Bà Châu Thị Thu Nga bị bắt không phải bài học đầu tiên cho Quốc hội

09/01/2015 14:03
Ngọc Quang
(GDVN) -Trong quá khứ, Quốc hội đã phải vài lần đồng thuận ra quyết định bãi miễn tư cách Đại biểu của một số cá nhân. Nay, chuyện nhân sự Quốc hội lại được nhắc đến...

Tối ngày 7/1, bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group), Đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Hà Nội bị Cơ quan CSĐT (C46), Bộ Công an bắt tạm giam.

Trước sự việc này, ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị) nói: "Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, tôi rất buồn. Đại biểu Quốc hội phải có đủ phẩm chất và năng lực, đặc biệt là sự tín nhiệm trong lòng dân. Các cơ quan giới thiệu và người dân bầu, vì vậy Đại biểu Quốc hội chính là sự hội tụ của ý đảng, lòng dân".

Đặt vấn đề, đây không phải lần đầu tiên Đại biểu Quốc hội có chuyện, có thể kể tới những trường hợp trong quá khứ là ông Mạc Kim Tôn (Thái Bình), ông Lê Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh), bà Đặng Thị Hoàng Yến (Long An), ông Tiến bày tỏ: "Từ những sự việc trên, theo tôi cần phải rút ra bài học rất nghiêm túc trong việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới, phải làm rất chuẩn mực.

Cái gì đến thì đã đến rồi, nhưng chúng ta phải rút ra bài học để chuẩn bị cho tương lai rất gần, sau năm 2015 tới đầu 2016 đã phải chuẩn bị đầy đủ nhân sự Đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ rằng phải làm thế nào chọn được những Đại biểu hết lòng vì dân vì nước, chứ không phải là những người thu vén cá nhân cho tương lai của mình".

Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.

Cũng theo Đại biểu Lê Như Tiến, doanh nghiệp là đơn vị kinh doanh có lợi nhuận, còn Quốc hội là cơ quan lập pháp, quyết định những vẫn đề quan trọng của đất nước và là cơ quan giám sát tối cao, không có lợi nhuận. Vì vậy việc đưa nhiều những người làm doanh nghiệp vào Quốc hội cũng cần phải nghiên cứu xem xét kỹ để ngày càng nâng cao uy tín của Quốc hội đối với sự tín nhiệm của cử tri.

Ông Tiến nói thẳng: "Đây là một vấn đề lớn cần sự giải đáp của Ủy ban bầu cử Trung ương trong nhiệm kỳ tới. Đối với những trường hợp như vậy thì phải xem xét thật kỹ lưỡng, vừa là nhân thân, vừa là tiêu chuẩn đã được đề ra.

Tôi cho rằng trong nhiệm Quốc hội khóa XIII chúng ta có cái chưa chuẩn khi đưa tỷ lệ doanh nhân vào Đại biểu Quốc hội quá lớn. Nó là bài học rất đắt giá để nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV lựa chọn được những Đại biểu Quốc hội xứng đáng hoạt động tại nghị trường".

Trong khi đó, Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) thì phân tích về việc bà Châu Thị Thu Nga vi phạm pháp luật trên hai khía cạnh: "Thứ nhất, nếu bà Nga vi phạm pháp luật trước khi trở thành Đại biểu Quốc hội thì theo tôi đó là do thiếu xót của khâu sàng lọc, lựa chọn đại biểu. Thứ hai, nếu bà Nga vi phạm pháp luật sau khi trở thành Đại biểu Quốc hội thì đó là việc không thể chấp nhận được, cần phải lên án, vì bà Nga đã tham gia cơ quan lập pháp, được cử tri tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội rồi mà còn có hành vi lừa đảo là không thể chấp nhận được, điều này làm mất uy tín của Quốc hội cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Đại tá Phạm Trường Dân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Xuân Hải.
Đại tá Phạm Trường Dân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Xuân Hải.

Đại biểu Dân cũng nhận định, việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị khởi tố bị can của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với bà Châu Thị Thu Nga, đã thể hiện rõ việc không có rào cản đối với bất cứ ai vi phạm pháp luật.

Ngọc Quang