Bạn đọc hiến kế cho “Cách mạng xe bus”

27/10/2011 06:01
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - "Đã đến lúc chúng ta cần chia sẻ, cần chung tay và ý thức để cho một tương lai đô thị tươi đẹp hơn, giao thông thuận tiện..."

Vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những người dân đang cư ngụ, sinh sống ở hai đô thị lớn này. Cho nên, câu chuyện đi tìm giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng trên luôn thu hút sự chú ý của dư luận.  

“Đã đến lúc chúng ta cần chia sẻ, cần chung tay và ý thức để cho một tương lai đô thị tươi đẹp hơn, giao thông thuận tiện. Cần chia sẻ, hiến kế cùng vị tân Bộ trưởng để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Làm được điều đó thì người được hưởng lợi chính là chúng ta, những người dân bình thường chứ chẳng phải hưởng lợi cho một ai khác....”, độc giả Nguyễn Hùng chia sẻ trên Giáo dục Việt Nam.

Hưởng ứng điều này, nhiều bạn đọc đã lên tiếng, hiến kế giải pháp cải thiện giao thông đô thị trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm một cuộc “cách mạng xe buýt”.

Tổ chức luồng tuyến, phân loại xe buýt phù hợp.

Theo nhiều bạn đọc, những tuyến xe buýt chưa hợp lý, kém hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Một ý kiến đề xuất: “Theo tôi, trong gói giải pháp chống ùn tắc giao thông cần có nội dung sắp xếp lại luồng tuyến xe buýt phù hợp với nhu cầu sử dụng. Không nên cứng nhắc rằng ở một lộ trình thì bắt buộc cứ sau vài chục phút là phải có một chuyến xe. Nếu như lộ trình đó chỉ đông khách vào một số giờ nhất định (ví dụ như giờ vào ca, vào học buổi sáng và tan tầm buổi chiều) thì chúng ta có thể tăng chuyến vào giờ cao điểm và giảm chuyến, thậm chí không tổ chức chuyến trong giờ thấp điểm.

Cách làm này có thể gây bất tiện cho một vài hành khách nhưng số đông người lưu thông trên đường sẽ được thụ hưởng lợi ích. Thiết nghĩ, ngành giao thông cần khảo sát và sắp xếp lại để tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt.

Tổ chức luồng tuyến xe buýt hợp lý sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt động của phương tiện này.
Tổ chức luồng tuyến xe buýt hợp lý sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt động của phương tiện này.

Bạn đọc Thuận viết trên Vnexpress: “Hãy tự phân các loại đường thành 2 làn đơn giản để bất kỳ ai đã tham gia giao thông là buộc phải có ý thức đi theo làn, từ đó sẽ có làn dành riêng cho xe buýt và xe ô tô khác, không đi chung với xe máy. Sao không làm ngay đi, vì chỉ phân 2 làn đơn giản hơn nhiều so với thí điểm diện hẹp hiện nay.

Sao không sớm có loại xe buýt hiện có thành 2 loại: loại xe buýt nhanh chỉ đỗ tại một số bến chính, như 22A, đáp ứng nhu cầu người cần đi xa sẽ đi nhanh hơn nhiều và có loại xe buýt chậm, như 22B, dừng ở mọi điểm dừng đáp ứng nhu cầu đi gần. Trên cơ sở này có thêm điểm dừng thuận lợi cho người đi xe buýt, giảm thời gian đi bộ quá nhiều như hiện nay so với các điểm dừng cũ trước đây”.

Cải thiện hệ thống xe buýt, nâng cao ý thức lái, phụ xe

 

Việc tập trung giải quyết cải thiện hệ thống xe buýt theo đánh giá của số đông bạn đọc là một trong những việc làm quan trọng nhất trong thời điểm này.

Trên Vietnamnet, bạn đọc Lê Đức Cường cho rằng cần phải tạo ra thói quen đi xe bus cho người dân nhằm làm giảm phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông, nhưng nghịch lý hệ thống xe bus hiện nay "vừa ít, vừa chật chội, vừa xấu xí lại không an ninh". Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu đánh vào xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi quá cao làm cho doanh nghiệp khai thác xe buyt không dám đầu tư xe mới.

"Xe bus có chất lượng hơn mới thu hút được người dân, theo tôi cần phải miễn thuế cho xe ô tô chở người trên 12 chỗ ngồi để các doanh nghiệp vận tải hành khách mạnh dạn đầu tư phương tiện mới mà nhà nước không phải bù lỗ cho xe bus. Đồng thời cũng cần phải chấm dứt ngay việc dùng vốn nhà nước để mở mới các tuyến xe bus. Hãy để cho kinh tế tư nhân đảm đương việc vận chuyển hành khách, nhà nước chỉ cần cho tư nhân cơ chế chính sách và quản lý chặt bằng pháp luật", một người khác đồng quan điểm.

Tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn thường xuyên xảy ra tại các điểm dừng xe buýt
Tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn thường xuyên xảy ra tại các điểm dừng xe buýt

“Hiện nay, xe buýt là phương tiện vận tải công cộng duy nhất ở thành phố có chi phí hợp lý đối với người dân. Xe buýt phải là xe có chất lượng khá tốt. Không thể để người dân thấy những xe buýt với đầy bụi bẩn, rồi xả đầy khói khi tham gia giao thông”, nhiều ý kiến kêu gọi.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ lái xe, phụ xe cũng cần phải được nâng cao rất nhiều. Họ phải được đào tạo về thái độ phục vụ hành khách. Và cũng nên tăng thu nhập cho họ xứng đáng với công việc họ làm. Đồng thời phải tuyên truyền về ý thức của hành khách đi xe buýt cho mọi người. Bộ giao thông phải phối hợp với ngành công an để dẹp ngay hiện tượng móc túi, cướp giật ở các bến xe cũng như trên xe để người dân cảm thấy an toàn khi đi xe buýt. Khi chất lượng của hệ thống xe buýt tốt lên thì sẽ có nhiều người lựa chọn nó hơn mà không cần ai phải kêu gọi hay bắt ép”, một bạn đọc hiến kế.

Cũng về vấn đề này, bạn đọc Ngô Văn Sơn chia sẻ: “Vừa qua tôi có đi du lịch tại Hàn Quốc, được một hướng dẫn viên người Việt (sống và làm việc tại Hàn Quốc 14 năm) nói rằng tiêu chuẩn cho người lái xe taxi, xe bus (xe chở khách nói chung): Độ tuổi trên 36 và liên tục trong 15 năm không vi phạm bất kỳ một lỗi nào về an toàn giao thông mới được điều khiển xe khách. (Tuổi thành niên tại Hàn Quốc là 21 + 15 năm lái xe an toàn = 36 năm). Hằng năm phải được kiểm tra, sát hạch lại tay nghề, sức khỏe và đánh giá tính chấp hành giao thông... lúc đó mới cấp lại giấy phép hành nghề lái xe khách. Thiết nghĩ cũng là điều hay để có thể áp dụng cho ngành vận tải hành khách. Vì sự an toàn cho người ngồi trên xe và những người khác cùng tham gia giao thông".

Cách mạng xe buýt toàn diện, triệt để

Trên Vnmedia ghi nhận ý kiến của độc giả với những đề xuất rất thiết thực nhằm tiến hành một cuộc "cách mạng xe buýt" thực sự. Theo bạn đọc này, nếu như đáp ứng được những yêu cầu về tính chủ động, an toàn, thuận tiện, văn minh, tiết kiệm,...thì chắc chắn, xe buýt sẽ trở thành phương tiện giao thông thân thiện được đông đảo người dân sử dụng. 

Cách mạng toàn diện để xe buýt thực sự trở thành phương tiện thân thiện được đông đảo người dân sử dụng
Cách mạng toàn diện để xe buýt thực sự trở thành phương tiện thân thiện được đông đảo người dân sử dụng

Thứ nhất: Chủ động, an toàn: người dùng xe buýt phải được việc, nghĩa là họ muốn đi (và đến) lúc nào, ở đâu xe buýt phải đáp ứng, không sai giờ, bỏ chuyến.. An toàn ở đây bao hàm cả an toàn giao thông và an ninh trên xe.

Với điều kiện Hà Nội hiện nay để các tuyến buýt chạy đúng giờ, thật khó, nhưng nếu được ưu tiên đường và đầu tư điều này sẽ thành hiện thực. Giải pháp “Giờ không xe máy” đã dành ưu tiên tối đa khi đồng loạt tạo đường riêng cho xe buýt trong nội thành vào giờ cao điểm. Đây là lúc nhiều người đi lại nhất.

Thứ hai: Thuận tiện, đơn giản: Độ phủ của hệ thống phải rộng khắp, nhiều loại hình đồng bộ từ khu dân cư, đường nhánh đến đường chính; phổ thời gian hợp lý để đáp ứng nhu cầu đi lại từ 5 giờ đến 24 giờ hàng ngày; hệ thống liên thông theo tuyến và mọi phương tiện công cộng khác ( trừ xe lam), tức là mua vé thì có thể lên mọi phương tiện công cộng trong thời gian giá trị của vé; tiếp cận thông tin như bảng chỉ dẫn, số hiệu tuyến trên xe, sơ đồ hệ thống, bản đồ trực tuyến, nhắn tin hỏi đường v.v... một cách dễ dàng.

Thứ ba: Văn minh, công bằng: Muốn văn minh, trước hết phải có công bằng giữa các thành phần tham gia vận chuyển, giữa khách với khách. Không thể có chuyện khách vé tháng bị “hắt hủi” khách mua vé bằng tiền mặt được “nâng niu”. Tiếp theo là phương tiện sạch sẽ, đảm bảo kỹ thuật, đủ thoáng mát. Cuối cùng là hành vi ứng xử thân thiện, cảm thông đến từ nhiều phía.

Thứ tư: Giá cả hợp lý, tiết kiệm. Đây là yêu cầu cuối cùng không có nghĩa nó không quan trọng bằng ba điểm trên. Nếu không rẻ, người ta sẽ chọn ô tô con hay xe máy. Xe buýt trong thành phố, ở đâu cũng phải bù lỗ. Có nhiều nguồn và nhiều cách, xin hãy tận dụng mọi nguồn thu để bù chi".

Trên đây chỉ là những ý kiến bước đầu, những đề xuất về giải pháp cần thực hiện ngay để cải thiện những bất cập mà xe buýt còn tồn tại, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Còn về lâu về dài, để tình trạng ùn tắc giao thông không trở thành một vấn nạn ở các đô thị lớn thì cần phải phát triển đồng bộ các yếu tố: quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị; quản lý, điều hành giao thông; và ý thức của người tham gia giao thông...

Cộng đồng đang trông chờ hệ thống giao thông công cộng mà trước hết là một cái nhìn tổng thể, sự tính toán thấu đáo, một chỉ lệnh quyết đoán, và một hành động quyết liệt từ phía lãnh đạo và cơ quan chức năng.

Hải Hà (tổng hợp)