"Bác sĩ bị 'ép' tiêm thuốc độc tử tù có quyền khởi kiện"

18/12/2013 14:17
Ngọc Quang
(GDVN) - Đây là chia sẻ của ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo với PV Báo Giáo dục Việt Nam khi nhận định về việc một bác sĩ ở tỉnh Phú Yên bị ép tiêm thuốc độc cho tử tù.

Trước đó, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải thông tin trong một cuộc họp ngày 13/12, các bác sĩ tại BV Đa khoa Phú Yên đã kịch liệt phản đối việc một bác sĩ và một điều dưỡng đã bị ép tiêm thuốc độc cho tử tù.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: Ngọc Quang.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: Ngọc Quang.

Bác sĩ LCT kể: "Chiều 9/12, tôi và điều dưỡng N.N.T nhận lệnh từ Phòng Tổ chức BV Đa khoa Phú Yên đi Đăk Lăk để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn công tác thi hành án. Bệnh viện chuẩn bị sẵn dụng cụ cấp cứu, thuốc men để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ. Đến Đăk Lăk, một số cán bộ trong Hội đồng thi hành án cho biết nhiệm vụ của tôi là xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người tử tù.

Trong giấy công tác cũng như suốt quá trình đi trên đường, không ai nói nhiệm vụ của chúng tôi là gì nên tôi chỉ nghĩ mình làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho đoàn. Khi nghe họ phân công nhiệm vụ đưa kim vào tĩnh mạch tử tù, tôi không chấp nhận. Tuy nhiên, họ nói nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm như vậy”.

Còn theo bác sĩ L.C.L (vừa tốt nghiệp 4 tháng): “Sáng 11/12, khi tiến hành thi hành án tử hình đối với phạm nhân, tôi tiếp tục từ chối việc xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm. Sau đó Hội đồng thi hành án yêu cầu nên tôi hỗ trợ cho điều dưỡng đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù. Từ lúc đó đến giờ, tôi và điều dưỡng T. bị sốc rất nặng, lúc nào khuôn mặt tử tù cũng ám ảnh trong đầu tôi. Tôi làm nghề y để cứu người chứ sao lại ép tôi làm trái với chức năng nghề nghiệp. Nếu biết trước phải làm như vậy, chắc chắn tôi sẽ không đi”.

Trước thông tin này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: "Các bác sĩ, điều dưỡng ở BV Đa khoa tỉnh Phú Yên có quyền khởi kiện, đưa vụ việc này ra tòa, bởi hai điều: Thứ nhất, ép bác sĩ đi tiêm thuốc độc là trái với luân thường đạo lý, kể cả khi người bị tiêm là tử tù.

Thứ hai, chức năng nhiệm vụ của bác sĩ là cứu người chứ không phải tiêm thuốc làm chết người, đây là nguyên tắc bất di bất dịch với ngành y, không có gì phải bàn cãi.

Theo tôi, ngay cả khi các bác sĩ không đưa vụ việc này ra tòa thì các cơ quan chức năng ở tuyến trung ương cũng phải lập tức có quan điểm và chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc này".

Được biết, sau khi vụ việc này xẩy ra, Bộ Y tế đã ngay lập tức lên tiếng phản đối cách làm này. Trao đổi với báo chí, một đại diện Bộ Y tế cho biết,  theo quy định tại điều 19 của Nghị định Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, nhân viên y tế chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình, còn ép bác sĩ trực tiếp bơm thuốc độc vào tĩnh mạch là không chấp nhận được.Do đó,  Bộ Y tế đã yêu cầu BV Đa khoa tỉnh Phú Yên báo cáo bằng văn bản về vụ việc trên.

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo, việc thi hành án tử hình thuộc về cơ quan chuyên trách, danh tính người thực hiện và quy trình phải được bảo mật chứ không thể có chuyện sử dụng bất kỳ ai cũng được.

Trên thực tế, việc thi hành án bằng biện pháp tiêm thuộc độc cho phạm nhân có ánh tử hình đã bị dừng lại nhiều tháng qua do chưa nhập khẩu được thuốc. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình và nhiều ĐBQH đề nghị cho áp dụng song song hai biện pháp tử hình xử bắn và tiêm thuốc (do thời gian chờ đợi thi hành án tử hình đã khá lâu, có thể gây ra dư luận không tốt). Tuy nhiên, những đề nghị này không được Quốc hội chấp thuận tại kỳ họp vừa qua.

Chia sẻ thêm về việc tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, ông Bảo bày tỏ: "Nói cho đúng thì tiêm thuốc độc với phạm nhân lĩnh án tử hình là nhân văn, chính vì vậy quy trình tiêm thuốc cũng nhân văn, không giống như nhiều người lầm tưởng là tiêm một mũi thuốc thì phạm nhân dãy lên đau đớn rồi lăn ra chết, làm như vậy thì đâu còn tính nhân văn nữa.

Ngay cả việc thi hành án tử hình bằng xử bắn cũng có quy trình của nó, chứ có phải cứ nhằm vào phạm nhân bắn thế nào thì bắn đâu. Chính vì quy trình ngặt ngèo như vậy cho nên các cơ quan chức năng có trách nhiệm cần phải sớm thống nhất một cách làm và áp dụng chung cho cả nước, không thể tiếp tục để xảy ra sự việc đáng tiếc như ở Phú Yên"./.

Ngọc Quang