9 chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 1/2016

30/12/2015 07:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhà giáo có chế độ phụ cấp mới; Cấp học bổng chính sách cho học sinh sinh viên dân tộc thiểu số nghèo... là những chính sách có hiệu lực trong tháng 1/2016.

Quy định mới về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo

Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở.

Được hưởng phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Giáo viên làm những công việc nặng nhọc được hưởng thêm ưu đãi. ảnh: Phương Thảo.
Giáo viên làm những công việc nặng nhọc được hưởng thêm ưu đãi. ảnh: Phương Thảo.

Cấp học bổng chính sách cho học sinh sinh viên dân tộc thiểu số nghèo

Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp có hiệu lực từ 1/1/2016.

Theo quyết định, đối tượng được hưởng chính sách nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm:

1- Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật;

2- Người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú;

3- Người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Quyết định quy định cụ thể về mức học bổng chính sách và các khoản hỗ trợ khác.

Quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc

Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ 1/1/2016.

Nghị định quy định cụ thể về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ bảo hiểm xã hội.

Lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng

Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng có hiệu lực từ 1/1/2016.

Quyết định quy định cụ thể về: nguyên tắc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Theo đó, mức hỗ trợ chi phí đào tạo người khuyết tật tối đa 6 triệu đồng/người/khóa. Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa.

Người thuộc hộ cận nghèo 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 có mức hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/khóa.

Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân: Mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học.

Đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền đào tạo nghề. ảnh: báo quảng ngãi.
Đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền đào tạo nghề. ảnh: báo quảng ngãi.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016

Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ quy định, từ ngày 1/1/2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.

Hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn quy định rõ mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng; bảo hiểm y tế; hỗ trợ chi phí mai táng; nguyên tắc áp dụng; hồ sơ xét hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng; điều chỉnh, tạm dừng, thôi hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng; tạm dừng đóng, thu hồi thẻ bảo hiểm y tế...

Quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch

Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có hiệu lực từ 1/1/2016.

Nghị định quy định cụ thể về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch; cách thức nộp và tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch.

Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử; cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử và cung cấp số liệu thống kê sinh, tử; giá trị pháp lý của Giấy khai sinh; tuyển dụng, bố trí, bồi dưỡng công chức làm công tác hộ tịch; đăng ký hộ tịch, quản lý sử dụng sổ hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp; đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã; đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chính sách cho thanh niên tình nguyện

Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Quyết định này nêu rõ những chính sách đối với thanh niên trong quá trình hoạt động tình nguyện cũng như khi kết thúc hoạt động tình nguyện.

Theo Quyết định, khi kết thúc hoạt động tình nguyện, thanh niên tình nguyện được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và quy định của pháp luật về việc làm;

Được xem xét, ưu tiên tuyển chọn tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc nếu hoạt động tình nguyện từ 03 tháng trở lên…

Ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều

Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 có hiệu lực từ ngày 5/1/2016.

Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của phương pháp đo lường nghèo bằng thu nhập.

Đặc biệt, trong bối cảnh cơ cấu kinh tế - xã hội thay đổi, đô thị hóa và di cư tăng nhanh hiện nay đang tạo ra một bộ phận lớn người dân thuộc nhóm cận nghèo thu nhập hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản, đang đối mặt với nhiều rủi ro khiến họ có thể rơi vào tình trạng nghèo đói.

Ngọc Quang