Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Bé trai 14 tháng tuổi ngưng thở vì hóc thạch rau câu

17/10/2012 17:33
D.Hải
(GDVN) - Sáng 17/10, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khoa vừa cứu sống bệnh nhi Lương Hữu Nghĩa mới 14 tuổi, quê ở Bắc Giang bị hóc thạch rau câu, bịt cả đường thở.
Anh Lương Tiến Giang - bố cháu Nghĩa cho biết: Ngày 4/10, cháu Nghĩa sang hàng xóm chơi và được cho ăn thạch. Đang nhai miếng thạch thì cháu có biểu hiện ho sặc sụa. Thấy vậy, bà nội của cháu vội vàng dốc người cháu xuống và vỗ vào lưng nhưng miếng thạch không bắn ra, cháu vẫn tím tái toàn thân. Lập tức, gia đình đưa cháu vào BVĐK tỉnh Bắc Giang cấp cứu.

Tại BVĐK tỉnh Bắc Giang, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, đặt ống nội khí quản, hút và truyền dịch nhưng cháu Nghĩa vẫn rơi vào hôn mê, tính mạng hết sức nguy kịch nên được chuyển thẳng đến BV Tai Mũi Họng T.Ư. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi và gắp viên thạch trong đường thở ra nhưng cháu Nghĩa vẫn ngưng thở, khắp người tím đen.

Vào 17h30 cùng ngày, cháu Nghĩa đã được chuyển sang Khoa Nhi – BV Bạch Mai trong tình trạng độ bão hòa oxy máu chỉ có 30-40% (người bình thường là 95%, dưới 92% đã rất nguy kịch phải thở máy). Các bác sĩ phải bóp ống thở ngoài lồng ngực. Sau 15 phút tim cháu đập trở lại, các bác sĩ đã đặt ống thở, tranh thủ hút rồi cho thở máy ngay.

Bé Nghĩa thoát chết trong gang tấc vì hóc thạch. Ảnh: D.Hải.
Bé Nghĩa thoát chết trong gang tấc vì hóc thạch. Ảnh: D.Hải.

“Rất khó gắp hết được dị vật ra khỏi đường thở vì thạch trơn, dễ nát ra thành các viên nhỏ. Nếu cứ cố gắng hút hết dị vật, trẻ sẽ bị thiếu oxy trầm trọng, có nguy cơ tử vong. Do đó, với trường hợp này phải luân chuyển liên tục giữa xông cung cấp oxy và hút dị vật. Phải mất gần 2 ngày các bác sỹ khoa Nhi mới hút được hết dị vật trong đường thở của bé Nghĩa”- PGS.TS Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, các trường hợp hóc dị vật khác như hóc hạt lạc, hạt đỗ, sặc cháo… chỉ cần nội soi và gắp dị vật, hút dễ dàng, ít khi bị chèn vào khí quản. Tuy nhiên, với những ca hóc thạch thì khả năng cứu sống là rất khó vì viên thạch vào khí quản sẽ bị bít đường thở và rất khó để chọc hút dị vật. Hầu hết các trường hợp trẻ bị hóc thạch là tử vong. Đây là trường hợp trẻ hóc dị vật là thạch đầu tiên được cứu sống tại BV. Kết quả xét nghiệm cho thấy, não không bị ảnh hưởng, lớn lên cháu bé vẫn phát triển bình thường. Hiện tại sức khoẻ của cháu Nghĩa đã ổn định, dự kiến trong 1–2 ngày tới là cháu có thể xuất viện.

Các bác sĩ khuyến cáo, triệu chứng hóc là người đang khỏe mạnh đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, khó thở. Trẻ bị ngạt thở có thể tử vong trong vòng vài phút nếu không được sơ cứu và cấp cứu kịp thời. Để tránh những nguy hiểm khi trẻ bị hóc dị vật, không dùng tay móc họng trẻ, hay vuốt cổ, vuốt ngực trẻ, vì có thể khiến dị vật vào sâu hơn, hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn. Tốt nhất nên sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn, sau đó đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

D.Hải