“Bể xương người” lớn nhất thế giới ở Hà Nội

19/08/2012 07:08
Hoàng Lâm
(GDVN) - Giữa thủ đô Hà Nội, ít ai biết có một “bể xương người” chôn cất hài cốt hàng trăm nghìn đồng bào ta sau nạn đói lịch sử năm 1945.
Nấm mồ tập thể lớn nhất thế giới
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đau thương mất mát của biết bao thế hệ cha anh mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong lòng mỗi người con nước Việt. Chúng ta có quyền tự hào bởi lịch sử dân tộc oai hùng nhưng có lẽ không ai có thể quên được những đau thương, mất mát của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng bị đô hộ. Nạn đói lịch sử năm 1945 làm chết hơn 2 triệu đồng bào ta. 

Bao năm tháng dâu bể đã đi qua, nhắc đến nạn đói năm 1945 không người con Việt nào có thể quên nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều người đặt câu hỏi hài cốt của 2 triệu đồng bào ta chết đói những năm 1945 đang ở đâu?
Là một người con Việt, xúc động trước những hình ảnh đau đớn về nạn đói năm 1945, tôi đã lần tìm ra được địa chỉ nơi yên nghỉ của hàng trăm nghìn đồng bào ta năm nào. Nấm mồ tập thể và Khu tưởng niệm hơn 2 triệu đồng bào chết vì bom, đạn của phát xít Nhật và nạn đói 1944-1945 hiện đang nằm ở 559/86/17 phường Vĩnh Tuy, Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nói là nấm mồ nhưng thực tế khi bước chân vào ít ai có cảm nhận không khí u ám của một nghĩa trang. Thay vào đó là mùi hương của những loài hoa thoang thoảng từ khu vườn trong ngõ nhỏ tĩnh lặng.
Mở cửa đón tôi là một người cựu chiến binh già đã về hưu có gương mặt hiền hậu, ông Đặng Văn Tuyến. Ông Tuyến là người hàng ngày trông coi, hương khói nơi yên nghỉ tại nấm mồ lớn nhất thế giới này.
Xe chở hài cốt của đồng bào chết đói đến nơi chôn cất tập thể
Xe chở hài cốt của đồng bào chết đói đến nơi chôn cất tập thể
Bước qua cánh cổng gỗ nhỏ, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là tấm bia đá khắc bài văn tế xúc động của GS Vũ Khiêu: “Một cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất…” Đọc những dòng văn tế xót xa của GS Vũ Khiêu và theo lời ông Tuyến, tôi đang đứng trên… bể xương người khổng lồ, một cảm giác rờn rợn bất chợt chạy dọc sống lưng tôi. Nhưng cảm giác ấy nhanh chóng đi qua, thay vào đó là sự xót xa khi được nghe thêm những câu chuyện và xem những bức ảnh ghi lại những năm tháng đen tối nhất của dân tộc ta và của cả nhân loại.
“Ở dưới chân anh đi qua lúc nãy là một bể lớn đựng hài cốt của đồng bào mình đấy! Còn đây là những hình ảnh hiếm hoi ghi lại nạn đói năm đó”, giọng ông Tuyến hơi nghẹn lại vì xúc động khi chỉ tay lên những bức ảnh treo tường. 
Trước mắt tôi là những cảnh tượng có lẽ ngày nay khó có bạn trẻ nào tưởng tượng ra được. Đó là địa ngục trần gian mà dân tộc ta đã từng phải gánh chịu. Đó là những người kéo xe chở đầy xác chết, đồng bào chờ cứu đói vạ vật, cả núi xương người lạnh lẽo được chở đến nơi… tập kết để chôn chính là khu nghĩa trang nhỏ nhắn rộng 150m2 mà tôi đang đứng hiện nay.
Những chứng tích đau thương của dân tộc dường như vẫn được giữ nguyên trong nấm mồ tập thể được ông Tuyến trông coi hương khói đều đặn suốt bao năm qua. 
“Tôi trông ở đây cũng là vì cái tâm và cũng là cái duyên. Hàng ngày dù bận thế nào tôi cũng phải ra dọn dẹp sạch sẽ mới yên tâm làm việc khác. Cứ như vậy trong bao năm qua, tôi muốn góp một phần sức của mình để tạo ra một không gian thoáng đãng để những đồng bào xấu số có thể siêu thoát”, ông Tuyến cho biết.
Chứng tích lịch sử suýt… biến mất
Cũng theo lời ông Tuyến, ngày xưa nấm mồ tập thể này có tên là nghĩa trang Hợp Thiện nhưng sau đó do nhiều thay đổi, các hộ dân xung quanh đã làm nhà và dần dần mảnh đất bị co hẹp lại còn như khu tưởng niệm hiện nay.
Thậm chí theo ông Tuyến, đã có thời gian, nấm mồ tập thể và khu tưởng niệm đồng bào chết vì bom, đạn của phát xít Nhật và nạn đói 1944-1945 suýt… biến mất vì không ai quan tâm. Nhưng rất may là vào năm 2001 có 3 sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội làm đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945” và khu nghĩa trang đã thực sự… hồi sinh rồi được tôn tạo như hiện nay. 
Sau đó, tháng 9/2003, UBND TP Hà Nội đã quyết định cải tạo, xây dựng lại nghĩa trang Hợp Thiện. Trong đó, nấm mồ chứa hàng triệu hài cốt của đồng bào ta được xây lại ở chính giữa.
Thời gian đầu những năm 90, “bể xương người” khổng lồ này còn nằm lộ thiên. Các hộ gia đình sống sát sườn làm nhà còn đào được xương người khi xây nhà rồi cho vào tiểu để xếp sát khu tưởng niệm. Trước tình hình vạ vật đau lòng đó, bể xương người khổng lồ năm nào được người dân chung tay xây dựng thành bể kiên cố chỉ để lại một lỗ thông âm - dương. Tuy nhiên, hiện nay, lỗ thông âm – dương này đã bị bít kín do nhiều lần gia cố lại.
Cũng đặc biệt như chính nấm mồ tập thể của hàng trăm nghìn đồng bào ta, ông Tuyến quê gốc Nam Định, sinh năm 1952 từng vào sinh ra tử không ít lần nơi hỏa tuyến. Ông là một trong những chiến sĩ mẫn cán công tác trong đơn vị Tổng cục Kỹ thuật chuyên làm nhiệm vụ sửa chữa xe cơ giới. 
Ông Đặng Văn Tuyến hàng ngày vẫn đều đặn hương khói cho vong linh những đồng bào đã khuất
Ông Đặng Văn Tuyến hàng ngày vẫn đều đặn hương khói cho vong linh những đồng bào đã khuất
Đến năm 1981, ông Tuyến trở về Hà Nội sống, về hưu và nhận nhiệm vụ trông coi khu tưởng niệm. Thực tế, trước ông Tuyến cũng đã có người trông coi nhưng vì nhiều lý do, người này đã bỏ đi và ông Tuyến quyết định nhận nhiệm vụ trông coi, hương khói cho linh hồn hơn 2 triệu đồng bào ta. Thời gian đầu, nhiều người hàng xóm cũng dèm pha nói ông bị… hâm đơ. Tuy nhiên, ông Tuyến bỏ ngoài tai và sẵn sàng cống hiến với trái tim của một người lính già nhiệt huyết.
Một tay chăm sóc mọi thứ ở khu tưởng niệm, ông Tuyến đã đón hàng nghìn đoàn khách từ khắp nơi đến. Từ các lãnh đạo cấp cao đến học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, trong suốt những năm tháng gắn bó với khu tưởng niệm 2 triệu linh hồn đồng bào ta, ông thực sự ấn tượng với những người khách Nhật Bản.
“Có người là nhà nghiên cứu, có người là khách du lịch, có người lại là con cháu của những người đã từng tham chiến ở Việt Nam… Tuy nhiên, họ đến đây để cảm nhận được những đau thương mất mát của dân tộc ta và muốn nói lời xin lỗi đến những vong linh đã khuất dù cho họ không trực tiếp gây ra cái chết của đồng bào ta năm nào”, ông Tuyến kể.
Thoang thoảng trong gió mát, bước chân vào khu tưởng niệm, nỗi đau của quá khứ vẫn dường như văng vẳng đâu đây như nhắc nhở thế hệ trẻ bước chân tới đều phải ghi nhớ đến một thời kỳ đen tối nhất của đất nước…
Hoàng Lâm