98,18% Đại biểu Quốc hội bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Thủ tướng Chính phủ

26/07/2016 16:00
Ngọc Quang
(GDVN) - 485/489 số phiếu hợp lệ tán thành (98,18% tổng số đại biểu Quốc hội) bầu ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-20212.

Kết quả kiểm phiếu do ông Bùi Văn Cường – Trưởng Ban kiểm phiếu công bố cách đây ít phút.

Trong số 489 phiếu phát ra và thu về, chỉ có 4 phiếu không tán thành (chiếm 0,8% tổng số Đại biểu Quốc hội).

Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2016 - 2021, có hiệu lực thi hành ngay sau khi nghị quyết được thông qua.

Sau khi tái đắc cử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực công tác tốt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức. ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức. ảnh: VGP.

Sau 3 tháng kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều phát biểu và hành động mạnh mẽ tạo được niềm tin của đông đảo người dân và doanh nghiệp.

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những cuộc đối thoại với hàng nghìn công nhân; đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, từ đó đưa ra những chỉ đạo hết sức kịp thời.

98,18% Đại biểu Quốc hội bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Thủ tướng Chính phủ ảnh 2

Hôm nay, Quốc hội quyết định bầu Thủ tướng

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải cắt giảm triệt để giấy phép con theo đúng tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Sự đổi mới này rất quan trọng đối với việc giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, loại bỏ tư duy cũ vốn đang kiềm chế sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu: "Kiên quyết phát huy tinh thần dân chủ, năng động, sáng tạo, tinh thần đổi mới, xây dựng và tăng cường kỷ luật kỷ cương để đạt được kết quả cao nhất mà Chính phủ đã đề ra.

Phải minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tối đa cơ chế xin – cho, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên".

Muốn đạt được mục tiêu ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải lập lại kỷ luật, kỷ cương hành chính và coi đó là một nhiệm vụ cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung thực hiện.

Trong buổi họp Chính phủ cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại là phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả hoạt động của đơn vị, phải hoàn thành nhiệm vụ. Ai không hoàn thành sẽ phải thay.

Chúng ta thấy tình trạng rất phổ biến là cha chung không ai khóc, cá mè một lứa. Như vậy thì làm sao giữ yên cho được”.

Không đùn đẩy trách nhiệm

Đối với công tác xây dựng phát luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản.

Không phải chạy theo số lượng mà là phải là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điện kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Các văn bản mặc dù được xây dựng theo quy trình rút gọn song không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ lên thành nghị định mới.

Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị của Thủ tướng chấn chỉnh quy chế làm việc của Chính phủ, nhằm làm gương cho các cấp, các ngành, các địa phương.

Đối với cuộc họp của Thường trực Chính phủ, cuộc họp do Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì: Lãnh đạo bộ, cơ quan dự đúng thành phần được mời, không cử người không đủ thẩm quyền dự họp.

Khi được yêu cầu, người dự họp phải có quan điểm tham mưu, ý kiến đề xuất về nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan mình.

Ý kiến của người dự họp là ý kiến chính thức của bộ, cơ quan và là cơ sở để người chủ trì xem xét, kết luận về nội dung họp.

Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo bộ, cơ quan dự họp chỉ được cử thêm một công chức của bộ, cơ quan cùng dự và phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của công chức dự họp cho Văn phòng Chính phủ biết trước ít nhất 1 ngày.

Đối với cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ủy ban, Hội đồng liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì: Thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban, Hội đồng khi được mời họp phải tham dự đúng thành phần và tham gia có trách nhiệm đối với công việc chung của Ban, Ủy ban, Hội đồng.

Trường hợp đặc biệt không tham dự được phải báo cáo Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp và ủy quyền cho người có đủ thẩm quyền dự thay nếu được Thủ tướng, Phó Thủ tướng đồng ý.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, quản lý chặt chẽ thành phần dự các phiên họp, cuộc họp; bảo đảm bảo mật thông tin, tài liệu, đặc biệt là các cuộc họp Thường trực Chính phủ.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài liệu, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy tại phòng họp, nhất là phiên họp Chính phủ thường kỳ; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các phiên họp, cuộc họp.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng ngăn chặn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, bằng yêu cầu hết sức rõ ràng: Không trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Văn phòng Chính phủ chuyển trả lại các Bộ, cơ quan các vấn đề không thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.

Ngọc Quang