36 triệu lao động khó kiểm soát an toàn vệ sinh lao động

07/12/2014 07:00
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Họ là những lao động không có hợp đồng, là những lao động mùa vụ, lao động tự do, tuy nhiên đây chính là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng

Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị thực hiện ngay việc rà soát, thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại những nơi làm việc có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, nơi đông người, đặc biệt tập trung chú ý các công trình xây dựng tiếp giáp với các khu đông dân cư, đường giao thông đông người đi lại, các mỏ khai thác đá, nơi làm việc có yếu tố độc hại. Sau vụ tai nạn lao động gây chết người tại công trình đường sắt trên cao tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc rà soát ngay thời điểm này sẽ chặn kịp thời những hành vi vi phạm.

UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm yêu cầu người sử dụng lao động tạm đình chỉ ngay hoạt động và tiến hành khắc phục đối với những nơi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xử phạt nghiêm những trường hợp không chấp hành. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở nơi đông người theo Điều 227 Bộ luật Hình sự, thì đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét, khởi tố.

Tai nạn tại công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: Vietnam+
Tai nạn tại công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: Vietnam+

Theo đó, những trường hợp che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN)… là hành vi bị nghiêm cấm trong an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Đặc biệt là việc mở rộng đối tượng điều chỉnh, phủ sóng đến 60% lực lượng lao động không có hợp đồng lao động, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đang là những vấn đề lớn đáng chú ý. Tại một buổi tọa đàm báo chí do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, vấn đề nhiều người băn khoăn là việc kiểm soát an toàn lao động đối với các đối tượng có hợp đồng lao động trước đây đã khó khăn, giờ lại gánh thêm cả các đối tượng không có quan hệ lao động, cơ quan chịu trách nhiệm về lĩnh vực này có đưa ra được giải pháp hữu hiệu đảm bảo tính khả thi trong thực hiện Luật.

Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 53 triệu lao động, trong đó có khoảng 36 triệu lao động không có hợp đồng lao động (HĐLĐ), tức là người tự tạo ra việc làm, những người lao động tự do. Trong Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định, tất cả các tổ chức có liên quan trong công tác ATVSLĐ đều phải thực hiện và tuân thủ các quy định của Luật ATVSLĐ. Tuy vậy, cũng chưa rõ, vì vậy dự thảo luật lần này có đặt vấn đề phải mở rộng sang đối tượng không có hợp đồng lao động. Tức là chúng ta sẽ phải giải quyết số lượng lao động rất lớn, đảm bảo được quyền lợi cho người lao động được bảo vệ về ATVSLĐ. Đây là việc làm phải tính toán kỹ bởi vì số lượng này rất lớn.

Theo dự thảo Luật ATVSLĐ, người từ đủ 15 tuổi trở lên làm việc không có hợp đồng lao động sẽ được bảo vệ. Tuỳ theo tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ sẽ quy định việc hỗ trợ cho người lao động không có HĐLĐ. Cần tuyên truyền để người lao động tham gia thấy được lợi ích từ tư vấn đảm bảo ATVSLĐ, từ việc có hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng, biện pháp làm việc an toàn hay được nhà nước hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm nghề nghiệp, để nếu khi xảy ra TNLĐ, BNN sẽ được hưởng chế độ chính sách như người lao động trong khối có quan hệ lao động.

“Chúng tôi đang dự kiến, giả sử có 1 triệu người tham gia vào quỹ này, nếu bù đóng 50% thì sẽ bù khoảng 700 tỉ đồng/năm”, ông Thắng nhấn mạnh.

Một trong những bất cập hiện nay là quá thiếu thanh tra về an toàn lao động, cần được tăng cường. Cục An toàn lao động cho hay, trước năm 2003, cả nước chỉ có hơn 100.000 DN và lực lượng thanh tra ATVSLĐ lúc đó khoảng 400 người. Tới nay, số lượng DN trong nước khoảng 700.000 và số lượng thanh tra làm công tác ATVSLĐ chỉ còn khoảng 150 người, trong đó, có những tỉnh không có cán bộ kỹ sư làm công tác thanh tra ATVSLĐ, nên công tác thanh tra cũng gặp nhiều khó khăn. Với lực lượng thanh tra như hiện nay, tỉ lệ thanh tra được cho các DN khoảng 0,22%.

Nếu mở rộng sang đối tượng không có quan hệ lao động, lớn gấp khoảng gần 2 lần so với số lượng có quan hệ lao động, nếu không có lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ thì chắc chắn chúng ta không thể làm tốt công tác ATVSLĐ. Mà công tác thanh tra ATVSLD lại rất đặc thù, vừa thanh tra con người thực hiện chính sách, vừa thanh tra máy móc thiết bị ATVSLĐ trong quá trình sử dụng; thanh tra những điều kiện làm việc như ồn, rung, bụi… có vượt ngưỡng hay không; điều tra khi có TNLĐ để giải quyết chính sách cho người lao động.

Theo tính toán, nếu cả nước tăng từ 1 đến 2 người thì cả nước sẽ có thêm khoảng 1.000 thanh tra ở cấp huyện. Việc tăng này là cần thiết vì nếu tăng được lực lượng này thì việc phòng ngừa tai TNLĐ và BNN, giảm được tỷ lệ TNLĐ chết người, không có gì đánh đổi được.

Theo số liệu tổng kết về an toàn lao động 6 tháng đầu năm 2014 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, cả nước đã xảy ra 3.454 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.505 người bị nạn trong đó số vụ TNLĐ chết người là 258 vụ. So với 6 tháng đầu năm 2013, số vụ TNLĐ tăng 132 vụ (tăng 3%), tổng số nạn nhân tăng 74 người (tăng 2%), số vụ TNLĐ chết người giảm 65 vụ (giảm 20%) và số người chết giảm 25 người (giảm 8%).

Có thể kể tới một số vụ TNLĐ nghiêm trọng 6 tháng đầu năm 2014 phải kể ra như vụ tai nạn do cháy xảy ra vào 23g30 ngày 15/1/2014 làm 6 người chết và 1 người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; vụ tai nạn do ngạt khí xảy ra vào 10g30 ngày 11/4/2014 làm 3 người chết và 3 người bị thương tại công ty cổ phần Vĩnh Phát, Khu Công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế; vụ tai nạn do đá lăn xảy ra vào 13g30 ngày 23/4/2014 làm 2 người chết tại mỏ đá núi Đồng Thung thuộc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 125- Cencol, đường Thành Thái, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa…

Nguyễn Hoàng