Vụ cháy ở TTTM Hải Dương:

60 hộ có bảo hiểm cháy nổ nhưng không phải do BQL TTTM Hải Dương mua

19/09/2013 14:04
Phong Vũ
(GDVN) - Khoảng 60 hộ kinh doanh tại Trung tâm thương mại hải Dương (TTTM) đã được ngân hàng Sacombank mua bảo hiểm cháy nổ cho từ trước mà không hề hay biết. 60 hộ này sẽ được đơn vị bảo hiểm thanh toán các khoản vay từ Sacombank.
Bất ngờ có bảo hiểm, không phải trả nợ ngân hàng

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, vụ cháy xảy ra ngày 15/9 vừa qua tại TTTM Hải Dương đã khiến các loại đồ điện tử, vải quần, áo và toàn bộ tài sản của 530 hộ kinh doanh bị cháy rụi. Trụ sở của Ban quản lý chợ và TTTM cũng bị lửa thiêu rụi. Ước tính thiệt hại khoảng trên 500 tỷ đồng.

Sau khi vụ cháy xảy ra, một số hộ dân kinh doanh tại TTTM Hải Dương cho biết họ không hề biết đến bảo hiểm cháy nổ, cũng chưa thấy Ban quản lý Trung tâm nói đến vấn đề này bao giờ.

Hiện trường vụ cháy.
Hiện trường vụ cháy.


Việc không có bảo hiểm cháy nổ cũng đồng nghĩa với việc, các hộ dân kinh doanh dù bị thiệt hải cả tỷ đồng thì sau vụ cháy, họ chỉ biết trông chờ vào số tiền hỗ trợ đột xuất trực tiếp (khoảng 10-20 triệu) và một số chính sách hỗ trợ từ UBND Thành phố và tỉnh Hải Dương.

Liên quan đến bảo hiểm cháy nổ của các tiểu thương tại TTTM Hải Dương nói trên, trao đổi với báo chí vào sáng ngày 19/9, một đại diện ngân hàng Sacombank bất ngờ cho biết, trước đây ngân hàng này có mua bảo hiểm cháy nổ cho khoảng 60 hộ bị thiệt hại trong vụ cháy tại TTTM Hải Dương có quan hệ vay vốn.

Theo đó, khoảng 60 hộ tiểu thương vay vốn của Sacombank nói trên sẽ không phải trả khoản vay vì ngân hàng đã mua bảo hiểm cho họ từ trước.

Người dân gần TTTM Hải Dương di dời đến nơi tạm trú an toàn.
Người dân gần TTTM Hải Dương di dời đến nơi tạm trú an toàn.

Tuy nhiên, vị đại diện ngân hàng Sacombank cũng cho biết, dù mua bảo hiểm cháy nổ nhưng không phải tất cả tài sản thiệt hại sẽ được chi trả. lý do là vì trong quá trình vay vốn, các tiểu thương mang hợp đồng gian hàng ra vay, và phía ngân hàng sẽ định giá quyền sử dụng sạp. Tùy giá trị gian hàng, họ sẽ được cho vay từ 100 đến 200 triệu đồng. Số vay này, các tiểu thương được bảo hiểm thanh toán.

Điều đáng chú ý là, việc ngân hàng Sacombank mua bảo hiểm cho các gói vay nói trên, nhiều tiểu thương không hề hay biết. Đến khi ngân hàng thông báo cho các tiểu thương không phải trả những khoản vay này, họ mừng rơi nước mắt.

Thiết nghĩ, nếu trước đây Ban quản lý TTTM Hải Dương mua bảo hiểm cho tất cả hơn 500 hộ kinh doanh tại đây thì cuộc sống của các hộ này có lẽ không đến mức khốn cùng như hiện tại.

Được biết, Hải Dương có đến hơn 20 đơn vị bảo hiểm lớn nhỏ và các đơn vị này hầu hết đều tư vấn, chào mời nhưng đều chưa thực hiện được việc bảo hiểm đối với các chợ, TTTM, các tiểu thương.

Đề nghị tháo dỡ TTTM, di dời dân khẩn cấp


Trở lại hiện trường vụ cháy  TTTM Hải Dương, chiều ngày 18/9, UBND TP Hải Dương đã có công văn trình Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị thực hiện tháo dỡ khẩn cấp công trình TTTM Hải Dương.

Trong công văn nêu rõ, qua quá trình kiểm tra tình hình thực tế tại hiện trường TTTM Hải Dương và báo cáo đề nghị của công an TP Hải Dương, hiện công trình TTTM Hải Dương đã xuất hiện tình trạng vỡ, cong nghiêng các cột phía ngoài và biến dạng các cột phía trong. UBND TP Hải Dương đề nghị Chủ tịch tỉnh cho chủ trương thực hiện tháo dỡ gấp công trình, tránh gây thiệt hại đến tính mạng nhân dân ở khu vực lân cận.

Ngày 18/9, tường rào thép được dựng lên xung quanh TTTM, công tác khám nghiệm hiện trường vẫn được triển khai.
Ngày 18/9, tường rào thép được dựng lên xung quanh TTTM, công tác khám nghiệm hiện trường vẫn được triển khai.

Cùng ngày UBND TP Hải Dươngcũng đã ra quyết định sơ tán dân khẩn cấp tại phố Mạc Thị Bưởi – khu vực phía sau TTTM để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Được biết, công tác di dời được thực hiện vào chiều cùng ngày, các hộ dân được chuyển tới nơi tạm trú tại các nhà văn hóa ở khu vực gần nhất.

Trong một diễn biến khác, hiện UBND TP Hải Dương cũng đã lên kế hoạch xây dựng chợ tạm cho bà con tiểu thương. Theo thống kê đến thời điểm này cho thấy, có 574 hộ có nhu cầu bố trí chợ tạm, trong đó có 306 hộ bán hàng quần áo, 15 hộ bán đồ điện, còn lại là giày dép và các hàng hóa khác. Dự kiến số gian hàng sẽ nhiều hơn do có nhiều trường hợp một hộ kinh doanh nhiều gian hàng.

Theo ông Đoàn Việt Hùng - Chủ tịch UBND TP Hải Dương cho biết, đến 25/9 việc khảo sát, xây dựng phương án chợ tạm sẽ được hoàn thành để trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến, kinh phí cho việc xây dựng chợ tạm vào khoảng 20 tỷ đồng, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 3 tháng, xong trước Tết Nguyên Đán.

Về nguyên nhân vụ cháy, hiện lực lượng chức năng vẫn đang khám nghiệm hiện trường và tiếp tục điều tra làm rõ.
Phong Vũ