10 ngày nữa, giá điện tăng 7,5%

05/03/2015 19:58
Ngọc Quang
(GDVN) - Trong cuộc họp chiều nay (5/3), Chính phủ đã đồng ý tăng giá bán điện 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh.

Tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ Công Thương và EVN báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành đã thảo luận và nhất trí việc điều chỉnh tăng giá bán điện. Theo đó, đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3/2015.

Với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Giá bán điện bình quân là 1.622,05 đồng/kWh kể từ 16/3/2015.
Giá bán điện bình quân là 1.622,05 đồng/kWh kể từ 16/3/2015.

Thay mặt Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN tổ chức tuyên truyền và thông tin sâu rộng về việc điều chỉnh tăng giá điện lần này trong Nhân dân. Cùng với đó, EVN tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn, trong đó năm 2015 phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống 8% (năm 2014 tỷ lệ này là 8,49%); nâng năng suất lao động toàn Tập đoàn tăng trên 9%.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 2/3, Thứ trưởng Bộ Công thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, trước Tết Ất Mùi, mặc dù đã có đầy đủ những điều kiện để có thể điều chỉnh giá điện nhưng xét đến việc có thể ảnh hưởng tâm lý người dân, đến các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không tăng giá điện.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Giá dầu thế giới giảm sâu thì có thể giảm được giá điện không? Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: "Rất đáng tiếc, sản lượng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm có 0,55% sản lượng điện chúng ta đang sản xuất. Như vậy gần như có thể nói giá dầu trên thế giới giảm, nhưng không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện. Trong khi đó, có nhiều mặt hàng, yếu tố làm ảnh hưởng đến giá điện, ví dụ như giá than tăng đến 22% tính đến 22/7/2014 so với 1/8/2013, trong khi lượng điện được sản xuất bằng nhiệt điện chiếm tới 32,37%.

Rồi giá khí có tăng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tăng rất nhiều lần, 1/4/2014 tăng 1 lần, đến 1/7/2014 tăng lần 2, lần 3 là 1/10 và gần đây nhất là 1/1/2015. Những yếu tố cấu thành giá điện như vậy tăng, tỷ giá bình quân cũng tăng, kể cả thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, kể cả giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng đều tăng".

Ngọc Quang