98% công chức không sống được bằng lương

07/10/2011 08:00
Theo Đặng Anh/Đời sống và Pháp luật

Bộ Nội vụ cũng đề xuất tăng mức lương tối thiểu từ 1.500.000 đồng /tháng đến 4.000.000 đồng /tháng.


Theo kết quả khảo sát tại các bộ và địa phương của Bộ Nội vụ, đa số ý kiến cho rằng mức lương tối thiểu hiện đang áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là thấp, không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ cũng đề xuất tăng mức lương tối thiểu từ 1.500.000 đồng /tháng đến 4.000.000 đồng /tháng.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, tính chung từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh 7 lần từ 210.000 đồng /tháng lên 830.000 đồng /tháng. Mức điều chỉnh này cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và mức tăng GDP là 85,9%.

Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung mới thực hiện chủ yếu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách, chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức, mức tăng tiền lương thực tế thấp nên đời sống của người hưởng lương còn gặp nhiều khó khăn...

Mức tăng tiền lương thực tế thấp nên đời sống của người hưởng lương còn gặp nhiều khó khăn...
 Mức tăng tiền lương thực tế thấp nên đời sống của người hưởng lương còn gặp nhiều khó khăn...

Ông Đào Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) nhận định, tuy từ năm 2003 đến nay Chính phủ thường xuyên điều chỉnh mức lương tối thiểu nhưng mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của họ.

Mức lương thấp hơn mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường dẫn đến hệ quả khó thu hút được người có tài năng vào làm cán bộ, công chức. Bên cạnh đó cũng chưa tạo ra động lực cho họ tận tâm, gắn bó với công việc, nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng tốt. Một tồn tại nữa là chưa làm cơ sở cho việc thực hiện nghiêm tính kỷ luật trong thực thi công vụ, chưa tạo điều kiện cho việc cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng...

Trên cơ sở những nhận định trên, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức lương tối thiểu tăng từ 1.500.000 đồng /tháng đến 4.000.000 đồng /tháng. Theo tính toán, nếu được Chính phủ thông qua mức tăng này, kết hợp với mức tăng của hệ số lương thì tới năm 2012, lương tối thiểu của sinh viên mới ra trường có thể lên tới gần 5 triệu đồng /tháng (3,2 x1.500.000).

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, bài toán tiền lương không phải nằm ở hệ số mà ở mức lương đối với vị trí, chức danh mà cán bộ, viên chức Nhà nước được nhận.

Theo tính toán, với mức lương cơ bản đề xuất, cộng với thay đổi của hệ số lương, sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường sẽ được nhận mức lương khoảng trên dưới 5 triệu đồng. “Theo tôi, mức lương đó là tương đối tốt, đảm bảo được cuộc sống cho họ”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, về nguồn thu nếu tăng lương, Nhà nước có thể cân đối trên cơ sở xác định rõ khu vực nào cần bao cấp, khu vực nào cần tạo cơ chế cho họ tự hạch toán chi tiêu. Bà Lan Hương đề xuất, với công chức, Nhà nước nên trả lương cao hơn. Còn với viên chức làm việc ở những nơi như trường học, bệnh viện thì nên có cơ chế thông thoáng để họ tự chủ thu, chi, nhằm giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước.

Đối với các chế độ ngoài lương phục vụ hoạt động công vụ (tiền điện thoại, phụ cấp phục vụ, chế độ xe ô tô đưa đón công tác), Bộ Nội vụ đề nghị không đưa vào mức tiền lương cơ bản mà tiếp tục hoàn thiện các định mức và cơ chế khoán để sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm được kinh phí quản lý hành chính.            

Theo Đặng Anh/Đời sống và Pháp luật