10 sự kiện xã hội nổi bật nhất năm 2013

26/12/2013 11:12
Ngọc Quang
(GDVN) - Việt Nam có Hiến pháp mới; Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 103... là những sự kiện nổi bật nhất năm 2013.

10 sự kiện xã trong năm 2013 được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn theo tiêu chí là những vấn đề xã hội thu hút nhiều độc giả quan tâm nhất, có ảnh hưởng lớn tới dư luận và toàn thể xã hội Việt Nam.

1. Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 

Sự kiện chính trị – xã hội quan trọng nhất năm 2013 là việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Ngày 2/1/2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân. Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.

Trong số nhiều nội dung đã được thay đổi, đáng chú ý có quyền con người – quyền cơ bản của công dân. Theo ông Uông Chu Lưu – PCT Quốc hội, trước đây hiến pháp 1992 nói về nghĩa vụ cơ bản của công dân nhưng hiến pháp sửa đổi thì đưa chương 5 lên sau chương chế độ chính trị đặt ở chương 2 của bản hiến pháp, riêng bố cục cũng thể hiện tầm quan trọng vị trí của quyền  con người. Tên chương cũng có sự thay đổi, trước là quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân còn bây giờ là quyền con người quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân để khẳng định nhà nước ta cam kết bảo bảm bảo vệ tôn trọng quyền con người quyền công dân cũng như ông ước quốc tế mà nước ta là thành viên và đây cũng là thành quả  của hơn 30 năm đổi mới phát triển của đất nước chúng ta.
2. Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 thông qua nhiều nội dung quan trọng

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 diễn ra từ 21/10  - 29/11 được coi là một trong những kỳ họp dài nhất của Quốc hội khóa 13. Tại kỳ họp này, nhiều nội dung quan trọng đã được các ĐBQH tiếp tục thảo luận và thông qua như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sau khi thông qua lấy tên gọi là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sáng 29/11, Quốc hội đã thông qua luật đất đai sửa đổi với 89,96% đại biểu tán thành. Luật quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế-xã hội, vì mục đích quốc gia công cộng. Để thu hồi đất phải dựa vào căn cứ thu hồi đất quy định tại Điều 61, Điều 62 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án. Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ thẩm quyền cho phép thu hồi đất nêu tại Điều 62 (thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, mục đích quốc gia, cộng đồng) để tránh tùy tiện trong thu hồi đất.

Kỳ họp thứ 6 cũng đã bàn và quyết định nhiều vị trí nhân sự quan trọng, trong đó đáng chú ý là có hai tân Phó Thủ tướng là ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. 
18h09 ngày 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người luôn được gọi với cái tên trìu mến là “anh cả đỏ của quân đội nhân dân Việt Nam” đã từ trần tại BV Trung ương quân đội 108, hưởng thọ 103 tuổi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi để lại niềm tiếc thương cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi để lại niềm tiếc thương cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường nhắc lại lời dạy của người thầy vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “Dĩ công vi thượng” – tất cả là vì dân. Cuộc đời ông vì thế còn được nhiều người biết tới với một chữ Nhẫn... Và ngày hôm nay, khi đã về với đất mẹ Quảng Bình, Đại tướng vẫn luôn là thần tượng của giới trẻ. Họ học được ở ông bài học nhận thức về lẽ sống, về con người.

Đại tướng luôn nhìn vào quá khứ bằng đôi mắt của tương lai, từ bi kịch của quá khứ nhưng luôn hướng đến sự lạc quan. Bởi thế mà ngày hôm nay, khi đã về với đất mẹ Quảng Bình, Đại tướng vẫn luôn là thần tượng của giới trẻ. Họ học được ở ông bài học nhận thức về lẽ sống, về con người. Khi đã đạt đến đỉnh cao của vinh quang, ông cũng không bao giờ quên những người đồng đội, đồng chí của mình.

Cả dân tộc Việt Nam, hôm nay và mãi mãi sau này không bao giờ quên ông – vị Đại tướng trong lòng dân.
4. Vụ án tù oan 10 năm ở tỉnh Bắc Giang
Sau 10 năm tù tội, ông Nguyễn Thanh Chấn được trở về với gia đình, cho dù đến lúc này vòng quay tố tụng vẫn chưa khép lại. 
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được ra khỏi trại giam.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được ra khỏi trại giam.
Ông Nguyễn Sỹ Cương – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) nhận định, nếu nói rằng mãi cho đến 15/7/2013 cơ quan chức năng mới nhận được đơn kêu oan của bà Chiến vợ ông Chấn là không đúng! Theo nhưng thông tin mà tôi biết thì ông Chấn và bà Chiến đã gửi đơn đi rất nhiều cơ quan khác nhau, nhưng không được xem xét nên mới phải ngồi tù oan đến 10 năm. 
Những cán bộ quản giáo ở trại giam đã tạo điều kiện để ông Chấn gửi đơn kêu oan nên họ biết chính xác điều đó. Vậy hàng trăm lá đơn trước đây của ông Chấn, của bà Chiến chẳng lẽ không cơ quan chức năng nào nhận được???
Một điều đáng tiếc nữa là trong suốt mấy tháng vừa qua khi cơ quan điều tra VKSND Tối cao truy lùng đối tượng Lý Nguyễn Chung thì ông Chấn vẫn phải ở trong tù. Lẽ ra, khi biết có một đối tượng như thế đang lẩn trốn và xác định được đó là kế giết người thì phải lập tức ra quyết định đình chỉ thi hành án với ông Chấn.

Hoặc chậm nhất là khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú (ngày 25/10) thì phải thả ông Chấn ngay, nhưng người ta đã để tới tận 4/11 mới ra quyết định đình chỉ thi hành án và thả tự do cho ông Chấn. Người xưa đã nói “Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài”, ấy thế mà cơ quan công quyền lại quá chậm chễ trong việc trả tự do cho ông Chấn.

“Qua 2 sự việc đó cho thấy có biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm và vô cảm trước nỗi oan ức của một con người, một gia đình”, ông Cương nói.

5. Vụ làm giả hài cốt liệt sỹ

Vụ án này được bắt nguồn từ phóng sự vạch trần thủ đoạn làm giả hài cốt liệt sỹ của nhà báo Thu Uyên – phụ trách chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của Đài THVN. Nhà báo Thu Uyên cùng ê-kíp đã phải mất 2 năm điều tra để tìm ra chân tướng sự việc và vạch rõ thủ đoạn lừa đảo của "nhà ngoại cảm" rởm Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”).

"Cậu Thủy" bị bắt về hành vi làm giả hài cốt liệt sỹ.
"Cậu Thủy" bị bắt về hành vi làm giả hài cốt liệt sỹ.

Sau hàng loạt những hành vi lừa đảo, ngày 28/10, Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành bắt khẩn "cậu Thủy" (54 tuổi, trú tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra Cơ quan an ninh cũng tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng có liên quan, được xác định là vợ “cậu Thủy" – Mẫn Thị Duyên (51 tuổi, cùng trú ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).

Năm 1996, hai đối tượng Thúy và Duyên từng bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng. Khi mãn hạn tù, Thúy tự nhận mình là “nhà tâm linh” trong việc tìm kiếm mộ liệt sỹ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai đối tượng bị cáo buộc làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ.

Ngày 22/11, Viện Pháp y Quân đội đã có kết luận giám định 9 “hài cốt liệt sĩ" được ông Thúy khai quật ngày 25/7/2013. Kết quả giám định cho thấy, phần lớn di vật, hài cốt trên là xương động vật, hầu hết là xương lợn sề, xương mèo... Các di vật như bi đông khắc tên liệt sĩ, dép liệt sĩ... đều bị làm giả.

“Kịch bản” tìm mộ liệt sĩ của "cậu Thủy" ở các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Quảng Trị đều giống nhau. Sau khi dựng hiện trường giả, khi tiến hành tìm kiếm, một người đàn bà được “cậu Thủy” cho "nhập đồng" để chỉ vị trí mộ.

6. Vụ cháy nổ cây xăng ở Hà Nội

Vào lúc 13h25 ngày 3/6 trong lúc đang tiếp nhiên liệu trong cây xăng số 2B ở đầu phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội - gần bệnh viện 108), chiếc ôtô chở 22 nghìn lít xăng bỗng bốc cháy dữ dội. Chỉ vài phút sau, ngọn lửa đã cháy lan sang khu bể chứa nhiên liệu. Toàn bộ lực lượng phòng cháy chữa cháy của thành phố đã được huy động để  ngăn chặn đám cháy càng lúc càng lan rộng, và trong lúc chữa cháy đã có 9 chiến sĩ bị thương phải vào điều trị tại BV Xanh-pôn.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi – GĐ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: “Đây là do lỗi từ công tác bơm xăng xuống bể chứa, không chấp hành các quy tắc an toàn nên xăng rỉ ra (chưa rõ bị thủng ống hay rò), chảy xuống rãnh rồi chảy đến chỗ quán cơm, bắt vào lò than tổ ong mới bùng lên. Từ đó, theo dòng chảy, ngọn lửa quay ngược lại xe chở xăng”.
Sau vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn TP tưởng như sẽ được siết chặt. Theo quy hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đến năm 2015, Hà Nội dự kiến xóa bỏ, giải tỏa 10 cửa hàng trước ngày 30-12-2014; di dời theo dự án khác 45 cửa hàng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng chỉ đạo 52 cửa hàng cần nâng cấp, cải tạo... tuy nhiên, trong một điều tra mới nhất của Báo Giáo dục Việt Nam thì vẫn còn nhiều cây xăng “thoát” di dời như cây xăng số 276 phố Thụy Khuê.
7. “Nhân bản xét nghiệm” ở BV Đa khoa Hoài Đức 
Chị Hoàng Thị Nguyệt (nhân viên Khoa Xét nghiệm, BV Đa khoa Hoài Đức) đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, tố cáo một số cán bộ nhân viên xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, xét nghiệm cho bệnh nhân ngoại trú không đúng quy trình.

Theo đó, một số nhân viên xét nghiệm tại đây đã lấy mẫu xét nghiệm nhưng không xét nghiệm trên máy, tự ý in kết quả xét nghiệm, trong đó có nhiều kết quả giống nhau về chỉ số.

Sự việc diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Có khoảng 1.000 mẫu xét nghiệm được dùng chung, số bệnh nhân có chung kết quả xét nghiệm có thể lên đến 2.000 người.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (khi ấy là Bộ trưởng Chủ nhiệm VP Chính phủ) đã nói: “Với tư cách cá nhân, tôi cũng rất đau xót vì đó là vấn đề đạo đức xã hội, vì đồng tiền mà bất chấp tất cả. Bộ Y tế đã báo cáo, có biện pháp chấn chỉnh. Khi có thông tin liên quan đến sự việc cụ thể, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đều có những chỉ đạo và không chỉ là chỉ đạo xử lý vụ việc cụ thể đó như thế nào, mà từng Bộ từng ngành phải xem xét lại toàn bộ hệ thống chủ trương liên quan có đúng không. Ví dụ trong trường hợp này, chủ trương xã hội hóa phải đi kèm với quy định như thế nào, việc tổ chức thực hiện những chính sách ban hành của các cấp bên dưới có nghiêm túc không. Đây là sự việc buồn, rất đáng tiếc”.
8. Vụ "Sếp lương khủng" ở TPHCM. 
Ngày 26/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà chính thức kết luận về sai phạm do chi tiền lương, thưởng cao bất thường của các chức danh giám đốc, phó giám đốc, kế toán… và chế độ tiền lương bất bình đẳng giữa các bộ phận tại các công ty: Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh.
Những người công nhân khổ cực chui dưới cống hàng ngày chỉ nhận được những đồng tiền công rất nhỏ.
Những người công nhân khổ cực chui dưới cống hàng ngày chỉ nhận được những đồng tiền công rất nhỏ.
Theo đó, lương Giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP. Hồ Chí Minh lên đến 2,2 tỉ đồng/năm, Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị: 2,6 tỷ đồng/năm (cao gấp 41 lần lương của lao động thời vụ). Giám đốc Công ty công trình giao thông Sài Gòn cũng nhận 856 triệu đồng/năm; Tại Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh, năm 2012 lương của Giám đốc là 759 triệu đồng, lương của chủ tịch Hội đồng thành viên là 691 triệu đồng, lương của Phó giám đốc là 609 triệu đồng và lương của kế toán trưởng là 655 triệu đồng.
Để có thể trả lương cao ngất ngưởng cho bộ phận lãnh đạo, tại hai công ty (Thoát nước đô thị và Công trình giao thông Sài Gòn) đã vi phạm quy định của Luật lao động với 732 người lao động như: chỉ ký hợp đồng mùa vụ (thời hạn dưới 3 tháng) với lao động thường xuyên và chỉ ký hợp đồng có thời hạn với hàng trăm người đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn.
9. Vụ nổ kho thuốc pháo hoa ở Phú Thọ
Một góc nhà máy bị đổ sập sau vụ nổ. Ảnh VNE.
Một góc nhà máy bị đổ sập sau vụ nổ. Ảnh VNE.
Vào khoảng 7h40 sáng 12/10 dây chuyền sản xuất 17A thuộc Xí nghiệp 4 Nhà máy Z121, Phú Thọ bỗng xảy ra nhiều tiếng nổ lớn liên tiếp; hàng nghìn người tháo chạy, nhiều nhà dân bị sập hoặc hư hại, 24 người chết và gần 100 người bị thương... Sáng ngày 13/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát tình hình tại đây. Phó Thủ tướng chỉ đạo điều tra đánh giá nguyên nhân và rút kinh nghiệm sau vụ nổ, đồng thời gửi lời chia buồn đến các nạn nhân, yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp với địa phương kết hợp cứu chữa người bị thương, yêu cầu tỉnh đánh giá thiệt hại của các nhà dân xung quanh để có phương án hỗ trợ, đền bù thỏa đáng.
10. Vụ BS Thẩm Mỹ Viện Cát tường

Khoảng 9h ngày 18/10/2013, do có nhu cầu thẩm mỹ nâng ngực, chị Lê Thị Thanh Huyền đã đến Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường để liên hệ phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ và nâng ngực. Theo lời khai, Nguyễn Mạnh Tường khai đã dùng ống bơm kim tiêm hút khoảng 50cc, hút khoảng 11 ống mỡ ở bụng chị Huyền, sau đó dùng các ống bơm tiêm này bơm mỡ vào hai bên ngực chị Huyền. Sau phẫu thuật, chị Huyền có các biểu hiện co giật, tím tái, rồi tử vong.

Nguyễn Mạnh Tường đã ném xác phi tang nạn nhân xuống sông Hồng.
Nguyễn Mạnh Tường đã ném xác phi tang nạn nhân xuống sông Hồng.

Tường đã sử dụng chiếc xe ô tô của mình mang BKS 29A – 4881, cùng với nhân viên bảo vệ là Đào Quang Khánh, mang xác của chị Huyền lên cầu Thanh Trì ném xuống sông Hồng.

Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình, cùng với các lực lượng CSGT, cảnh sát hình sự trên dọc trục tuyến này, tìm và trục vớt xác nạn nhân, nhưng chưa tìm thấy.
Ngọc Quang