600 ngày dày vò của người cha xin hiến xác con

19/01/2012 06:03
Phương Nhuận/Gia đình & Xã hội
Bất lực trước bệnh tình của con trai, khi thấy sự sống của con đã không còn ý nghĩa, ông Đạt đã viết thư... xin hiến xác con cho y học.
Vật lộn cứu con Căn nhà của vợ chồng ông Phạm Tất Đạt nằm ở con ngõ nhỏ số 4 Tôn Đức Thắng (Quận Đống Đa – Hà Nội) được xây dựng từ những năm 70, lụp xụp những mảng tường nham nhở. Chiếc ni lông che phòng khách và phòng ngủ gió thổi thông thống, rách tả tơi. Hai con người ngồi lặng yên ở một góc nhà càng khiến căn nhà trở nên lạnh lẽo. Trong ngôi nhà không một thứ quý giá nào ngoài những bọc thuốc chữa bệnh cho người con trai.
Tóm tắt vụ án

Trần Mạnh Hùng thuê nhà ở ngõ số 4, Tôn Đức Thắng để làm nghề sửa chữa đàn. Nghi ngờ anh Phạm Trí Đức con ông Phạm Tất Đạt cùng ngõ làm rách biển quảng cáo, Hùng sấn sổ gọi Đức ra rồi dùng tuốc-nơ-vít đâm 2 nhát vào ngực anh Đức. Bác sĩ phải tiêm tới 6 ống thuốc trợ tim mới có thể khiến tim anh Đức đập trở lại. Tuy nhiên từ đó anh sống thực vật. Sau gần 2 năm chăm con, ông Đạt đã làm đơn xin hiến anh Đức cho y học. Về phần Hùng, y bị Tòa án xử 7 năm tù giam.

Không thể lấy tạng của anh Đức


PGS.TS Nguyễn Bá Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, người hiến tạng là người có ý nghĩa cao đẹp, hành động của họ vừa mang ý nghĩa xã hội vừa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc vì để lại tạng phần mềm cho người sống. Cứu được một người phúc đẳng hà sa.

Tuy nhiên, với trường hợp lá đơn của ông Đạt không thể lấy tạng của anh Đức. Anh Đức hiện sống thực vật, não chưa chết. Luật hiến tạng ở nước ta quy định chỉ cho phép lấy tạng ở người chết não, với điều kiện toàn bộ gia đình đồng ý.
Câu chuyện về anh Phạm Trí Đức, con trai thứ 2 của vợ chồng ông Đạt – bà Yến được kể trong nước mắt. Bà Yến chua xót: “Nhìn con bệnh tật, người làm mẹ như tôi đau đớn lắm. Mỗi khi nhìn thấy nó co rúm người, nghiến răng, nghiến lợi, là tôi không còn thiết sống nữa”. Ông Đạt thì lặng thinh, cứ chốc chốc lại châm một điếu thuốc lá. Mắt ông thất thần, đôi tay dường như không còn cảm giác, tàn thuốc lá gạt vung vãi khắp nơi. Nhìn ông Đạt tôi tự hỏi, trước đây, liệu có bao giờ ông Đạt ngờ rằng sẽ có ngày mình phải đặt bút viết đơn xin hiến xác con không? Chắc hẳn là trong giấc mơ tồi tệ nhất ông cũng không bao giờ nghĩ đến. Chỉ mới chưa đầy hai năm trước, một biến cố đã đủ để làm tan nát cả một gia đình. Hôm ấy, cũng tại con ngõ số 4 (Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) này, vì một chút mâu thuẫn mà Trần Mạnh Hùng đã dùng tuốc nơ vít đâm anh Phạm Trí Đức (con trai ông Đạt) trọng thương. Anh Đức được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu khi tim đã ngừng đập. Được các bác sĩ cứu chữa anh thoát chết nhưng từ đó đến nay sống dạng thực vật, hoàn toàn không còn khả năng nhận biết. “Mỗi lần khiêng nó xuống để tắm lại phải lấy dây cột nó vào ghế. Tay chân, người nó cứ oặt lên quặt xuống, tôi nhìn mà thấy lòng chua xót. Trước ngày bị đâm, Đức to béo, khỏe mạnh lắm. Vậy mà giờ chỉ mong con ngồi được, nhận được bố mẹ, vợ con mà thôi. Con tôi vốn hiền lành, cả đời không và chạm với ai. 40 tuổi Đức mới lấy vợ, hiện có cô con gái 2 tuổi. Vợ chồng nó sống cùng gia đình tôi”, ông Đạt nghẹn lời kể. Vốn là một thầy thuốc Đông y, chữa trị bệnh cho người đời, vậy mà giờ đây con lâm vào cảnh bệnh tật, ông Đạt lại phải bó tay. Điều này khiến ông chua xót. Ông bảo: “Nhiều ca bệnh dù khó đến đâu khi tới đây tôi cũng tìm mọi cách để cứu lấy họ. Vậy mà khi ngời con trai tôi lâm bệnh, tôi lại không làm được gì hơn. Tôi đã bỏ nghề vì thấy vô nghĩa quá. Có lẽ tôi đã nhầm rồi chăng? Tôi đã chọn nhầm nghề nên mới có bi kịch hôm nay. Đời tôi toàn đi cứu người, nhưng con trai tôi thì tôi bất lực nhìn nó chết từng ngày”.Lá thư cùng cực Vợ chồng ông Đạt cùng cô con dâu giờ chăm sóc anh Đức như một đứa trẻ, cùng với bỉm với sữa. Nhưng đứa trẻ còn biết khóc cười, còn anh Đức chỉ im lặng, vô tri. Hai năm chữa chạy cho con, ông Đạt đã vắt kiệt sức lực, thời gian và cả tiền bạc. Ngày tai họa giáng xuống, nhìn con nằm trong viện mà nước mắt ông Đạt ứa ra. Có những đêm ông ngủ ngay dưới chân giường bệnh của con. “Có hôm thấy mình như người mộng du, người cứ chơi vơi, chơi vơi. Khi tỉnh lại tự trách mình: Cứ thế này thì con mình biết nương tựa vào ai? Thế là tự nhủ không được cho phép mình gục ngã. Mình ngã là con mình chết. Vậy là phải gắng gượng tìm mọi cách để kéo sự sống cho con”, ông Đạt tâm sự. Bà Yến bảo, 18 tháng chăm sóc con ông Đạt luôn trăn trở, tìm mọi cách cứu con. Có khi ông Đạt lên nằm ở cửa khẩu nửa tháng trời đợi lấy thuốc từ Trung Quốc  gửi về. Không cứu được con ông lại dằn vặt lòng mình. Mặc dù trong lòng đau khổ nhưng ông ấy không bao giờ bộc lộ sự đau khổ của mình ra với ai. Từ khi anh Đức bị bệnh, ông Đạt lúc nào cũng lầm lũi, quanh quẩn với suy nghĩ của chính mình.
Ông Phạm Tất Đạt
Ông Phạm Tất Đạt
Hằng đêm ông Đạt thức đọc sách để tìm ra phương thuốc chữa bệnh cho con. Sợ “dao sắc không gọt được chuôi” ông còn cùng con dâu mời chuyên gia não khoa ở Quảng Châu (Trung Quốc) sang Việt Nam chạy chữa. Tiền bạc, tài sản trong nhà lần lượt ra đi. Ông Đạt cho tôi xem một túi đựng đầy vỏ hộp thuốc, ông bảo thuốc đó phải nhờ mua tận Trung Quốc, mỗi viên trị giá đến hàng triệu đồng. Tiền mời thầy thuốc sang, tiền thuốc men chữa trị cho anh Đức cũng ngót nghét đến vài chục ngàn đô. Nhưng mọi phương pháp đều vô vọng, anh Đức vẫn nằm bất động ở đó! Ông Đạt chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều ngoài 70 tuổi, sức cùng lực kiệt, lại không có lương hưu. Hai vợ chồng nuôi nhau đã khó, nói chi đến việc phải chăm sóc thuốc thang cho con. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai đứa con dâu 40 tuổi. Hàng tháng riêng tiền thuê người trông nom đã 5 triệu đồng. Trong khi đó, quyết định của tòa chỉ buộc gia đình Mạnh chi 500 nghìn đồng/một tháng thuê người trông nom. Số tiền đó bây giờ làm được cái gì?”. Bất lực, mọi hy vọng chữa khỏi bệnh cho con tắt ngấm, ông Đạt phải đối diện với thực tại là con ông không bao giờ tỉnh lại và có thể ra đi bất cứ lúc nào. Áp lực cuộc sống hàng ngày dồn lên hai vợ chồng già. Nhiều đêm không ngủ, nước mắt tuôn rơi, ông tự định viết một lá đơn mà dường như chưa có một người cha nào dám viết. Trong đầu ông, những suy nghĩ giằng xé khiến tâm trạng ông rối bời. Ông biết rằng với nhiều người khi đọc lá đơn này họ sẽ nói ông đang “ký bản án tử hình” cho chính con trai mình. Nhưng sống thế này thì còn khổ hơn chết. Vậy là cuối cùng ông viết: “…Con trai tôi hiện trạng như vậy không thể gọi là sống, mà phải nói là khổ hơn chết hàng trăm lần, giả sử như cháu nhận biết được thực trạng và hoàn cảnh của gia đình, vợ, con thì tôi tin chắc cháu cũng sẽ vui vẻ tự sát và hiến xác để làm từ thiện cứu giúp mọi người…”.
Vợ và con dâu phản đối
Viết lá thư với mong muốn cho con bớt đau khổ, nhưng rồi ông cũng không thoát khỏi dằn vặt trong lòng. Lại châm một điếu thuốc, ông Đạt chậm rãi nói: “Tôi rất tỉnh táo khi viết thư bày tỏ ý nguyện xin được hiến xác con cho y học. Tôi đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều để đi đến quyết định này. Tôi chỉ mong con tôi bớt khổ và khi từ giã cõi đời này sẽ làm được điều gì đó có ích cho xã hội. Tuy nhiên chuyện hiến xác là chuyện liên quan đến tình cảm, phong tục nên không thể dùng quyền làm cha, làm chồng mà ép vợ con theo mình được. Vợ và các con đều góp ý, bảo tôi phải suy nghĩ cho kỹ…”. Hàng xóm láng giềng, bạn bè khi biết chuyện ông Đạt định hiến xác con, có người ủng hộ cho rằng đấy là quyết định đúng, một nghĩa cử cao đẹp. Nhưng cũng không ít người lại lên án ông. Họ nói làm như thế là thất đức, khác nào bán xương thịt của con ông cho người khác. Dù nói đã suy nghĩ kỹ trước khi viết đơn, nhưng khi nghe được những lời như vậy, lòng ông Đạt lại đau nhói. “Mình làm sai rồi chăng?”, ông tự chất vấn lương tâm mình. Những lời gièm pha của thiên hạ khiến nhiều đêm ông không ngủ được. Cứ đặt mình là những lời nói kia lại văng vẳng bên tai. “Nhiều người nói rằng vợ chồng tôi thiếu tiền nên bán xác con rồi kiếm tiền kiểu ấy là thất đức. Nghe xót xa lắm”. Không chỉ vấp phải sự dè bỉu của người xung quanh, ông còn khổ tâm vì chính sự phản đối của vợ và con dâu ông. Ông Đạt cho biết, khi vợ và con dâu biết ý định của ông, cả hai người đã phản đối, thậm chí không buồn trò chuyện với ông nữa. Vậy là cùng một lúc, ông phải chịu áp lực từ hai phía, cả dư luận bên ngoài và người thân. Áp lực này khiến nhiều lúc đầu óc ông như muốn nổ tung. Nhưng sau một thời gian, có lẽ nhiều người đã hiểu được sự dày vò, đau khổ của một người cha như ông, hiểu được điều ông làm là vì cái gì, do vậy dần dần bà con lối xóm cũng thôi không xì xào, bàn tán nữa. Ngay cả vợ và con dâu ông cũng không còn lạnh lùng với ông. Ông bảo mình là một thầy thuốc nên biết rõ bệnh trạng của con ở mức độ nào. Khi sự sống đã chẳng còn ý nghĩa, thì tại sao không chọn cái chết có ý nghĩa hơn – mang lại sự sống cho nhiều người khác? Ngồi bên cạnh chồng, bà Yến bảo: “Khi biết ông ấy viết đơn hiến xác con tôi đau lòng, ốm suốt một thời gian. Tôi nói với ông ấy: Tôi không thể cho người ta mổ xẻ vào thân xác con tôi, khi nó chết đi thì cứ để nguyên vẹn như thế đem chôn. Ông ấy bảo, cứ để con sống khổ sở như vậy còn đau lòng hơn. Khi chết đi rồi, xác thiêu thì làm tro, chôn thì cũng về với đất, sao không để con giải thoát khỏi kiếp khổ mà chết đi nó cũng làm được một việc có ích cho đời? Có khi làm như vậy, con lại được sống lâu hơn với chúng ta ở một cơ thể khác”. Nghe ông nói, bà Yến cũng chẳng biết nói gì hơn, đôi vai già khẽ rung lên từng hồi.Vợ chồng một ngày nên nghĩa Cách đây 7 tháng, hai vợ chồng anh Đức chuyển ra căn nhà nhỏ trong khu tập thể của BV Hữu Nghị Việt Xô. Thân hình tong teo da bọc xương, những cơn chuột rút, sặc đờm làm toàn thân anh co rúm, tím tái. Chị Hạnh – vợ anh Đức tiều tụy, gầy gò với đôi mắt lúc nào cũng rưng rưng muốn khóc… Cả căn phòng bị bao trùm bởi không khí nặng nề, ngột ngạt. Ông Đạt cùng tôi đến thăm vợ chồng anh Đức. Vừa đến cửa, ông Đạt đã vội vào với con, ngồi xuống cầm tay con trai bấm huyệt. Ông thờ dài, đôi mắt ầng ậng nước. Nhắc đến chuyện hiến xác anh Đức cho y học, chị Hạnh buồn rười rượi. Chị bảo, khi cha chồng quyết định viết lá đơn đó chị đã rất căng thẳng. Thậm chí chị nói: “Anh ấy là con của ông bà, ông bà có quyền quyết định. Nhưng giờ anh ấy còn là chồng tôi, anh ấy sống thì tôi nuôi, còn anh ấy chết thì tôi chôn. Tôi vẫn chưa nghĩ đến những chuyện xa xôi đó. Với lại anh ấy nằm đó, hàng ngày con bé còn được trông thấy bố, được nói chuyện với bố. Giờ không thấy bố không biết con bé sẽ ra sao”. Vợ  chồng đầu gối tay ấp, một ngày còn nên nghĩa, huống hồ từng ấy năm tháng mặn nồng. Chẳng có người phụ nữ nào muốn mình lâm vào cảnh khổ sở, cũng chẳng có ai không muốn được chồng cùng chung vai đỡ đần những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ông giời bắt ai khổ thì người ấy phải chịu. Chị Hạnh cứ tâm niệm như vậy để mà tiếp tục sống, để mà có đủ nghị lực chăm chồng, chăm con, duy trì sự tồn tại của một gia đình. Nghe chị Hạnh nói, tôi cũng không biết nói gì. Mà còn có thể nói gì trong tình cảnh này? Dù chỉ là người dưng, nhưng lòng tôi nghẹn lại. Tôi tự hỏi hành động viết đơn xin hiến xác con của ông Đạt và việc ngày ngày chị Hạnh chăm sóc chồng, liệu đó có phải là sự đối lập giữa tình thương và sự vô tình? Tôi đã hàng trăm, hàng ngàn lần chứng kiến các vị phụ huynh ngày đêm vất vả chăm con, thậm chí sẵn sàng hiến một phần thân thể cho con được sống, nhưng làm đơn xin cho con chết và hiến xác thì chưa từng bao giờ thấy. Tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến cảnh tật bệnh, nhưng cảnh như nhà chị Hạnh thì đây là lần đầu tiên. Bên cạnh người bệnh là hai người thân yêu, gần gũi nhất, cũng chung ý nghĩ giúp người bệnh bớt đau đớn, dày vò, nhưng cách thể hiện lại hoàn toàn trái ngược nhau. Trong cái khoảnh khắc của sự im lặng ấy, tôi chợt nhận ra rằng, bất kỳ một lời phán xét, đánh giá nào cho hoàn cảnh của gia đình ông Đạt cũng là rất thừa thãi và khiếm nhã. Anh Đức nằm đó hay không còn nằm đó nữa, thì người đau khổ nhất vẫn là vợ chồng ông Đạt và cô con dâu. Tôi không tin vào những chuyện viển vông nhưng giờ lại mong có phép màu xuất hiện để gia đình ông Đạt có thể vượt qua giai đoạn khốn khó này.
Lá đơn hiến tạng con của người cha

“Sau 18 tháng tích cực cứu chữa, con trai tôi hiện nay tim vẫn còn đập, nhưng còn kém hơn cả một đứa trẻ mới đẻ, vì mới đẻ nó còn biết quẫy đạp tay chân và khóc, còn con tôi thì vô tri vô giác, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật, xoắn vặn, co rúm người như bị trói, mắt trợn ngược như muốn lòi ra… bất cứ ai trông thấy cũng phải thương cảm. Đến tôi cũng không chịu nổi khi nhìn cảnh tượng đó… Con trai tôi hiện trạng như vậy không thể gọi là sống, mà phải nói là khổ hơn chết hàng trăm lần, giả sử như cháu nhận biết được thực trạng và hoàn cảnh của gia đình, vợ, con thì tôi tin chắc cháu cũng sẽ vui vẻ tự sát và hiến xác để làm từ thiện cứu giúp mọi người và giải thoát cho vợ con, gia đình khỏi gánh nặng khủng khiếp này, tôi tin cháu sẽ thanh thản ra đi, bỏ lại sự đúng sai, công bằng hay không công bằng trong xã hội, chỉ còn sự vui vẻ khi biết rằng có nhiều người sống khỏe mạnh nhờ một phần cơ thể mình hiến tặng.

Tôi rất mong quý cơ quan đăng tải toàn bộ ý kiến của tôi, kể cả nguyện vọng hiến xác lên báo để mọi người biết cách sống cho tốt và có nhiều người được cứu giúp. Tôi cũng rất mong các bạn làm cha mẹ, có một người con trai cả lại bị thế này thì hiểu và thông cảm cho tâm tư và tình cảm của tôi hiện nay, đúng sai thế nào, ai đồng tình với tôi, hoặc có ai không đồng tình với tôi hay phê phán, lên án tôi thì tôi cũng cảm ơn tấm lòng của các vị, mong các vị lượng thứ và thông cảm cho tôi”.
Phương Nhuận/Gia đình & Xã hội