25 năm hải chiến Trường Sa: Các anh hóa thành những tượng đài bất hủ

15/03/2013 13:43
Nguyễn Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - 25 năm sau ngày 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ngã xuống biển Đông trước họng súng quân xâm lược Trung Quốc (14/3/1988 – 14/3/2013), sự hi sinh anh dũng của các anh khi tuổi mới chỉ đôi mươi, đã bất tử cùng địa danh Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Sự kiện tháng 3/1988 không phải là một cuộc hải chiến. Thực tế, chỉ có một bên là quân Trung Quốc xâm lược với tàu chiến tối tân có pháo 100 li bắn thẳng vào khoảng 50 chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam, tay không vũ khí và kết thành vòng tròn bất tử quanh 3 lá cờ Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, cùng 3 tàu vận tải đang thực hiện công vụ một cách bình thường.

Vòng hoa trên biển Đông trưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh
Vòng hoa trên biển Đông trưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh

Những người lính Trường Sa của năm 1988 đã gặp lại nhau tại TP Đà Nẵng trong một chương trình giao lưu hết sức ý nghĩa mang tên “Hướng về Trường Sa thân yêu”. Những cái bắt tay thật chặt, những cái choàng vai nhau lặng lẽ và những giọt nước mắt... tất cả đều diễn ra trong niềm xúc động dâng trào, hòa trộn trong đó là tình đồng đội, đồng chí mà không sức mạnh nào tàn phá được. Trên cơ thể những người còn sống, di chứng của chiến tranh vẫn hằn in, nhưng không chờ những cơn đau của những di chứng ấy “nhắc nhở” mà trong lòng họ luôn đau đáu một điều: Trường Sa.

Trong dòng hồi ức của mình, các chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao vẫn nhắc nhau câu chuyện về những ông bố, bà mẹ đã ra đi vì mòn mỏi chờ tin con, dù biết con mình đã hi sinh. Bởi ai cũng tin rằng di cốt của con cái mình có thể đang nằm dưới lòng biển lạnh kia, trong khoang con tàu HQ – 604.

Ông Phan Văn Bé (Hòa Cường, Đã Nẵng) trút hơi thở cuối cùng khi vừa nghe tin con là liệt sĩ Phan Văn Sự - chiến sĩ trung đoàn công binh E83 - hi sinh. Chuyện về người cha Hoàng Sĩ bố của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông cũng mất vào đúng ngày giỗ con mình, sau 25 năm mỏi mòn chờ đợi. Ba năm trước, đã có tám gia đình liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma may mắn nhận hài cốt của con trai được đưa về từ lòng biển nhờ kỹ thuật xác định ADN.

Vào thời điểm giữa tháng 3, có 3 tàu vận tải của hải quân Việt Nam được điều động ra Trường Sa bảo vệ bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, gồm HQ-604, HQ-605, HQ-505. Tàu của Hải quân Việt Nam đã bị tàu phía Trung Quốc tấn công. Khi ấy tương quan hai bên là không đồng đều khi ta chỉ có súng cá nhân, tàu vận tải trong khi phía Trung Quốc là tàu chiến với pháo 100 ly.

Sự việc xảy ra quá nhanh, vì tàu của ta không trang bị hỏa lực mạnh ngoài những khẩu tiểu liên AK nên nhanh chóng bị đạn pháo từ tàu chiến Trung Quốc bắn chìm. Mặc dù các chiến sĩ của ta đã quyết liệt chống trả nhưng do tương quan lực lượng nên chỉ trong tích tắc là tàu HQ-604 chìm, 64 chiến sĩ của ta hy sinh và mất tích ngay trên vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc.

9 người lính Trường Sa (mặc áo hải quân) sống sót được quân Trung Quốc thả về sau 3 năm giam giữ (ảnh chụp tại trại an dưỡng ở Quảng Ninh năm 1992) (vợ chồng ông Phụng đứng giữa - ảnh do ông Trần Thiện Phụng cung cấp
9 người lính Trường Sa (mặc áo hải quân) sống sót được quân Trung Quốc thả về sau 3 năm giam giữ (ảnh chụp tại trại an dưỡng ở Quảng Ninh năm 1992) (vợ chồng ông Phụng đứng giữa - ảnh do  ông Trần Thiện Phụng cung cấp

9 người lính hải quan Việt Nam bị bắt và giam tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; mỗi buồng giam một người. Danh sách báo tử của họ được gửi về quê nhà. Thời gian đằng đẵng trôi đi, gần như các ông không ai biết gì bên ngoài. Hơn 3 năm sau, khi có Hội Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm thường xuyên, các ông mới bắt đầu viết thư gửi về nước, báo tin mình còn sống. Từ đó, những dòng thư chi chít những tâm sự mới được gửi về quê nhà.

Và sau ngàn ngày bị giam lỏng, đến ngày 2/9/1991, Trần Thiện Phụng, Dương Văn Dũng, Trương Văn Hiền và đồng đội mới được bước chân về đất Việt, qua cửa Hữu Nghị quan. Dù bị giam cầm và tra khảo nhưng 9 người lính Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giữ còn được trở về. Họ may mắn hơn rất nhiều khi có nhiều gia đình đã mãi mãi tiễn con đi.

Hình ảnh quyết tử giữ quốc kì trên bãi Gạc Ma, khi tương quan lực lượng giữa ta và quân Trung Quốc như trứng chọi đá cũng không kém phần bi tráng với khoảnh khắc những người lính bám trụ trên con tầu của hải quân Việt Nam.

Từng là tiểu đội trưởng Gạc Ma, từng cứu mạng anh hùng Nguyễn Văn Lanh, cũng là người tìm và bảo quản xác của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Phương, người đã ngã xuống để giữ cho cờ Tổ quốc tung bay tại đây nhưng mấy ai nghĩ, giờ đây anh Lê Hữu Thảo (quê ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn đang phải quay cuồng với “cơm áo gạo tiền”.

Sau ngày giải ngũ, bản thân anh phải đối mặt với nhiều khó khăn của cuộc sống thường nhật. Cũng phải đi làm khắp nơi nhưng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. “Bây giờ tôi vẫn chưa có việc làm nào cho thật ổn định cả”, anh Thảo tâm sự.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, vậy mà khi đồng đội cũ xuất hiện, anh hùng Nguyễn Văn Lanh lập tức nhận ra, ôm chầm lấy người bạn chiến đấu năm xưa.

Phút gặp nhau cảm động sau 25 năm giữa anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh (trái) và tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo - ảnh: Tuổi trẻ.
Phút gặp nhau cảm động sau 25 năm giữa anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh (trái) và tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo - ảnh: Tuổi trẻ.

Những dòng hồi ức như thước phim quay chậm hiện ra trong tâm thức của họ. Trên xuồng của ta chỉ có hơn 10 người trong khi tàu chiến của Trung Quốc có đến 50 tên lính được trang bị vũ khí tối tân. Nhưng anh em chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ lá quốc kì, hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc.

Thước phim ấy đã khắc họa chân thật nhất giây phút ngạo mạn, man rợ của quân xâm lược Trung Quốc. Giây phút ấy cũng làm nên huyền thoại của những anh hùng đất Việt. Sự hi sinh của các anh được đồng bào cả nước quan tâm. Rất nhiều quà, thư từ, sách báo được đồng bào, đồng chí trên cả nước gửi đến động viên. Những người còn sống, nhận được tình cảm ấy, ai cũng xúc động lắm!.

Sau bao năm bôn ba, tìm về đồng đội cùng các mạ của anh em đơn vị, người cựu chiến binh Lê Hữu Thảo đúc kết: “Nếu nói đây không phải là một trận chiến cũng không sai. Chính xác đây là một sự kiện, sự kiện quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ nổ súng sát hại bộ đội ta. Chúng ta yêu chuộng hòa bình, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực. Chính quân Trung Quốc đã lợi dụng điều này để bất ngờ xả súng vào bộ đội của ta”.

9 chiến sĩ Trường Sa bị địch bắt làm tù binh

1. Trần Thiện Phụng (P.2, Đông Hà, Quảng Trị)

2. Lê Văn Thoa (TP.Quy Nhơn, Bình Định)

3. Nguyễn Văn Thống (xã Nhân Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình)

4. Lê Văn Đông (xã Tây Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình)

5. Mai Văn Hải (xã Liên Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình)

6. Dương Văn Dũng (P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

7. Phạm Văn Nhân (thị trấn nông trường Rạng Đông, H.Nghĩa Hưng, Nam Định)

8. Trương Văn Hiền (thôn 3, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)

9. Nguyễn Tiến Hùng (Thanh Hóa, đã mất).

Danh sách do ông Trần Thiện Phụng (46 tuổi, trú P.2, TP.Đông Hà, Quảng Trị) cung cấp (Báo Thanh niên ghi)

Nguyễn Huệ (Tổng hợp)