Bất an như đi tàu cánh ngầm

13/09/2013 07:28
Ngọc Luân
(GDVN) -  “Các tàu cánh ngầm đang tiềm ẩn quá nhiều vấn đề đáng lo ngại về an toàn trong quá trình hoạt động”, đó là nhận dịnh của ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông.

Từ nhiều năm nay, tàu cao tốc cánh ngầm đã trở thành một loại hình giao thông thủy quen thuộc và tiện ích đối với người dân trên hành trình TP. HCM đi  - về TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cách ngầm liên tiếp gặp sự cố, thậm chí là tai nạn nghiêm trọng, và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Điều đó đã gây nên tâm lý bất an đối với hành khách khi chọn lựa chọn phương tiện này để di chuyển. Trước thực trạng đó, Bộ Giao thông Vận tải đã lập đoàn công tác thanh tra loại hình hoạt động này.

Nội dung thanh tra lần này của Đoàn công tác là tiến hành kiểm tra các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo đảm an toàn đối với luồng hàng hải, cảng bến thủy nội địa đón, trả khách tại 2 địa phương: TP. HCM và TP. Vũng Tàu

Tàu cánh ngầm trong một lần chết máy chờ cứu hộ
Tàu cánh ngầm trong một lần chết máy chờ cứu hộ

Tàu cánh ngầm – không còn là phương tiện an toàn.

“Các tàu cánh ngầm đang tiềm ẩn quá nhiều vấn đề đáng lo ngại về an toàn trong quá trình hoạt động” – đó là nhận dịnh của ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, sau 2 ngày làm việc với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu và Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.


Trưởng đoàn công tác lần này của Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, một trong những vấn đề đáng lo ngại trong hoạt động tàu cao tốc tuyến Vũng Tàu – TP. HCM hiện nay là các tàu đang lắp đặt thiết bị giám sát hành trình áp dụng cho xe ô tô. Vì vậy, việc theo dõi vị trí, hành trình của tàu trên luồng cũng chưa chính xác.

Trong khi đó, tàu cao tốc lại hành trình trên tuyến có chiều dài khoảng 40 hải lý, đi qua các khu vực thường xuyên gặp sóng to, gió lớn trên vịnh Gành Rái và các tuyến luồng hàng hải trong phạm vi vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM.
Tàu cánh ngầm Greenlines 10 trong một vụ tai nạn năm 2009
Tàu cánh ngầm Greenlines 10 trong một vụ tai nạn năm 2009

Mặt khác, theo ghi nhận của phóng viên, hiện toàn bộ đội tàu của 3 đơn vị khai thác đều đã già nua và xuống cấp trầm trọng.

Theo ông Đặng Quá Hải - Phó Phòng Quản lý Giao thông thủy, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM: “Phần lớn các phương tiện tàu cánh ngầm được các hãng đầu tư trước đây đều đã qua sử dụng, hiện có phương tiện đã trên 20 năm sử dụng. Thời gian sử dụng lâu, tàu khá cũ kỹ, xuống cấp nên không tránh khỏi tình trạng hư hỏng, chết máy trong quá trình vận chuyển hành khách.”

Trong khi đó, ông Lê Huy Thảo - Tổng giám đốc của hãng tàu Greenlines cũng nhìn nhận, các tàu cánh ngầm công ty mua đều là hàng đã qua sử dụng nhưng được thay vỏ, máy mới và được kiểm định đầy đủ. Các sự cố chết máy trên sông đều do con người chạy sai quy định đường thủy gây ra. Tuy nhiên, ông Thảo cam kết trong thời gian tới công ty sẽ đầu tư mới hàng loạt tàu cao tốc chở khách thay thế cho 10 chiếc hiện nay.

Có che dấu tai nạn?

Theo thống kê của Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, từ năm 2007 đến nay năm nào cũng xảy ra sự cố với tàu cánh ngầm. Trong đó, năm 2012 đã có 6 vụ va chạm, chết máy, hỏng giữa hải trình. Hãng tàu gây ra sự cố nhiều nhất là Greenlines. Tàu cánh ngầm của hãng Vina Express cũng đã gây tai nạn làm chết một ngư dân vào tháng 9/2011. Gần đây nhất, ngày 26/7, tàu cánh ngầm Greenlines 9 bị chết máy trên sông Lòng Tàu, trôi dạt và va chạm với phao tiêu trên luồng khiến hàng trăm khách hoảng loạn…

Tuy nhiên, khi có sự cố hàng hải đối với tàu cao tốc, thuyền trưởng lại thường có hành vi che giấu, các trường hợp khác thì Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu và các cơ quan chức năng luôn nhận được thông tin sau khi sự cố đã xảy ra và đã được khắc phục. Đại diện Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu – Giám đốc Lê Văn Chiến, bức xúc: “Có rất nhiều trường hợp tàu bị nạn thì thuyền trưởng không báo cáo cho cơ quan chức năng mà có hành vi giấu thông tin và tự xử lý sự cố.”

Ông Chiến cho biết, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cũng nhìn nhận thực trạng tàu cánh ngầm mất an toàn rất đáng báo động này. Theo ông, nguy hiểm nhất cho hành khách là khi đi tàu vào các chuyến tối. Bởi hơn 20 tàu cánh ngầm đang hoạt động trên tuyến này đều chưa trang bị ra-đa. Lái tàu phải quan sát bằng mắt thường. “Cảng vụ cũng đề nghị các hãng phải trang bị ra-đa cho tàu, song họ bảo phía đơn vị đăng kiểm chưa yêu cầu nên chúng tôi không thể xử phạt” - ông Chiến cho hay.

Gần 20 năm khai thác tàu cánh ngầm nhưng tại TP. Vũng Tàu vẫn chưa thể có được một cảng đón trả khách đúng chuẩn và an toàn.
Gần 20 năm khai thác tàu cánh ngầm nhưng tại TP. Vũng Tàu vẫn chưa thể có được một cảng đón trả khách đúng chuẩn và an toàn.

Mặc khác, điều kiện đón, trả khách của các tàu cao tốc tại các bến cảng hiện gặp khó khăn, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu. Theo tìm hiểu của phóng viên, điều kiện an toàn của các cảng có khả năng tiếp nhận tàu cao tốc là rất hạn chế do cảng không được quy hoạch và đầu tư xây dựng, lắp đặt trang thiết bị để tiếp nhận loại tàu này. Hơn nữa, các cảng chưa được công bố được phép tiếp nhận tàu khách theo quy định.

Đại diện Đoàn thanh tra cho biết, sau khi kết thúc đợt kiểm tra này, Đoàn sẽ có báo cáo tổng hợp trình lãnh đạo Bộ Giao thông  Vận tải xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn tại hiện nay trong hoạt động tàu cao tốc cũng như các ý kiến, kiến nghị của các địa phương xung quanh loại hình phương tiện này.

Được biết, để hạn chế các sự cố của tàu cánh ngầm trên tuyến TP. HCM – TP. Vũng Tàu, mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không cho tăng thêm số lượng tàu cánh ngầm có tuổi thọ trên 10 năm hoạt động trên tuyến này. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lấy ý kiến các doanh nghiệp về quy định niên hạn sử dụng đối với tàu cao tốc chở khách với tuổi thọ không quá 25 năm tính từ năm đóng tàu.

Tham gia kinh doanh vận tải tàu cánh ngầm TP HCM - Vũng Tàu và ngược lại hiện có 3 hãng tàu là: Vina Express, Greenlines và Petro Express với hơn 20 chiếc tàu hoạt động thường xuyên. Hầu hết tàu được khai thác trên tuyến này đều là tàu cũ, nhập về từ Nga và các nước Đông Âu. Trong đó có tàu đã trên 20 năm sử dụng.
Ngọc Luân