Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động là trách nhiệm của toàn xã hội

09/10/2013 10:30
TQ/Đảng Cộng Sản
(GDVN) - Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Tuy nhiên, tình trạng chưa nghiêm chỉnh tuân thủ công tác ATVSLĐ ở nước ta còn khá phổ biến. Để khắc phục tình trạng này cần sự vào cuộc của của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Tai nạn lao động vẫn gia tăng

Những năm qua, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), số người chết và bị thương do TNLĐ gây thiệt hại lớn về tài sản có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2011, cả nước xảy ra 5.896 vụ TNLĐ làm 6.967 người bị nạn làm 574 người chết, 1.314 người bị thương nặng. Đến năm 2012, cả nước xảy ra 5.777 vụ TNLĐ làm 6.967 người bị nạn, trong đó có 552 số vụ TNLĐ chết người, làm 606 người bị chết và 1.470 người bị thương nặng.

Như vậy, so với năm 2011, năm 2012, số vụ TNLĐ tăng 14,49%, số nạn nhân tăng 13,2% và số người chết tăng 5,6%.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 3.322 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.431 người bị nạn, gây thiệt hại gần 45 tỷ đồng. Các vụ TNLĐ này khiến 323 người chết, 759 người người bị thương nặng. Thiệt hại về vật chất (chi phí cho tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương...) là 39,32 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 5,06 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ lên tới trên 38.000 ngày.

Như vậy, so với 6 tháng đầu năm 2012, số vụ TNLĐ tăng 262 vụ, tổng số nạn nhân tăng 271 người (tăng 8,6%). Số vụ TNLĐ chết người tăng 49 vụ (19,1%) và số người chết tăng 44 người (15,8%).

Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người gồm: khai thác khoảng sản chiếm 22,95% tổng số vụ và 22,22% số người chết; xây dựng chiếm 21,31% tổng số vụ tai nạn và 20,63% số người chết; sản xuất kinh doanh điện chiếm 6,56% tổng số vụ và 6,35% tổng số người chết; cơ khí chế tạo chiếm 3,3% tổng số vụ và 3,2% tổng số người chết.

Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn, theo phân tích, 50,8% là do người sử dụng lao động (không huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ) cho người lao động, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo ATLĐ); 45,9% do người lao động (vi phạm quy trình quy phạm ATLĐ và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân).

Bên cạnh đó, còn có một phần lỗi do cơ quan quản lý Nhà nước, thể hiện ở công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm công tác ATVSLĐ chưa triệt để dẫn đến tình trạng còn nhiều người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề... chưa được quan tâm hướng dẫn đầy đủ quy định nhà nước về ATVSLĐ dẫn đến việc vi phạm các quy định về ATVSLĐ và nguy cơ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cao.

Trách nhiệm không của riêng ai

Trước những bất cập về tình hình ATVSLĐ, những năm qua, các cấp các ngành đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh hoạt động bảo hộ lao động. Về phía Nhà nước, đã xây dựng được hệ thống Luật liên quan đến công tác ATVSLĐ, như: Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Phòng cháy chữa cháy... Bên cạnh đó, cũng đã ban hành được nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Bộ Tiêu chuẩn Nhà nước về an toàn thiết bị… làm cơ sở thực hiện công tác ATVSLĐ. Đặc biệt, Luật An toàn vệ sinh lao động đã chính thức được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Quốc hội khóa XIII, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng từ năm 2012 và sẽ trình Quốc hội vào năm 2014.

Trang bị đầy đủ bảo hộ lao động góp phần bảo vệ sức khoẻ người lao động Ảnh minh hoạ: PVC.VN
Trang bị đầy đủ bảo hộ lao động góp phần bảo vệ sức khoẻ người lao động Ảnh minh hoạ: PVC.VN
Hàng năm, hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ, Công đoàn các cấp đã triển khai thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATVSLĐ cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Riêng năm 2012, các cấp Công đoàn đã tổ chức treo gần 200.000 khẩu hiệu, panô, tranh tuyên truyền về bảo hộ lao động, phân phát hàng trăm nghìn tờ gấp, bản tài liệu, đĩa CD về ATVSLĐ; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn lao động, tham gia vận động chiến dịch "Trồng 3 tỉ cây xanh vì hành tinh"… Ngoài ra, các cấp Công đoàn còn củng cố mạng lưới an toàn vệ sinh viên cơ sở, tổ chức thi an toàn vệ sinh viên giỏi các cấp, các ngành.

Nhiều cơ quan, đơn vị, danh nghiệp cũng đã tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ chủ chốt, cho toàn thể công nhân, người lao động. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang triển khai “Dự án nâng cao năng lực Trung tâm Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động”. Đến năm 2015, khi Dự án hoàn thành, mỗi năm, Trung tâm sẽ đào tạo được cho khoảng 90.000 người về công tác ATVSLĐ, gồm cả người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động; người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; cán bộ làm công tác đảm bảo an toàn lao động tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều cần nhất trong công tác ATVSLĐ là ý thức của con người: cả người sử dụng lao động và người lao động. Để thực hiện tốt các mục tiêu về ATVSLĐ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp - những người sử dụng lao động - cần tăng cường tập huấn, nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, quản lý và người lao động; coi trọng đầu tư cho công tác bảo hộ lao động trên quan điểm góp phần bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm: ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc… Và đặc biệt, mỗi người lao động phải hiểu rõ, mình là người thiệt thòi nhất khi xảy ra TNLĐ, vì thế không được coi thường tính mạng của mình. Mỗi người lao động cần tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo đảm ATLĐ mỗi khi bắt tay vào công việc. Có như vậy, công tác ATVSLĐ mới thực sự phát huy hiệu quả, và nơi làm việc mới thực sự trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc, là địa chỉ muốn đến của mỗi người lao động./.

TQ/Đảng Cộng Sản