5 tuổi đã theo mẹ lên rừng, 9 tuổi biết địu ngô làm nương

01/03/2012 11:09
Kim Ngân
(GDVN) - Giàng Thị Xay (12 tuổi) có thể đi bộ vượt đường rừng hơn 2 tiếng đồng hồ để địu ngô, làm nương rẫy với mẹ. Bữa cơm hàng ngày chỉ vẻn vẹn 5 nghìn đồng.

Cả xã không ai giàu đâu, chỉ vài người khá thôi

Xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu hiện có 468 hộ với hơn 2.800 khẩu, trong đó 80% là người Mông,  sinh sống ở 9 thôn bản là: Đầu Cầu, Chống Khua, Cu Vai, Sáng Pao, Tà Đằng, Khấu Dê, Háng Thồ, Keng Chi Khúa và Suối Giao. Nguồn thu chủ yếu dựa vào cây lúa, nương ngô, sắn trên rừng và việc chăn thả gia súc trên núi.

Theo ông Giàng A Sinh (Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ) thì do địa hình dân cư thưa thớt, đồi núi hiểm trở, người dân không có phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí còn thấp nên đời sống dân bản còn gặp nhiều khó khăn, vất vả.

“Cả xã không có ai giàu đâu, chỉ vài người khá thôi. Khá nhất cũng chỉ tậu được xe máy để đi lại, nhưng không ăn thua. Trồng lúa dân mình không có kỹ thuật gì nên nghèo lắm, lúa gạo chỉ đủ ăn thôi”, ông Sinh cho hay.

Cũng theo ông Sinh thì vài hộ dân chăn thả gia súc trên rừng hình thành khu chăn nuôi trên đỉnh núi Phu Song Sung. Lý giải điều này, anh Giàng A Tu có khu chăn nuôi ngựa và lợn trên núi nói: “Vì dưới này có ổ dịch, rét quá nên năm ngoái trâu bò chết nhiều. Ở đây mỗi hộ được hơn chục con cả trâu, bò, ngựa. Mỗi tháng cũng được 1,5 – 2 triệu/ tháng”.

“Trồng ngô, sắn chỉ đủ dùng cho lợn, chứ không bán được nhiều, chẳng đủ nuôi con đi học và đổ xăng. Sắn bán rẻ lắm, người ta mang xe về chở tận nơi cũng được 1 nghìn đồng/ kg”, A Tu nói thêm.

Giàng A Tu, người dân tộc Mông nói: "Ở đây nghèo lắm, trồng ngô sắn chỉ đủ cho lợn ăn thôi, chứ không bán được nhiều..."
Giàng A Tu, người dân tộc Mông nói: "Ở đây nghèo lắm, trồng ngô sắn chỉ đủ cho lợn ăn thôi, chứ không bán được nhiều..."

Bữa cơm hàng ngày của người dân nghèo nơi đây chỉ có cơm với bát muối, mì tôm, canh rau cải. Hôm nào “sang” thì có ít tóp mỡ hay thịt ba chỉ cải thiện bữa ăn.

A Tu năm nay 23 tuổi, lấy vợ từ năm 17 tuổi và đã có hai đứa con nhỏ Giàng A Hẳng (2 tuổi) và Giàng Đức Thắng (7 tháng tuổi). Bốn miệng ăn dựa vào mấy ruộng lúa, nương ngô và mấy con lợn chăn thả trên rừng.

Một thực tế dễ thấy là tình trạng tảo hôn và sinh con nhiều vẫn tiếp tục diễn ra ở xã nghèo Xà Hồ. Được biết, hiện toàn xã có trên 40 hộ sinh từ 5-6 người con trở lên, như gia đình ông Chứ A Nhà, Giàng A Pha, Vàng A Páo cùng thôn Xáng Pao, đều rơi vào những hộ nghèo đói kinh niên.

Vừa địu đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi sau lưng, vừa xay ngô chị Thào Thị Dở (17tuổi) nói được vài từ tiếng Kinh: “Ở Mường La, Sơn La sang đây. Chẳng biết, nghỉ học từ hồi còn bé xíu. Hôm Tết, A Tu đi đường rừng 8 cây số sang đưa mình về lâu rồi”.

Vừa địu đứa con trên lưng vừa dậy từ 4h sáng để xay ngô, chị Thào Thị Dở (vợ A Tu) nghỉ học từ hồi còn bé xíu, lấy chồng từ năm 17 tuổi.
Vừa địu đứa con trên lưng vừa dậy từ 4h sáng để xay ngô, chị Thào Thị Dở (vợ A Tu) nghỉ học từ hồi còn bé xíu, lấy chồng từ năm 17 tuổi.

Cuộc sống khó khăn, địa hình hiểm trở, những đứa trẻ Xà Hồ này phải vượt rừng bằng đôi chân trần nhem nhuốc, buốt lạnh để đến trường tìm con chữ, con số.

Cuộc sống nơi đây còn quá nhiều khó khắn. Ngôi nhà xập xệ này là của chị Thà Thị Nhừ (Xà Hồ, Trạm Tấu). Bên trong nhà chị tuếch toách, chẳng có gì giá trị
Cuộc sống nơi đây còn quá nhiều khó khắn. Ngôi nhà xập xệ này là của chị Thà Thị Nhừ (Xà Hồ, Trạm Tấu). Bên trong nhà chị tuếch toách, chẳng có gì giá trị

3 – 5 nghìn/ bữa cơm trưa

Hiện xã Xà Hồ có 2 điểm trường: 1 trường tiểu học ( từ 6 – 9 tuổi) và 1 trường trẻ (từ 1 – 5 tuổi) với 682 em học sinh tiểu học trong đó có 315 nữ và 276 trẻ mẫu giáo.

Theo PV báo Giáo dục Việt Nam tìm hiểu thì học sinh tiểu học và trung học bán trú được hỗ trợ tiền ăn là 140 nghìn đồng/ tháng/học sinh; mầm non là 70 nghìn đồng/ tháng/ em. Và nếu hộ nào không thuộc diện nghèo sẽ phải góp gạo, góp củi cho nhà trường để nuôi con ăn bữa trưa ở trường.

“Mỗi gia đình góp 3 – 4 kg/ tháng và chỉ có 3 – 5 nghìn đồng/ 1 bữa. Chủ yếu là ăn rau, làm canh ăn với cơm, thỉnh thoảng đậu tương, tóp mỡ”, ông A Sinh cho biết.

Mỗi em bán trú ăn một bữa trưa chỉ có giá 5 nghìn đồng. Nếu không phải hộ nghèo, bố mẹ các em sẽ góp thêm gạo và củi
Mỗi em bán trú ăn một bữa trưa chỉ có giá 5 nghìn đồng. Nếu không phải hộ nghèo, bố mẹ các em sẽ góp thêm gạo và củi

Khó khăn chồng chất khó khăn khi hàng ngày các em phải tự đi bộ đến trường với chiếc áo mỏng manh, rách lỗ chỗ, chiếc quần mỏng cũ kỹ trong thời tiết giá rét chỉ có 5 – 10 độ. Thậm chí, có em phải vượt hơn 3 cây số đường dốc núi đá từ bản Tà Đằng, Sáng Pao xuống điểm trường để học.

Để tìm con chữ, biết mặt con số của trẻ Xà Hồ không phải là điều dễ dàng. Bởi đời sống kinh tế còn quá nhiều vất vả, nghèo đói chỉ trông vào cây ngô, cây sắn; nghỉ học giúp bố mẹ việc nhà, theo mẹ lên nương địu ngô, đào sắn…hay do địa hình hiểm trở ngăn cản bước chân học sinh Xà Hồ học lên cấp 3.

Giàng Thị Xay (12 tuổi) đang học lớp 6 ngượng ngịu nói rằng: “Bố đi xay ngô, mẹ làm rông – lên rừng lấy cây giang về vót đan để bán”.

-         Lúc mấy tuổi em lên rừng với mẹ?

-         Em lắc đầu, thẹn thùng: “Em không biết nữa. Chắc là hồi bé xíu 5 tuổi”.

-         Thế em có biết đi làm nương, địu ngô với mẹ không?

-         Có

-         Địu như thế có nặng không?

-         Không ạ.

Giàng Thị Xay (12 tuổi) đã biết địu ngô, làm nương. Hàng ngày em phải dậy sớm để nấu cám cho lợn.
Giàng Thị Xay (12 tuổi) đã biết địu ngô, làm nương. Hàng ngày em phải dậy sớm để nấu cám cho lợn.

Khi tôi hỏi cô bé lên nương bao nhiêu cây số, em ngây ngô không biết mà chỉ trả lời: “Nếu đi bộ nhanh thì mất hơn 2 tiếng đến nơi”. Dáng người nhỏ nhắn của Xay, ít người tưởng tượng được em có thể mang cái địu nặng hàng chục cân trên vai, xay ngô nấu cám cho lợn…

Nói về tình trạng nghỉ học của trẻ Xà Hồ, Bí thư xã Giàng A Sinh cho biết: “Hầu hết trẻ ở đây chưa hết cấp 2 là nghỉ học vì bố mẹ không cho đi, bắt ở nhà làm nương, chăn trâu, đặc biệt là con gái bởi họ nghĩ con gái đằng nào cũng lấy chồng thì học làm gì nữa”.

Những đứa trẻ này chỉ 6 tuổi, 12 tuổi nhưng chúng phải địu trên vai dụng cụ để đi bộ 2 tiếng lên nương cùng mẹ
Những đứa trẻ này chỉ 6 tuổi, 12 tuổi nhưng chúng phải địu trên vai dụng cụ để đi bộ 2 tiếng lên nương cùng mẹ

A Tu là một trong những người ham học ở cái xã nghèo này. Năm 2007 A Tu thử thử sức mình thi vào đại học Tây Bắc nhưng không đỗ. Năm 2008, A Tu vẫn quyết tâm ôn thi vào ĐH Nông Lâm với hy vọng thực hiện được ước mơ của mình, nhưng không được.

Con đường đến trường của gần 1000 học sinh ở xã Xà Hồ, Trạm Tấu này còn nhiều chông gai. Mong muốn, khao khát biết mặt chữ Kinh, con số của các em vẫn luôn thường trực trong cuộc sống vô vàn khó khăn ở vùng cao nghèo này.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Kim Ngân