Ám ảnh những vụ tàu cá mất tích bí ẩn giữa biển khơi

07/07/2015 07:21
Xuân Hòa
(GDVN) - Nhiều tàu cá đã mất tích không dấu vết trên biển khơi, thứ tìm lại được chỉ là những thi thể các ngư dân luôn là hình ảnh ám ảnh đáng sợ.

... Ngoài những hành động xấu của tàu cá và tàu công vụ Trung Quốc thì những vụ mất tích bí ẩn của không ít tàu cá Việt Nam giữa biển khơi cùng với thủy thủ đoàn đã thành nỗi ám ảnh của người ngư dân.

Trong chuyến ra khơi đánh cá cùng ngư dân cuối tháng 6 vừa rồi, chúng tôi được nghe nhiều nỗi ám ảnh. Trong đó, chuyện tàu cá mất tích, kéo theo mạng sống của nhiều ngư dân có khi mãi mãi không rõ ràng là nỗi lo thường trực của người đi biển...

Chuyện buồn của Hồ Xuân Liều

Trên suốt chuyến hành trình người khiến tôi để ý nhiều nhất là thuyền viên Hồ Xuân Liều (SN 1991, trú tại xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long), bởi tất cả các thuyền viên trên tàu đều vui vẻ, hòa nhã nhưng chỉ riêng Liều sống khép mình hơn và ít nói hơn. 

Chỉ mới 24 tuổi nhưng Liều đã có vợ và 1 đứa con, nay vợ Liều chuẩn bị sinh đứa con thứ 2. Những mẻ lưới kéo lên Liều đều xin phép thuyền trưởng Định chọn một ít con cá ngon để cất riêng mang về cho người vợ đang mang bầu ở nhà.

Những đêm đánh cá, Liều lại cùng chiếc thuyền mủng nhỏ bé lênh đênh giữa biển thả đèn nhử cá cho tàu chính buông lưới (ảnh Xuân Hòa)
Những đêm đánh cá, Liều lại cùng chiếc thuyền mủng nhỏ bé lênh đênh giữa biển thả đèn nhử cá cho tàu chính buông lưới (ảnh Xuân Hòa)

Công việc của Liều trên tàu cũng giống như cái tên mà thuyền viên này đang mang. Liều cùng một thuyền viên khác được giao nhiệm vụ phải chèo chiếc thuyền mủng nhỏ xíu trên tàu kéo chiếc đèn ngầm ra xa chiếc tàu chính để nhử cá cho tàu chính thả lưới.

Trong bóng đêm chiếc thuyền mủng của Liều mất hút trong tĩnh lặng, chỉ còn nhìn thấy ánh sáng từ chiếc đèn cao áp nhử cá thả dưới lòng biển. Những hôm mượn bãi tàu câu mực đánh, Liều còn phải nhảy khỏi thuyền mủng để lặn dìm lưới cho chiếc tàu mực thoát ra ngoài.

Những khi đó, thân hình bé nhỏ của Liều chìm hẳn dưới bóng đêm và biển cả mênh mông. Có đêm Liều đã bị đuối sức sau khi lặn dìm lưới cho tàu câu mực thoát ra ngoài. Tiếng kêu nhờ giúp sức của Liều trong đêm tối đã được các thuyền viên nghe thấy và ra ứng cứu.

Liều trở nên trầm lặng, ít trò chuyện với mọi người sau vụ mất tích của người anh trai ruột cùng 6 thuyền viên khác trong một chuyến ra khơi (ảnh Xuân Hòa)
Liều trở nên trầm lặng, ít trò chuyện với mọi người sau vụ mất tích của người anh trai ruột cùng 6 thuyền viên khác trong một chuyến ra khơi (ảnh Xuân Hòa)

Sau nhiều ngày tìm hiểu chúng tôi mới hay chuyện vì sao Liều trở nên trầm lặng và sống khép mình như vậy. Đó là kể từ tháng 12/2013, khi người anh trai ruột của Liều là Hồ Ngọc Sơn (SN 1988) mất tích cùng 7 thuyền viên trong một chuyến ra khơi.

Oái oăm hơn anh trai Liều mất tích khi chỉ cách ngày cưới hơn 20 ngày. Sau đó ba tuần thi thể 2 trong số 7 thuyền viên trên tàu được tìm thấy khi dạt vào bờ biển tỉnh Hà Tĩnh.

5 thuyền viên còn lại, trong đó có anh trai của Liều và chiếc tàu mất tích không để lại dấu vết mặc cho các ngư dân dùng mọi cách tìm kiếm trên biển nhiều ngày. Cũng kể từ đó đến nay Liều sống khép mình hẳn với mọi người xung quanh.

Thuyền viên Hồ Xuân Liêu nhớ lại lần tìm kiếm tàu cá của người cháu trai mất tích giữa biển khơi (ảnh Xuân Hòa)
Thuyền viên Hồ Xuân Liêu nhớ lại lần tìm kiếm tàu cá của người cháu trai mất tích giữa biển khơi (ảnh Xuân Hòa)

“Kể từ ngày anh trai nó mất tích, nó thành ra trầm cảm và ít nói chuyện hơn với mọi người. Tính nó thiên về tình cảm mà anh trai nó lại mất tích trước ngày cưới vợ có vài tuần.

Sau đó chúng tôi đã cho nhiều tàu đi tìm kiếm nhưng không có tung tích gì của chiếc tàu cùng cháu tôi và 6 thuyền viên khác.

Mãi 3 tuần sau hai thi thể thuyền viên trên tàu dạt vào bãi biển Cửa Sót, Hà Tĩnh. Còn cháu tôi và 4 thuyền viên khác giờ vẫn chưa được tìm thấy”, thuyền viên Hồ Xuân Liêu (chú ruột thuyền viên Hồ Xuân Liều) cho biết. 

Nghệ An 6 tháng xảy ra 9 vụ tai nạn tàu cá

Theo thuyền viên Hồ Xuân Liêu thì gần như năm nào tại vùng biển huyện Quỳnh Lưu cũng xảy ra tàu cá của ngư dân mất tích trên biển. Hầu hết các tàu cá mất tích khi đi tìm kiếm chỉ phát hiện được vài mảnh tàu đã vỡ nhỏ hoặc một vài thi thể ngư dân dạt vào bờ vài tuần sau đó.

Giữa biển khơi mênh mông những chiếc tàu cá trở nên nhỏ bé và có thể gặp nạn bất cứ lúc nào (ảnh Xuân Hòa)
Giữa biển khơi mênh mông những chiếc tàu cá trở nên nhỏ bé và có thể gặp nạn bất cứ lúc nào (ảnh Xuân Hòa)

“Mỗi năm có nhiều vụ tàu cá của ngư dân chúng tôi gặp nạn. Trong số đó cứ mỗi năm lại có vài tàu mất tích trên biển không để lại tung tích gì.

Các vụ tàu mất tích chúng tôi đều cố gắng tìm kiếm nhưng có may chăng chỉ tìm được vài mảnh tàu đã bị vỡ vụn hoặc 1 vài thi thể anh em thuyền viên trôi dạt vào bờ biển.

Nguyên nhân vì sao có các vụ tàu cá mất tích như vậy thì đến nay vẫn chưa ai tìm ra được, tất cả chỉ đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau mà thôi. Những vụ tàu cá mất tích là điều ám ảnh ngư dân chúng tôi nhất”.

Theo số liệu do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nghệ An cung cấp, từ đầu năm 2015 đến ngày 26/6, trên vùng biển tỉnh Nghệ An đã xảy ra 9 vụ tai nạn tàu cá. Tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2014, làm 5 ngư dân thiệt mạng.

Trong đó, hai ngư dân bị tai nạn khi đang khai thác hải sản trên biển, 3 người bị rơi xuống biển. Tổng thiệt hại tài sản hơn 1,4 tỉ đồng.

Nguyên nhân các vụ tai nạn tàu cá tăng là do biển đổi khi hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, hiện tượng sương mù, sóng to, gió lớn diễn ra trên biển.

Trước tình hình trên, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đang đề nghị bà con ngư dân lưu ý trước khi cho tàu thuyền ra khơi cần đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị an toàn, nâng cao kiến thức về an toàn hàng hải, đảm bảo thông tin hai chiều với các Đài bờ.

Đặc biệt ngư dân lưu ý không chủ quan trong quá trình vận hành, khai thác trên biển nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Xuân Hòa