Báo cáo Bộ Chính trị dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

13/10/2014 21:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng giao Bí thư Ban cán sự đảng Bộ GTVT thừa ủy quyền Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thông qua Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) như đề nghị của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể, mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức hàng không quốc tế - ICAO); giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và quan trọng của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Quy mô đầu tư nâng công suất khai thác đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm (đến năm 2030); trong giai đoạn 1 (đến năm 2025), hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến được đầu tư xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích giải phóng mặt bằng là 5.000 ha. Khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ giai đoạn 1 khoảng 7,837 tỷ USD.

Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Báo cáo mới đây Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết:

Giai đoạn 1 đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường cất hạ cánh song song có cấu hình đóng, nhằm chia sẻ sự quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Giai đoạn 2, nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, thêm một đường hạ cánh, mở cửa vào năm 2030.

Giai đoạn 3, nhà ga hành khách đạt công suất 100 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm, 4 đường cất hạ cánh.

Xung quanh việc xây dựng công trình quan trọng này hiện còn nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, chỉ cần mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (với tổng diện tích là 1.500 ha hiện tại) vẫn có thể nâng công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu vì các cảng hàng không trong khu vực với diện tích nhỏ hơn vẫn có thể phục vụ lượng khách rất lớn như: Cảng hàng không quốc tế Chek Lap Kok (HongKong) chỉ với diện tích 1.255 ha có công suất đạt 50 triệu hành khách/năm; Cảng hàng không Changi (Singapore) diện tích 1.300 ha công suất đạt 42 triệu hành khách/năm.

Một số ý kiến khác cho rằng, trong bối cảnh huy động vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn thì cần cân nhắc lựa chọn việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành hay đầu tư phát triển hệ thống đường sắt Bắc – Nam hoặc phát triển hệ thống giao thông đường biển để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Báo cáo chưa đánh giá hết được các chi phí xã hội phải bỏ ra vì khoảng cách từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành về trung tâm TP.HCM là xa hơn so với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, việc đầu tư các công trình kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất với Long Thành cũng phải tính trong tổng vốn đầu tư của dự án.

Ngọc Quang