9 phát ngôn để đời của ông Nguyễn Bá Thanh

14/02/2015 07:00
Ngọc Quang (Tổng hợp)
(GDVN) - "Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ"; "Không ít cán bộ có thói vừa ăn vừa phá"... là những phát ngôn mà người dân Đà Nẵng sẽ còn nhớ mãi.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam điểm lại 9 phát ngôn ấn tượng, trong số rất nhiều những phát ngôn của ông Nguyễn Bá Thanh được đông đảo nhân dân thành phố Đà Nẵng ủng hộ.

"Hãy cẩn thận kẻo mình lại giống như mấy con ở rạp xiếc"

Trong buổi nói chuyện với hơn 1000 cán bộ công chức Đà Nẵng khi vừa mới nhận chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ngày 24/7/2003, ông Nguyễn Bá Thanh ví von: "Ở rạp xiếc, người ta cho mấy con thú ăn hột gì đó thì nó diễn. Một lúc sau lại ngồi lì ra, quất mấy roi cũng không đi, khi nào được ăn thứ hột đó nó mới diễn tiếp. Hãy cẩn thận kẻo mình lại giống như mấy con ở rạp xiếc, không cho ăn là không làm".

Ông Nguyễn Bá Thanh được đông đảo nhân dân thành phố Đà Nẵng tin yêu, quý trọng.
Ông Nguyễn Bá Thanh được đông đảo nhân dân thành phố Đà Nẵng tin yêu, quý trọng.

"Không ít cán bộ có thói vừa ăn vừa phá"

Phát biểu tại Hội nghị quản lý đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2002-2012 sáng 10/1/2013, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, sẽ chỉ đạo tập trung rà soát một số lĩnh vực ngân hàng, bởi các lãnh đạo ngân hàng "lãi quá trời" nhưng vẫn cố tình kê khống để kiếm chác.

Ông Thanh nêu ví dụ về miếng đất giá trị 100 tỷ đồng được định giá tới 500 tỷ nên thay vì chỉ được vay 60 tỷ lại được vay tới 300 tỷ: "Đây chính là tham ô, tham nhũng ở lĩnh vực ngân hàng. Người ta cho ông mấy tỷ đồng là ông nhắm mắt định giá khống. Nên bây giờ mới xảy ra nợ xấu ngân hàng, cả nước lên tới mấy chục tỷ đôla chứ có ít đâu".

Ông Thanh cảnh báo, không ít cán bộ có thói "vừa ăn vừa phá": "Như chuyện rước cái tàu cũ rích của người ta về, nó đáng giá một đồng, ông về hô lên 5-7 đồng. Chừ ôm đống sắt vụn bán cũng không có người mua. Mình làm kinh tế phải đóng góp vô, phải ra đồng tiền bát gạo để chăm lo cho dân nhưng đằng này lại vừa ăn vừa phá...".

"Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai”

Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã từng tuyên bố như vậy với báo chí trong bối cảnh dư luận xôn xao bàn tán quanh việc chính quyền Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư. Ông Thanh nói: “Tôi khẳng định chính quyền Đà Nẵng không có chuyện “cấm cửa” dân nhập cư. Nghị quyết trên xuất phát từ tình hình một bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là dân địa phương. Trước những bức xúc đó, HĐND TP mới có một nghị quyết như vậy”.

Khi làm Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh từng thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường.

Ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp tham gia thi đấu bóng đá và quyên góp ủng hộ các nạn nhân cơn siêu bão Xangsane năm 2006 ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam
Ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp tham gia thi đấu bóng đá và quyên góp ủng hộ các nạn nhân cơn siêu bão Xangsane năm 2006 ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam

"Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ"

Trong một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh gây ấn tượng khi nói rằng "cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ".

Theo ông Thanh, đã là cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo thì phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức.

"Suốt ngày họp với giao ban, họp gì mà họp miết thế? Họp nhiều nó mụ mị đi"

Tại buổi làm việc với hơn 100 cán bộ, công chức ngành văn hóa - thể thao và du lịch TP Đà Nẵng chiều 11/1/2013, ông Nguyễn Bá Thanh Thanh phát biểu: “Có cứu hộ biển mà để xảy ra nạn chết đuối thì không ai dám đến Đà Nẵng để tắm biển nữa đâu. Mấy anh cứu hộ mệt quá thì cho nghỉ, tuyển anh khác, có quy chế, kỷ luật, phải có người chịu trách nhiệm. Rồi các nơi tắm nước ngọt, mùa hè lại không có chỗ tắm, thiếu nước thì du khách chán ngán ngay. Vì thế, muốn tạo một thương hiệu du lịch Đà Nẵng phải chú ý từng chuyện nhỏ, từ cứu hộ, tắm nước ngọt, giữ xe không chặt chém, tờ hướng dẫn, người tiếp nhận đường dây điện thoại phải giỏi ngoại ngữ...”.

Ông Thanh nêu thí dụ ở Malaysia, Thái Lan... khách du lịch phản ánh chuyện gì thì 5 phút sau cảnh sát có mặt kịp thời.

“Còn ở đây, đánh giày, taxi chém như trên trời nhưng khách chẳng biết kêu ai. Là thành phố du lịch nên các khách sạn phải có đường dây nóng cho du khách để có gì họ phản ảnh. UBND TP chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Suốt ngày họp với giao ban, họp gì mà họp miết thế? Họp nhiều nó mụ mị đi. Tôi làm 16 năm nay có họp ban đêm đâu nhưng mà việc vẫn chạy đấy”, ông Thanh nhấn mạnh.

"Không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá kém"

Ngày 6/12/2012, phát biểu sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII, ông Nguyễn Bá Thanh khi đó là Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói thẳng: "Xấu hổ thật! Một bộ máy khổng lồ, một hệ thống chính trị quá hùng hậu mà không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá kém. Không thể chấp nhận được. Tôi ở trong Quốc hội, sau này có lẽ cũng phải đấu tranh, nghiên cứu sửa đổi lại luật lệ như thế nào. Cướp mà có vũ khí chống trả là có quyền bắn hạ. Phải làm như hồi mới giải phóng, ăn cướp nhan nhản, phải thành lập các đội săn bắt cướp, tiêu diệt để giữ bình yên cho dân".

"Mấy ông ngồi trong quán cà phê nhìn ra, được dúi cho cái phong bì là im ngay. Thử hỏi làm sao cho chất lượng"

Tại hội nghị Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 10/1/2013, ông Nguyễn Bá Thanh khi đó là tân Trưởng Ban Nội chính TƯ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tuyên bố không khoan nhượng với tham nhũng.

Ông Thanh nói về việc đấu thầu các công trình: "Xem mấy ông yếu kém không có đủ năng lực thì kiên quyết không cho đấu thầu. Mấy ông yếu về mặt tài chính mà cứ cho đấu thầu, nhận xong làm ầu ơ ví dầu biết đến bao giờ mới xong. Tốt nhất là nên loại ngay. Yếu thì đừng cho ra gió".

Ông Thanh nêu thí dụ tuyến đường từ cầu Tuyên Sơn đi Hòa Cầm quá kém chất lượng, chỉ mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã xuống cấp và nhận định là do "giám sát quá kém", trong khi tuyến đường từ cầu Tuyên Sơn đi cảng Tiên Sa do nước ngoài giám sát "nên đến bây giờ vẫn tốt".

"Tôi chỉ so sánh hai con đường đó để cho thấy công tác giám sát của ta có cũng như không. Mấy ông ngồi trong quán cà phê nhìn ra, được dúi cho cái phong bì là im ngay. Thử hỏi làm sao cho chất lượng. Còn giám sát nước ngoài, nhà thầu làm ẩu là bắt đào lên làm lại, chết liền", ông Thanh chỉ rõ.

"Tôi muốn nghe ý kiến cơ sở, nhưng lại chỉ nghe các đồng chí xin tiền ngân sách"

Chiều 11/1/2013, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng - đã có buổi làm việc với ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch thành phố Đà Nẵng. Sau khi nghe báo cáo, ông đề nghị các lãnh đạo sở phát biểu ý kiến, nhưng chỉ thấy im lặng, ông Thanh nói ngay: "Tôi muốn nghe ý kiến cơ sở, nhưng lại chỉ nghe các đồng chí xin tiền ngân sách".

Ông Thanh nhận định, ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch của thành phố Đà Nẵng thời gian qua có cố gắng, đạt nhiều thành tích, nhưng nhìn tổng quan thì vẫn chưa ổn, chưa xứng tầm với một thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng và như kỳ vọng: "Tôi xin lỗi các anh lãnh đạo ở đây. Nhưng tôi đoán chắc các anh ở đây không ai nắm được chức năng, nhiệm vụ của tổ dân phố. Không nắm được làm sao các anh lãnh đạo?".

Ông Thanh nói, ngành văn hoá Đà Nẵng lâu nay chỉ làm văn hoá kiểu văn nghệ hát hò, chứ chưa chú ý làm văn hoá kiểu xây dựng nếp sống văn hoá, tạo thói quen như ngày chủ nhật bỏ ra 30 phút để dọn nhà, quét sân, dọn khu phố...

"Sung sướng mà không học nổi thì quá kém"

Trong buổi nói chuyện với 176 thiếu niên chậm tiến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh chia sẻ, ở đời không ai không có sai lầm, nhưng dũng khí không phải là vung nắm đấm hay vác dao ra xử. Ông nhắn nhủ: “Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi".

Ông ví von con trâu có sừng nhọn, mỗi lần húc nhau lòi ruột ra. Con người ta có ý chí, có ý thức nên không thể vì chuyện gì cũng vác dao ra đâm chết người. Nếu các em học không nổi thì chuyển sang học nghề, để biết đổ mồ hôi nước mắt kiếm tiền là gì: “Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút bằng tre cũng ráng. Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì quá kém... Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều trường học nhất. Ở đó, các cháu có bạn bè, thầy cô và một tương lai sán lạn. Nếu các cháu không chọn trường học, không còn cách nào khác là chú phải cho mở rộng Trại giam Hòa Sơn ra 5 héc-ta nữa để đón các cháu. Các chú chỉ muốn khuyên các cháu chứ nếu phải bỏ tù các cháu, chú đau lắm".

Ngọc Quang (Tổng hợp)