Bé 4 tháng chờ mổ và nữ trưởng phòng Bệnh viện Nhi

13/05/2013 08:21
Việt Trần/NguoiDuaTin
Bé gái 4 tháng tuổi đến từ miền đất nghèo, nằm mê mệt trong Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi hơn 1 tháng chờ mổ. Bé bị 'thông liên thất', tức hở van tim, người tím tái vì khó thở.

Nhìn bé lờ đờ, xanh xao không còn sinh khí ở Khoa A10, Bệnh viện Nhi trung ương, tôi không cầm được nước mắt. Sau đầu cháu, một vết lõm sâu hoắm, mất hết tóc, rỉ nước. Theo bố mẹ cháu, đó là hệ lụy của việc nằm viện, thở lồng kính hơn 1 tháng. Điều này cũng thật lạ như số phận bấp bênh của cháu.

Chiều 12.5, chúng tôi vào bệnh viện thăm cháu. Trong khoa A10, có nhiều những khuôn mặt dật dờ vì bệnh tật, chủ yếu là tim mạch. Bố mẹ cháu không hiểu vì sao cháu đã nằm ở đây hơn 1 tháng nhưng không được mổ. Tình trạng của cháu sau khi thoát khỏi lồng kính là nằm chờ.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu chụp ảnh lên báo trong một chương trình do báo Giáo dục Việt Nam tài trợ ở Lớp học Hy vọng
Bà Nguyễn Thị Minh Thu chụp ảnh lên báo trong một chương trình do báo Giáo dục Việt Nam tài trợ ở Lớp học Hy vọng

Khi sinh, cháu nặng 3,5 kg. Sau 5 tháng tuổi, cháu được 3,6 kg. Và thoi thóp trên giường bệnh. Nhờ mối quan hệ với một người bạn, phóng viên đã có số của lãnh đạo Bệnh viện Nhi, gọi điện nhờ giúp đỡ. Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Liêm tư vấn cho phóng viên về việc điều trị của cháu.

Thấy việc nằm viện của cháu gái hơn 1 tháng không được mổ có những chuyện bất thường, kiên quyết tìm hiểu nguyên nhân của chuyện này, phóng viên - nhờ mối quan hệ với lãnh đạo một tờ báo - có được số điện thoại và liên lạc ngay với thạc sỹ Nguyễn Thị Minh Thu, trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi TW chỉ để có số điện thoại của lãnh đạo mới.

Phóng viên trình bày lý do như đã nói ở trên và đề nghị bà Thu cung cấp số điện thoại của giám đốc mới của bệnh viện, bà Thu lắng nghe một lát và trả lời 'sao anh không hỏi anh Liêm luôn đi?'.

Ngay sau đó, số của bà trưởng Phòng Công tác xã hội bệnh viện Nhi trung ương rơi vào tình trạng không liên lạc được.

Sau khoảng 5 phút, phóng viên kiên trì gọi lại số máy ấy thì chuông đổ nhưng vị nữ lãnh đạo của Phòng công tác xã hội này không nghe máy.

Những bệnh nhi mắc bệnh nan y ở Lớp học hy vọng Bệnh viện Nhi trung ương
Những bệnh nhi mắc bệnh nan y ở Lớp học hy vọng Bệnh viện Nhi trung ương

Có những chi tiết bộc lộ bản chất sự kiện, bản chất con người. Có những phút lơ đễnh, bác sỹ có thể giết chết một mạng người. Có những cú điện thoại nói với chúng ta ai nhân hậu và ai vô cảm.

Có vẻ vị nữ trưởng phòng Công tác xã hội ở đây đã quá quen với việc sống chết, với việc tính mạng của một đứa trẻ có thể nguy kịch bất cứ lúc nào chăng, nhưng phóng viên thì chưa bao giờ có được những cảm xúc lạnh lùng và tàn nhẫn như vậy.

Đến giờ này, khi bài báo trước mắt quý độc giả, cháu gái trong bài vẫn lim dim, dở ngủ dở thức vì hậu quả của thuốc an thần. 3,6kg cân nặng cho một cháu bé 5 tháng, cẳng chân như que diêm, da xanh tái...gợi lên những cảm xúc bi kịch của bất cứ một người làm cha làm mẹ nào. Ba hôm nay, cháu gái được nói ở trên không ngủ và đôi lúc tím tái người vì khó thở.

Theo tư liệu của phóng viên, ngày 1/10/2008 tổ Công tác xã hội được thành lập trực thuộc Phòng Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ ngày 01/ 05/ 2011, giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương quyết định thành lập Phòng Công tác xã hội với 06 cán bộ.

Trong đó, một trong những chức năng của phòng về công tác xã hội là giúp đỡ và chia sẻ với những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện; theo dõi, chăm sóc quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người bệnh và gia đình trong các trường hợp bệnh hiểm nghèo. (Còn tiếp).

Việt Trần/NguoiDuaTin