6 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh vì... nước bẩn

27/03/2015 10:44
Ngọc Quang
(GDVN) - 80% dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt chuẩn của Bộ y tế, trong khi đó 85% dân nông thôn đã được cấp nước, nhưng chỉ 42% đạt chuẩn.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy dù đã đạt được những thành công nhất định trong việc bao phủ tỷ lệ cấp nước sinh hoạt tới người dân ở đô thị và nông thôn song các bệnh lây truyền qua đường nước luôn luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Tình trạng thiếu nước sạch hằng năm ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam và trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ ngành phải tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ nhân dân. ảnh: vgp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ ngành phải tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ nhân dân. ảnh: vgp.

Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Thanh Long cho biết: "Việt Nam đang đạt tỷ lệ 80% dân số đô thị được cung cấp nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, tuy nhiên, ở nông thôn dù 85% dân số được cấp nước hợp vệ sinh, nhưng chỉ có 42% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế".

Nguyên nhân của tình trạng này là chất lượng nước tại nhiều nơi vẫn chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhất là nước cấp từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; trạm cấp nước tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có công nghệ xử lý còn lạc hậu, hệ thống đường ống chưa đảm bảo và có tỷ lệ thất thoát nước cao. Trong khi, công tác tự kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước sạch và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành. Một số địa phương chưa giám sát được chất lượng nước khu vực nông thôn.

Ô nhiễm nguồn nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. ảnh: VA
Ô nhiễm nguồn nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. ảnh: VA

Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng nước trên cả nước năm 2014 cho thấy, 21,6% số cơ sở cấp nước từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên không đạt vệ sinh chung. Tỷ lệ này ở các cơ sở cấp nước dưới 1.000 m3/ngày đêm là 27,4%. Một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như: Nhiễm vi sinh và chất hữu cơ; hàm lượng một số kim loại nặng vượt quá mức cho phép.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, sự quan tâm của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao chất lượng, tăng khả năng cung cấp nguồn nước sạch,  góp phần đảm bảo sức khỏe cho mỗi người dân Việt Nam; đồng thời đề nghị các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, xây dựng các quy định thanh tra, kiểm định chặt chẽ để bất kỳ nguồn nước từ nhà máy, hệ thống cấp nước tập trung hay khai thác tại chỗ khi đến người dân phải sạch. Bộ Y tế có trách nhiệm chính với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm về công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Phó Thủ tướng nhận định, không chỉ là vấn đề chất lượng nước ở tại nguồn hay bể chứa mà nhiều người còn lo ngại nước bị ô nhiễm  do hệ thống đường ống dẫn nước tại nhiều đô thị được sử dụng từ cách đây hàng chục năm nên đã xuống cấp. Vì vậy, việc công khai, minh bạch kết quả kiểm định chất lượng nước ở từng khâu sẽ giúp xác định rõ chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi khâu nào để có biện pháp xử lý phù hợp. Hiện các phòng thí nghiệm, trung tâm hiện có tại Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng kiểm định chất lượng nước, nên cần có quy định, hướng dẫn cụ thể chứ không phải là đầu tư thêm.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Chúng ta cũng phải đổi mới công tác truyền thông để người dân tự nhận thức việc sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là tự bảo vệ mình khỏi bệnh tật mà còn tiết kiệm không ít chi phí y tế cho xã hội”.

Ngọc Quang