăn quả Long Định nhưng… chưa biết gì về cây ăn trái. Tuy vậy, nhờ kinh nghiệm khi làm Trưởng phòng Hợp tác quốc tế ở Viện Lúa nên trung tâm được thành lập vào tháng 4.1994 thì 7 tháng sau tôi đã tổ chức được một hội nghị quốc tế với quy mô lớn. Đến năm 1997 thì Trung tâm cây ăn quả Long Định được nâng lên thành Viện Cây ăn quả miền Nam”, tiến sĩ (TS) Châu chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Ảnh: H.P
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Ảnh: H.P
Sau 20 năm gắn bó với ngành, thành tựu lớn nhất theo ông Châu là đã xây dựng, đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học chuyên về cây ăn trái. Và bắt đầu từ những hội thi cây giống tốt, hội thi trái ngon, từ năm 1996 đến nay Viện Cây ăn quả miền Nam đã phát hiện, tuyển chọn và tạo được tên tuổi cho nhiều giống cây đặc sản nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng “chuồng bò”, sầu riêng Ri-6, nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh… Đây là một sân chơi mới rất hấp dẫn đối với nông dân.
Nhưng từ năm 2001 trở đi thì ngoài nội dung giống tốt, trái ngon, hội thi còn có thêm tiêu chuẩn an toàn và đến năm 2005 thì buộc phải có xuất xứ hàng hóa (VietGAP hoặc GlobalGAP). Từ năm 2003 trái cây Việt Nam bắt đầu xâm nhập được vào thị trường thế giới. Nhưng sau khi có chứng nhận GlobalGAP, bước đột phá của trái cây Việt Nam là đã vào được thị trường của những nước rất khó tính như thanh long, chôm chôm đã vào thị trường Nhật và hiện nay chuẩn bị xuất nhãn, vải thiều vào Mỹ. New Zealand cũng là một thị trường rất khắt khe nhưng cũng đã chấp nhận nhập xoài của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tốc độ phát triển của ngành cây ăn trái nước ta như vậy là quá chậm.
Còn thiếu “ông nhạc trưởng”
Đánh giá về nguyên nhân phát triển chậm, TS Nguyễn Minh Châu cho rằng vì vai trò của ông “nhạc trưởng” trong liên kết 4 nhà vẫn chưa rõ nét. Điều này ông Châu đã từng nói cách đây 10 năm nhưng đến nay vẫn khẳng định lại như vậy. Cụ thể là sự quá chậm trễ trong việc xây dựng vùng chuyên canh trái cây ở Nam bộ, chưa xây dựng được các hợp tác xã hoặc có nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân là do vai trò điều hành của nhạc trưởng, tức nhà nước, còn mờ nhạt. Mấy năm gần đây mặc dù sản lượng trái cây xuất khẩu có tăng nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch và chưa có thương hiệu. Theo ông Châu, nếu có bàn tay chăm sóc của nhạc trưởng, hay nói cách khác nếu có sự can thiệp của nhà nước thì ngành trái cây sẽ phát triển nhanh hơn. Theo TS Nguyễn Minh Châu, về sản xuất thì ta nên làm theo mô hình của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, tức là phải tập hợp nông dân lại theo kiểu hợp tác xã chẳng hạn. Tất nhiên hợp tác xã ở đây không phải là gom đất lại như kiểu cũ mà là đất của ai nấy làm, tham gia tự nguyện, nhưng phải trồng một loại cây giống nhau, theo một quy trình, để tạo ra một vùng chuyên canh có sản lượng hàng hóa lớn. Nhưng muốn làm được điều đó thì nhất thiết nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, không để nông dân tự bơi như lâu nay. “Theo tôi, về xuất khẩu thì nên học cách làm của New Zealand. Ví dụ ở New Zealand chỉ có một Công ty Zespri chuyên lo xuất khẩu trái kiwi, còn Công ty EN2A thì chịu trách nhiệm xuất khẩu lê, táo. Không nên để quá nhiều công ty tham gia nhưng mạnh ai nấy làm, cạnh tranh không lành mạnh và không ai chịu trách nhiệm, giống như tình trạng xuất khẩu gạo và cá tra, khiến nông dân luôn chịu thiệt”, ông Châu nhấn mạnh. Về vai trò nhạc trưởng, theo ông Châu phải là nhà nước, mà cụ thể là Bộ NN-PTNT mới có thể xác định loại cây nào là chủ lực để tập trung đầu tư, quy hoạch và có chính sách hỗ trợ cho nông dân làm. Như ở Nhật, nhà nước hỗ trợ bằng cách đầu tư trực tiếp nhà đóng gói cho các hợp tác xã. Nông dân vẫn mạnh ai nấy trồng, nhưng cùng một loại giống, theo quy trình chung và khi thu hoạch thì mang đến hợp tác xã đóng gói, tạo thành một thương hiệu với sản lượng lớn. Mấy năm gần đây ở vài tỉnh miền Tây cũng có triển khai chương trình VietGAP và GlobalGAP nhưng chỉ dừng lại ở mức vài ba chục héc ta, không mở rộng được, theo ông Châu là do nhà nước chỉ hỗ trợ theo dự án, không liên tục, hết dự án là xong. Nhưng mặt khác còn do nông dân không có tầm nhìn xa, chỉ thấy lợi ích trước mắt, không có hỗ trợ thì không làm, trong khi chính quyền thì không có quy hoạch, định hướng. “ Chính vì vậy mà nhà nước phải thể hiện rõ vai trò của một nhạc trưởng và đây là điều bắt buộc phải làm. Việc này lâu nay nói đã nhiều. Nhưng việc quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh thì chỉ có nhà nước mới có thể làm được”, ông Châu nói. Tại hội nghị sơ kết Nghị quyết T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Hà Nội vào đầu tháng 9/2013, cựu Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhận định trong tương lai trái cây sẽ là bước đột phá, là mũi nhọn trong ngành trồng trọt và kim ngạch xuất khẩu có khả năng đạt 10 tỉ USD/năm. Theo ông Châu, ước đoán này là hơi cao, vì tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2012 chỉ mới đạt được 860 triệu USD, riêng trái cây chiếm một nửa. Nhưng trái cây Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng, vì vậy trong 5 năm tới, khả năng đạt 2 tỉ USD/năm là có thể thực hiện được. Điều quan trọng là phải tổ chức lại sản xuất với quy hoạch, định hướng rõ ràng: trồng theo quy trình, xuất khẩu có thương hiệu, thì mục tiêu vài ba tỉ USD/năm không phải là chuyện quá xa vời, bởi nước ta có nhiều loại đặc sản độc đáo mà các nước khác không cạnh tranh được như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh… “Nhưng điều mà tôi luôn trăn trở là đến giờ nhà nước vẫn chưa khẳng định mô hình sản xuất và xuất khẩu đối với ngành trái cây, mức đầu tư quá thấp và chưa quan tâm đúng mức. Theo tôi, muốn có thương hiệu thì phải mất từ 10 - 15 năm xây dựng, vì vậy phải làm ngay bây giờ, không thể chậm trễ hơn nữa”, ông Châu nhấn mạnh.  
Theo Thanh niên