Bão Rammasun đi vào biển Đông, mạnh cấp 13

16/07/2014 11:42
Hồng Anh
(GDVN) - Trưa nay (ngày 16/7) bão Rammasun đã vượt qua kinh tuyến 120 độ kinh Đông đi vào biển Đông - thành cơn bão số 2.

Tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 10 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 850km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km.  Đến 10 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 10 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày mai (17/7) có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.

Đây là một cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo.

Chiều 15/7, trước tình hình bão Rammasun - cơn bão đầu tiên trong năm ảnh hưởng trực tiếp nước ta, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã triệu tập họp khẩn Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTƯ) và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chỉ đạo các giải pháp kịp thời ứng phó ngay từ đầu.

Các cơ quan chuyên môn đã kịp thời cảnh báo, đưa ra các biện pháp đối phó ban đầu với bão tới các địa phương, lực lượng liên quan. Biên phòng các tỉnh, thành phố duyên hải đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.406 tàu/235.082 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Theo báo cáo nhanh, trong 2 ngày qua, các tỉnh từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có các khu vực mưa vừa, mưa nhỏ. Mực nước ở các hồ thủy lợi hiện đang ở mực nước thấp, các hồ chứa vừa và lớn đạt khoảng 50% dung tích thiết kế. Tương tự, các hồ chứa thủy điện như Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đang ở mức thấp. Khu vực Bắc Bộ chỉ có 7/17 hồ có mực nước xấp xỉ hoặc đạt mực nước dâng bình thường.

Sản xuất lúa vụ Đông Xuân đã cơ bản thu hoạch xong. Các tỉnh Bắc Trung Bộ đã cấy xong 175.000 ha cây lúa mùa, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc đã cấy được khoảng 850.000 ha/985.000 ha.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo rõ tinh thần cảnh giác từ xa, chủ động ứng phó với cơn bão đầu tiên trong mùa mưa bão được dự báo là sẽ diễn biến phức tạp của năm nay.

Công việc đầu tiên là theo dõi, kiểm đếm các phương tiện đang hoạt động trên biển, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động về nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.  

Mặt khác, ứng trực theo dõi diễn biến của bão, cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, theo kinh nghiệm, cơn bão đầu tiên của năm thường chạy dọc ở phía Bắc và thường kèm mưa lớn, vùng ảnh hưởng rất rộng. Vì vậy, các tỉnh, nhất là Bắc Bộ cần lưu ý về mưa lớn trong những ngày 18, 19/7 để kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình phòng chống lụt bão; các hồ vận hành xả nước theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du; chuẩn bị chống úng cho các diện tích có khả năng bị úng.

Các tỉnh rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân an toàn. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Hồng Anh