Bến đò đau thương Quảng Hải sẽ mãi mãi lùi vào quá khứ

28/01/2016 06:00
Thủy Phan
(GDVN) - Cây cầu Quảng Hải đã nối hai bờ sông Gianh, cuộc sống người dân có nhiều đổi thay, nhưng có lẽ họ sẽ không bao giờ quên ký ức kinh hoàng ngày 30 tết năm đó.

Gần 6 năm sau vụ chìm đò làm 42 người dân xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình bị thiệt mạng, chúng tôi có dịp trở lại nơi đây.

Chuyến đò định mệnh


Tìm về xã Quảng Hải vào những ngày cận tết, cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay, ổn định hơn kể từ khi có cây cầu Quảng Hải nối hai bờ sông Gianh.

Nhưng có lẽ đối với họ, nhất là gia đình những nạn nhân trong vụ chìm đò vào ngày 30 Tết năm Kỷ Sửu (2009) sẽ không bao giờ quên được ký ức kinh hoàng hôm đó.

Ngược thời gian trở về 6 năm trước, chính nơi đây, dòng sông Gianh hung hãn đã cướp đi sinh mạng 42 con người. Sáng 30 Tết, người dân sống hai bên bờ sông Gianh thuộc xã Quảng Thanh và Quảng Hải bàng hoàng tỉnh giấc khi nghe những tiếng kêu thất thanh.

Ai cũng hốt hoảng chạy ra bến sông thì nhìn thấy từ phía xa, dưới dòng sông lạnh ngắt, những cánh tay yếu ớt đang cố vùng vẫy với hy vọng mong manh được cứu. 

Trên bờ, người dân cuống cuồng tìm cách nhưng mọi nỗ lực cũng chỉ cứu được 40 người, còn 42 người đã ra đi vĩnh viễn.

Người dân Quảng Hải mong muốn xây một cái miếu bên cạnh bến đò cũ để thờ những nạn nhân xấu số, nhưng đến nay họ vẫn chưa thực hiện được (Ảnh: Thủy Phan)
Người dân Quảng Hải mong muốn xây một cái miếu bên cạnh bến đò cũ để thờ những nạn nhân xấu số, nhưng đến nay họ vẫn chưa thực hiện được (Ảnh: Thủy Phan)

Những tiếng nấc nghẹn ngào, những ánh mắt thảng thốt dáo dác tìm người thân, tiếng những đứa trẻ khóc gọi mẹ đầy đau thương. Trong phút chốc, không khí tang thương bao trùm cả vùng quê nghèo.

Ngày 30 Tết trở thành nỗi đau của biết bao gia đình, trở thành nỗi ám ảnh cho cả vùng quê.

Chị Cao Thị Cúc (cán bộ thôn Vân Nam), một trong những người đầu tiên phát hiện vụ chìm đò nhớ lại: “Cận tết năm nào, tôi cũng cùng chị gái qua bên kia sông sắm đồ tết, nhưng hôm đó, tôi có việc bận nên không đi cùng chuyến với chị được, không thì có lẽ tôi cũng đã là nạn nhân trên chuyến đò đó. 

Khi tôi ra bến để đi chuyến sau, nhìn ra sông thấy những chiếc nón lổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi đinh ninh rằng đò bị chìm nhưng trong lòng vẫn hy vọng mình nhìn nhầm. Tôi hét lên gọi mọi người thì ai nấy cuống cuồng đi tìm người cứu giúp. 

Trời hôm đó lạnh lắm, mãi vẫn không thấy chuyến đò nào để nhờ, may sao sau đó có một chuyến đò chở gỗ nên họ đã cùng nhiều người nữa cố gắng cứu vớt nhưng chỉ cứu được 40 người. 

Còn lại, 42 người đã ra đi vĩnh viễn, có những người phải mất mấy ngày mới tìm thấy thi thể. Trong chuyến đò định mệnh hôm đó, chị gái tôi cũng đã ra đi mãi mãi
”, chị Cúc bàng hoàng kể.

Giá như có cầu sớm hơn

Không lâu sau vụ chìm đò, cầu Quảng Hải đã được gấp rút xây dựng nối liền hai bờ sông Gianh. Kể từ khi có cây cầu, cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều thuận lợi, ổn định hơn.

Nhưng còn đó những số phận mòn mõi, những nỗi đau vẫn dai dẳng đeo bám theo họ.

Con gái mất, để lại cho ông Cao Minh Châu (69 tuổi) và bà Cao Thị Lẻn (71 tuổi) ở thôn Vân Nam hai đứa cháu. Lúc đó, đứa lớn mới học lớp 1, còn một đứa nữa mới 13 tháng tuổi.

Bà Cao Thị Lẻn ứa nước mắt khi nhắc đến đến hai đứa cháu mồ côi (Ảnh: Thủy Phan)
Bà Cao Thị Lẻn ứa nước mắt khi nhắc đến đến hai đứa cháu mồ côi (Ảnh: Thủy Phan)

Tuổi đã cao, nhưng suốt 6 năm nay ông bà vẫn phải chạy vạy để nuôi 2 đứa cháu, cuộc sống quá vất vả khiến nỗi đau của ông bà không thể nguôi ngoai.

Đau xót lắm, mẹ hai đứa đã mất, bố cũng không còn nữa, cháu tôi còn nhỏ quá mà đã phải chịu cảnh mồ côi. Chúng tôi già rồi, nhà lại chỉ có hơn sào ruộng, không đủ để nuôi các cháu. 

Hàng xóm ai cũng thương nên hay gom quần áo cũ cho hai đứa nó, chứ chúng tôi không có điều kiện để mua quần áo đẹp cho cháu. Không biết, tôi còn sống được bao lâu nữa để chăm lo cho chúng.

Cứ nghĩ vậy là tôi lại thấy tủi, vừa thương con, vừa thương cháu không biết tương lai của chúng sẽ ra sao
”, bà Lẻn nói trong nước mắt.

Còn chị Phạm Thị Lan (SN 1991, ở thôn Vân Trung), chị vẫn nhớ như in ngày 30 tết 6 năm trước. Khi nghe tin, chị đã gào thét gọi mẹ, nhưng mẹ chị - bà Cao Thị Hồng đã ra đi mãi mãi. Một thời gian sau, bố chị cũng bị bệnh rồi qua đời, bỗng chốc chị trở thành đứa trẻ mồ côi.

Những ngày cận tết, mọi người chuẩn bị sắm sửa đón năm mới, còn chị phải kìm nén nỗi đau để làm cơm cúng ngày giỗ mẹ. 

Mới đó mà đã 6 năm, bây giờ tôi cũng thấy nguôi ngoai dần. Nhưng cứ nghĩ đến mẹ là tôi lại thấy tủi thân lắm”, chị Lan nghẹn ngào nói.

Theo nhiều người dân, bây giờ người ta gọi thôn Vân Lôi, nơi có đến 17 người chết trong vụ chìm đò là “làng mồ côi”, bởi nơi đây có quá nhiều đau thương, mất mát.

Nhiều ngôi nhà phải đóng cửa then cài quanh năm, vì họ không chịu được nỗi đau quá lớn nên đành bỏ xứ ra đi, kẻ vào nam, người sang Lào làm ăn để quên đi nỗi đau đó. Những người ở lại, họ phải kìm nén nỗi đau để tiếp tục sống, lo cho tương lai của những đứa trẻ tội nghiệp.

Giá như cây cầu này được xây sớm hơn, thì có lẽ đã không có những nỗi đau, mất mát lớn đến vậy (Ảnh: Thủy Phan)
Giá như cây cầu này được xây sớm hơn, thì có lẽ đã không có những nỗi đau, mất mát lớn đến vậy (Ảnh: Thủy Phan)

Ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết: “Từ lúc có cầu Quảng Hải, cuộc sống của người dân Quảng Hải có rất nhiều thay đổi. Giao thông đi lại thuận lợi nên đời sống người dân phát triển hơn nhiều”.

Đến đây, chứng kiến những nỗi đau vẫn dai dẳng đeo bám người dân, chứng kiến những thay đổi của vùng quê này, tôi chợt nghĩ, giá như ngày đó người dân không phải đi đò sang sông, giá như cây cầu Quảng Hải có sớm hơn thì có lẽ những đứa trẻ sẽ không phải chịu cảnh mồ côi, thì đã không có những nỗi đau, sự mất mát lớn đến vậy.

Thủy Phan