4 vấn đề Đại biểu Quốc hội “truy” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

16/11/2015 07:25
Ngọc Quang
(GDVN) - Thương lái Trung Quốc hoành hành; cách tính giá xăng dầu; nông sản ế ẩm; công nghiệp phụ trợ yếu kém là những vấn đề đại biểu vẫn đang chờ câu trả lời đầy đủ.

LTS: Sáng nay, Quốc hội bắt đầu bước vào chất vấn các thành viên Chính phủ kéo dài 2,5 ngày. Để độc giả tiện theo dõi, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin điểm lại những vấn đề nổi cộm mà Đại biểu Quốc hội quan tâm từ kỳ họp trước. Trong đó, nhiều vấn đề được các đại biểu nhận xét là các Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục.

Có bất hợp lý trong cách tính giá xăng dầu?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đặt vấn đề: Giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Giá cơ sở bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí định mức hiện nay được quy định là 1.050 đồng/lít xăng và 950 đồng/lít dầu, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít.

Nếu chi phí định mức xin được, gửi được, tăng thêm 100 đồng/lít thì người tiêu dùng gánh thêm 1.600 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận được mặc định 300 đồng/lít, người tiêu dùng mặc nhiên trả lãi 4.800 tỷ. Cộng hai khoản trên là 6.400 tỷ đồng, chính điều đó dư luận cứ ngã ngửa mỗi khi các doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận.

Bộ trưởng có nghĩ đó là sự bất hợp lý, là sơ hở cần phải thay đổi để minh bạch hơn, công bằng hơn, để đảm bảo hài hòa, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sau khi giải thích đã nói: “Tôi xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ cùng với Bộ tài chính trong quá trình điều hành giá xăng dầu sẽ phát hiện và đề xuất với Chính phủ những bất cập để nếu cần thiết thì có sự bổ sung, sửa đổi, để đáp ứng được mục tiêu như đại biểu đã nêu là kết hợp hài hòa 3 lợi ích”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng bổ sung thêm thông tin và nói: “Hai bộ chúng tôi rất tiếp thu ý kiến của đại biểu, sẽ rà soát chi phí đang khoán cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, tiếp thu như thế nào và điều chỉnh ra sao đến nay Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn chưa công bố và câu chuyện giá xăng dầu tiếp tục là mối quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 này.

Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Công nghiệp phụ trợ yếu kém, bao giờ mới phát triển?

Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi: Công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ kiện cho tất cả các ngành sản xuất công nghiệp là yếu tố quyết định để nâng tỷ trọng nội địa hóa giá trị sản xuất công nghiệp. Nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có sự chuyển biến nào đáng kể. Vậy, Bộ công thương tham mưu cho Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ cho nền công nghiệp phát triển không?

Do thiếu chính sách phát triển của nền công nghiệp hỗ trợ nên sau 20 năm thu hút đầu tư về ngành ô tô là không thành công. Liệu hội nhập sắp tới có cần một bộ luật để ban hành về hỗ trợ công nghiệp hay không? Nếu không cần ban hành luật thì đề nghị Chính phủ có giải pháp gì?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc cơ chế, chính sách trong khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng chuyển biến trong xây dựng khung pháp luật, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này kết quả còn rất hạn chế.

Theo ông Hoàng, hiện mới có quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Qua 3 năm quyết định này phát huy tác dụng còn hạn chế, vì thế cho nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng về công nghệ hỗ trợ.

Năm 2014, Bộ Công thương đã chủ trì và triển khai việc nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, các ngành, của các địa phương chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều hội thảo với các địa phương, với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, văn bản dự thảo lần thứ 6 cũng chưa được thông qua. Lý do có 2 vấn đề chính, chúng tôi nhận thức rằng mình chưa giải trình được một cách thấu đáo.

4 vấn đề Đại biểu Quốc hội “truy” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ảnh 2

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân

Một là vấn đề hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không nói phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, bản thân sức của họ cũng rất hạn chế.

Vì vậy, nếu bước chân vào làm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nếu không có sự đỡ đầu, sự hỗ trợ ban đầu thì rất khó cho họ và đây không thể thiếu vắng bàn tay của nhà nước.

Tuy nhiên, nhà nước trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế là phải chi tiêu rất nhiều cho lĩnh vực cấp bách khác, không thể hỗ trợ trực tiếp quá nhiều cho lĩnh vực này.

Vì vậy, trong thiết kế của chúng tôi cũng có dự kiến đề xuất một loại hình quỹ hỗ trợ, chúng tôi nghĩ rằng đề xuất của mình không phù hợp, chính vì thế, bây giờ tìm ra cách hỗ trợ, trợ giúp của Nhà nước rất là khó. Đấy là ý thứ nhất mà chưa giải trình được.

Ý thứ hai, là các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các trung tâm trợ giúp cho doanh nghiệp hỗ trợ, chúng tôi đã giải trình các trung tâm này sẽ tận dụng những cơ sở hiện có như các trường đại học, các viện nghiên cứu. Chỉ bổ sung thêm trong những trường hợp cần thiết, mà không thể không bổ sung ở một số những cán bộ công chức có kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp.

Như vậy, dù muốn hay không, mặc dù sễ tận dụng những cơ sở hiện có vẫn không tránh khỏi việc phát sinh thêm một số nhân lực. Chính vì thế Chính phủ cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang cải cách hành chính, đang sắp xếp lại bộ máy thì không thể tăng thêm số lượng người cho các loại hình này.

Ông Hoàng cũng đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng trên, và tại kỳ họp này Đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm những giải pháp ấy khi nào sẽ phát huy kết quả?

Thương lái Trung Quốc hoành hành

Ngoài ra, ở kỳ họp trước, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) – Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề cập tới chuyện nông sản bị thương lái Trung Quốc mua gom nông sản trong nước, làm rối loạn thị trường, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm của ngành, của người đứng đầu khi để tình trạng này “tái đi tái lại”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm mà lại kiến giải lòng vòng.

Khi có điều kiện được hỏi lần 2, Đại biểu Nguyễn Thị Khá đặt thẳng vấn đề: Thương lái Trung Quốc hoành hành đã được đặt ra cho Bộ trưởng trong những lần chất vấn trước, nhưng chưa thấy được giải pháp mà ngành triển khai để ngăn chặn?

Ở lần chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phủ nhận thông tin trên. Theo ông Hoàng, sau khi báo chí phản ánh, Bộ Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát và xử lý nghiêm túc nên tình trạng này đã phần nào được đẩy lùi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đưa ra yêu cầu: “Thương lái bất cứ nước nào nếu làm ăn gian lận, không đúng pháp luật đều bị xử lý. Không chỉ có thương lái nước mà Đại biểu Khá nêu, mà thương lái nhiều nước khác cũng có tình trạng đó. Ngay cả trong nước ta, người mua người bán nước ta, cũng có tình trạng đó, đều cần phải xử lý".

Tiêu thụ nông sản ế ẩm, nông dân trăm đường cơ cực

Vấn đề tiêu thụ nông sản ế ẩm là một trong những vấn đề gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, đặc biệt là với người nông dân thời gian qua.

ĐB Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng) nêu thực tế tại địa phương và đặt câu hỏi "đòi nợ": Ba năm trước, khi chất vấn Bộ trưởng về chuyện hành tím Sóc Trăng rớt giá, Bộ trưởng có hứa với tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tiếp tục tìm đầu ra, tăng cường cung cấp thông tin về tình hình thị trường trong, ngoài nước để bà con tham khảo.

Xin hỏi lời hứa trên đã được thực hiện ra sao trong 3 năm qua? Bộ trưởng cũng có nói đừng đổ lỗi cho nông dân trong chuyện dưa, hành được mùa rớt giá. Vậy xin hỏi ai phải chịu trách nhiệm?

Cũng liên quan tới tiêu thụ nông sản, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chất vấn: “Cử tri cho rằng, tiêu thụ nông sản vẫn là vấn đề nóng, hệ thống lưu thông và vận chuyển sản phẩm là nguyên nhân gây ách tắc. Dưa hấu miền Trung chỉ vài trăm đồng/kg thì người dân Hà Nội mua dưa đến 18 – 20.000 đồng/kg... Bộ trưởng có đồng quan điểm với ý kiến cử tri không?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có phần trách nhiệm của Bộ Công thương trong báo cáo, cung cấp thông tin, tìm hiểu giá cả và định hướng thị trường.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là khắc phục tình trạng này thế nào thì ông Hoàng lại cho rằng "sẽ khó một sớm một chiều, do đây là chính sách của một quốc gia".

Những trả lời trên chưa thực sự thỏa mãn yêu cầu của các Đại biểu Quốc hội. 

Ngọc Quang