Việt Nam không giàu vì còn nhiều người "ăn xổi" và hưởng thụ

25/06/2013 12:25
Độc giả Thêm Hương
(GDVN) - Vì sao chúng ta nghèo khi giàu có tài nguyên? Chúng ta nghèo vì quá nhiều người chỉ biết hưởng thụ nguồn tài nguyên đó bằng cách khai thác kiệt quệ và hủy hoại môi trường. Khai thác không hề có định hướng và tính toán cho thế hệ mai sau. Ta đang tự giết chính mình, đẩy con cháu mình vào núi khó khăn chồng chất mà chính chúng ta để lại.
LTS: Nước Việt Nam giàu truyền thống, con người Việt Nam kiên cường… Vậy tại sao Việt Nam còn nghèo? Gửi bài viết đến mục Vì Khát Vọng Việt, độc giả Thêm Hương (Hà Nội) cho biết, câu hỏi này ám ảnh ông sau khi đọc bài viết Có "rừng vàng biển bạc", sao Việt Nam không giàu?. Theo độc giả Thêm Hương, chỉ cần quan sát, bất cứ người Việt nào cũng có thể trả lời câu hỏi này vì đáp án nằm ngay trong thực tiễn cuộc sống hôm nay.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng đăng tải nguyên văn bài viết của độc giả Thêm Hương:
Trí tuệ con người chưa phát huy đúng mức Việt Nam nghèo ư? Không, tôi nghĩ Việt Nam chúng ta giàu có. Chúng ta giàu có về tài nguyên, về con người. Chúng ta giàu có về truyền thống, về tinh thần.  Đất nước với “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, có núi ,có sông, có rừng, có biển mang đến biết bao nhiêu khoáng sản, tiềm năng du lịch, điện khí, nhiên liệu… Nơi mà hội tụ rất nhiều lễ hội, màu sắc văn hóa đậm đà, đặc sắc... Nơi mà truyền thống yêu nước hào hùng ngấm vào từng thớ thịt con người...
Cách đây không lâu, Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Inllectual Property Organization – WIPO thuộc Liên Hợp Quốc) công bố: Việt Nam tụt xuống vị trí 76/141 quốc gia. Ảnh minh họa.
Cách đây không lâu, Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Inllectual Property Organization – WIPO thuộc Liên Hợp Quốc) công bố: Việt Nam tụt xuống vị trí 76/141 quốc gia. Ảnh minh họa.
Nhưng bề nổi vật chất trời ban không phải lúc nào cũng được chuyển hóa thành mũi nhọn cạnh tranh. Những ưu đãi, giàu có về tự nhiên không đồng nghĩa với sự giàu mạnh về kinh tế, mặc dù bản chất cốt lõi chung đều là giá trị vật chất. Từ tài nguyên thiên nhiên sẵn có đến giá trị sản xuất và tiềm lực kinh tế còn cả chặng đường quá xa, nhất thiết phải bắc qua chiếc cầu “trí tuệ con người”. Chúng ta chưa tốt ở khâu này. Trí tuệ và phương cách quản lí là mấu chốt vấn đề.
Người Việt thông minh, ham học hỏi, chúng ta có biết bao vĩ nhân sánh tầm thế giới. Nhưng trí tuệ Việt Nam nói chung dường như đang đi lùi. Bằng chứng là cách đây không lâu, Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Inllectual Property Organization – WIPO thuộc Liên Hợp Quốc) công bố: Việt Nam tụt xuống vị trí 76/141 quốc gia. Tình trạng đó ngày càng chìm sâu khi Việt Nam có quá ít những bằng sáng chế khoa học tầm quốc tế. Rất nhiều nhà khoa học trong số hơn 9.000 giáo sư và hàng vạn tiến sĩ phải xấu hổ và phải đắng cay nhìn nhận lại. Đau buồn hơn nữa là ngay cả với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… chúng ta cũng thua kém nặng nề. Phải chăng chúng ta đang tự triệt tiêu sáng tạo? Công cuộc đổi mới bắt đầu từ lâu nhưng khi triệt tiêu sáng tạo thì chúng ta đổi mới bằng gì?
Trình độ quản lý và điều tiết yếu kém
Đào tạo tràn lan, thiếu quy hoạch dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực đầu ra kém. Cũng vì thiếu quy hoạch, tính toán mà hàng vạn sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường. Số cán bộ nguồn được bổ nhiệm sau khi hàm thụ thì trình độ không cao do việc học hành qua loa, thủ tục. Mất cân bằng nghề nghiệp bắt nguồn từ sự yếu kém trong điều tiết kinh tế, không nắm bắt được xu hướng thị trường và đưa ra giải pháp kịp thời. Hiện nay, rất nhiều tỉnh thành đã nói không với đào tạo tại chức, mới đây nhất là Nam Định. Quy định cũ về liên thông cũng được ban hành mới để thắt chặt chất lượng đào tạo hơn. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho đội ngũ nhân lực trong tương lai. Tất nhiên, thời điểm chuyển giao này sẽ rất khó khăn cho lớp sinh viên, học viên đang học tập. Nhưng thực sự không thể chần chừ được nữa. Chúng ta cũng đang bàn phương cách chỉnh đốn đào tạo từ cấp học nhỏ nhất. Không chỉ là cải cách chương trình mà còn mạnh tay chấn chỉnh gian lận thi cử. Quá trình sẽ lâu dài và gây xáo trộn thói quen hiện tại nhưng vết thương mưng mủ cần phải rửa nước muối, có xót xa thì cũng phải làm.
Đào tạo tràn lan, thiếu quy hoạch dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực đầu ra kém. Ảnh minh họa.
Đào tạo tràn lan, thiếu quy hoạch dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực đầu ra kém. Ảnh minh họa.
Quản lí phải đi đôi với điều tiết. Công tác điều tiết lúng túng gây thiệt hại trực tiếp nhất đến lĩnh vực sản xuất và hoạt động của con người, sau đó là nền kinh tế. Vấn đề giá lúa, nông sản, giá bất động sản, giá vàng…biến động thất thường bao năm qua chứng tỏ sự yếu kém và bị động trong cách quản lí và định hướng chính sách và thị trường. Chế tài xử phạt chưa nghiêm minh, năng lực giám sát hành chính còn hạn chế. Bản thân nhiều cán bộ chưa thật xứng đáng. Cách quản lí lỏng lẻo tạo điều kiện cho họ tung hoành.
Thờ ơ trong việc bồi đắp vốn con người
Một vấn nạn lâu nay ai cũng biết khiến trí tuệ Việt Nam đang ngày càng tụt hạng đó chính là tình trạng chảy máu chất xám ngày càng cao. Nguyên nhân cũng đến từ sự yếu kém và có phần thờ ơ trong việc đầu tư cho nguồn vốn con người. Chế độ đãi ngộ không cao, mức lương không theo kịp đồng tiền trượt giá khiến đời sống con người thêm khó khăn. Nhiều câu chuyện về lương, thưởng giáo viên, nhất là giáo viên vùng cao đắng lòng không ít người. Trường lớp nhiều nơi còn xập xệ, tranh tre nứa lá tạm bợ. Đội ngũ nghiên cứu khoa học tìm ra nước ngoài cũng bởi chế độ đãi ngộ thấp và môi trường làm việc, cống hiến thiếu chuyên nghiệp, nghèo nàn... cản trở sáng tạo. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện ba thầy trò trường THPT An Lạc Thôn (Kế Sách- Sóc Trăng)  đạt giải thưởng quốc tế với công trình khoa học “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm”. Tuy nhiên, công trình rất thiết thực ấy không xin được tài trợ dù chi phí không đáng là bao. Khổ hơn nữa là thầy trò không có tiền lộ phí đi nhận thưởng, nhà trường làm ngơ. Khi thông tin báo chí vào cuộc thì thầy còn bị kỉ luật vì tội làm xấu mặt địa phương vì… công khai xin tài trợ.
Chúng ta nghèo vì quá nhiều người chỉ biết hưởng thụ nguồn tài nguyên đó bằng cách khai thác kiệt quệ và hủy hoại môi trường. Ảnh minh họa.
Chúng ta nghèo vì quá nhiều người chỉ biết hưởng thụ nguồn tài nguyên đó bằng cách khai thác kiệt quệ và hủy hoại môi trường. Ảnh minh họa.
Vì sao chúng ta nghèo khi giàu có tài nguyên? Chúng ta nghèo vì quá nhiều người chỉ biết hưởng thụ nguồn tài nguyên đó bằng cách khai thác kiệt quệ và hủy hoại môi trường. Khai thác không hề có định hướng và tính toán cho thế hệ mai sau. Ta đang tự giết chính mình, đẩy con cháu mình vào núi khó khăn chồng chất mà chính chúng ta để lại. Chúng ta đang đuổi du khách quốc tế bởi thói “ăn xổi” trong du lịch. Hét giá cao, trộm cắp và bỏ mặc di sản vật thể và phi vật thể đang biến hình ảnh chúng ta xấu xí hơn trong mắt bạn bè, thất thu rất nhiều ngoại tệ. Vì sao chúng ta nghèo ngay khi trong thời đại tri thức nở rộ? Chúng ta đang thờ ơ với nhân tài quá. Bao nhiêu chính sách chiêu hiền đãi sĩ vẫn nằm trên giấy. Nguồn lực con người không được đầu tư đúng mức, hoặc đầu tư dàn trải, lạc đường, thiếu đồng bộ ngay từ cấp nhỏ nhất trở đi. Chúng ta nghèo vì tệ nạn tham ô tham nhũng, vì thói lãng phí trầm trọng. Trong khi nhiều nơi khó khăn quá mức, thiếu thốn đầu tư thì có nhiều cá nhân ném đi của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, tiền đó lấy ở đâu ngoài nhân dân. Đó là tội phạm, là thói vô trách nhiệm. Tóm lại, chúng ta đang nghèo nàn trên đống vàng. Vụ chuyển giá của Coca Cola chỉ là phần nhỏ trong suốt hàng chục năm của các công ty tư bản nước ngoài. Nguyên nhân chính là do cách quản lí và chế độ bồi dưỡng nguồn vốn con người. Thiết nghĩ cần phải có những giải pháp tức thời và phương án lâu dài để vực dậy và phát triển đồng bộ nền kinh tế. Kinh tế là mũi nhọn phát triển của quốc gia, nhưng chính tri thức, văn hóa, trình độ của con người mới làm nên bộ mặt kinh tế. Nếu giải quyết được vấn đề đó thì giấc mơ sánh vai với cường quốc năm châu sẽ nhanh chóng thành hiện thực.
Độc giả Thêm Hương