Bí ẩn bé gái gây cháy

15/05/2012 06:51
Vài ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin bé gái 11 tuổi ở TPHCM có khả năng gây cháy đồ đạc xung quanh. 

Nhiều đồ dùng điện, chăn mền, quần áo… phát cháy một cách bí ẩn khi cô bé ở gần hoặc sử dụng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 14-5, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người) cho biết ông vừa nhận được email của anh P.Q.V, cha của T., bé gái có khả năng gây cháy (ngụ tại phường 12, quận Tân Bình - TPHCM), kể lại chuyện con mình. Trong tuần này, ông và một số cán bộ ở trung tâm sẽ đến nhà T. để nghiên cứu và tìm cách chữa trị cho bé.

Tự phóng năng lượng?

Ông Hải cho biết những năm gần đây, trung tâm đã ghi nhận một số trường hợp có hiện tượng này ở nhiều mức độ khác nhau tại Việt Nam. Trong đó, được nhắc tới nhiều là một thiếu niên 15 tuổi ở Nam Định có mái tóc tự bốc cháy. Sau khi em được các chuyên gia của trung tâm điều trị trong một tuần, hiện tượng này đã hết.
Bí ẩn bé gái gây cháy ảnh 1

Căn phòng của T. cháy rụi sau khi cô bé vào thay quần áo. Ảnh: ANH THƯ

Năm 2006, một đứa trẻ ở phía Nam cũng phát ra lửa gây cháy nhiều vật xung quanh. Năm 2008, trung tâm cũng điều trị cho một bé trai 14 tuổi ở Thanh Hóa bị luồng nhiệt cơ thể phát ra gây cháy chân.

“Tôi cho rằng đây là hiện tượng tự phóng năng lượng gây cháy các đồ vật xung quanh” - ông Hải nhận xét. Theo ông, hiện tượng gây cháy thường xảy ra ở lứa tuổi dậy thì do thay đổi rất mạnh nội tiết và các chức năng trong cơ thể, cộng thêm sự thay đổi của thời tiết, nhất là khi nắng nóng.

Ông Hải cho rằng các trường hợp nêu trên là hiện tượng rối loạn nội sinh tự phát, tức là tự bốc cháy bằng chính năng lượng của mình. Theo ông, cơ thể con người có nhiều trung tâm lực gọi là sacre và trong một số trường hợp, chúng mở ra sẽ tạo nguồn năng lượng mới - năng lượng nội sinh (luồng hỏa xà). Hiện tượng này nếu xảy ra mà cá nhân không thể khống chế được thì sẽ gây phát hỏa. Đã có trường hợp tự bốc cháy không cứu được dẫn đến tử vong nhưng một số người cũng có thể điều khiển và khống chế được luồng hỏa xà.

“Bản thân tôi ít nhất 5 lần làm nổ bóng đèn khi phải suy nghĩ vấn đề gì đó rất căng thẳng. Mới đầu, tôi nghĩ là ngẫu nhiên nhưng sau 5 lần, tôi cho rằng con người có thể phát ra năng lượng gây cháy đồ vật xung quanh. Ngoài ra, một số người sau quá trình luyện tập, như yoga, cũng có thể phát ra nguồn năng lượng ấy” - ông Hải giải thích. Theo ông, y học hiện đại chưa thể có cách điều trị hiệu quả với hiện tượng người tự bốc cháy hoặc gây cháy các đồ vật.

Cần thực nghiệm kiểm tra

PGS-TS Nông Văn Hải, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam, cho rằng trường hợp của T. cần được các nhà khoa học, bác sĩ vào cuộc. “Về mặt sinh học, khoa học thì việc con người gây cháy các đồ vật xung quanh là khó có thể. Trước đây cũng có một số trường hợp tương tự nhưng chưa nghiên cứu nào kết luận nguyên nhân chính xác. Gia đình cần đưa T. đến bệnh viện để các nhà khoa học, bác sĩ tiến hành thực nghiệm kiểm tra thì mới có thể kết luận được” - ông nói.

Theo GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng, hiện tượng người gây cháy chưa thể giải thích được và là bí ẩn cần làm rõ. Về mặt khoa học, các hiện tượng này liên quan đến trường năng lượng sinh học nhưng cũng chưa có kết luận chính xác về khả năng tác động của chúng. Ông Hưng cho rằng gia đình nên mời các nhà chuyên môn và bác sĩ tiến hành quan sát, sử dụng máy móc đo đạc một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến T. Dựa trên các kết quả, số liệu đo đạc được, nếu nhận ra các bất thường thì mới tiếp tục tìm hiểu sâu hơn để làm rõ nguyên nhân.

TS Đoàn Văn Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng Việt Nam, nhìn nhận: “Cần tiến hành thực nghiệm cụ thể mới có kết luận rõ ràng. Về mặt khoa học năng lượng thì hiện chưa có nghiên cứu cụ thể, chính xác, rõ ràng nhất về hiện tượng này, dù trước đây đã có một số báo cáo về các trường hợp tương tự”.

Theo GS-TS Nguyễn Đại Hưng, Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam, nếu gia đình chấp nhận, có thể đưa T. đến văn phòng viện khu vực phía Nam (số 1 Mạc Đĩnh Chi, quận 1 - TPHCM) để được các nhà khoa học tư vấn, hỗ trợ tìm hiểu.

Trong khi đó, nhà cảm xạ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Cảm xạ địa sinh học - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trường hợp của T. là do hệ thống sinh học và hệ tuần hoàn bị kích thích quá mức. Kiểm tra điện từ trường tại nhà T. thì không có sự bất thường nên có thể hệ thống sinh học của hệ tuần hoàn đang bị kích thích quá mức.
Trung tâm đã đưa ra phương pháp tập luyện cho T. để điều chỉnh và cân bằng hệ thống sinh học đó. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trường sẽ tổ chức một đoàn các nhà khoa học đến nhà T. để tìm nguyên nhân và cách giải quyết.

Hiện tượng kỳ lạ

Sáng 14-5, gia đình T. đã trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về hiện tượng lạ lùng của cô bé. Mới đây, sáng 12-5, căn nhà của gia đình họ bỗng dưng phát cháy dữ dội từ tầng 2, thiêu rụi toàn bộ đồ đạc trong phòng của T. Căn phòng bị bốc cháy vài phút sau khi T. vào thay quần áo.

Anh P.Q.V cho biết cách đây hơn một tháng, trong nhà đã bắt đầu xảy ra hiện tượng các ổ cắm điện bỗng dưng phát cháy không rõ nguyên nhân. Ban đầu, gia đình nghĩ là do chập điện nhưng càng ngày, qua quan sát, mọi nghi vấn đổ dồn về phía T. Các ổ điện chỉ cháy khi cô bé ngồi gần đó một lúc. Khi đưa T. đến nhiều nơi khác, các ổ điện cũng gặp tình trạng tương tự. Một số vật dụng điện, chăn mền, quần áo… cũng bốc cháy khi T. ở gần. “Cách đây không lâu, cháu đang ngồi chơi thì vạt áo bỗng nhiên phát cháy” - anh V. nhớ lại.

Anh Đỗ Trọng Kh., họ hàng của T., cho biết gia đình nhiều lần thử bằng cách đưa cô bé đến các nơi khác nhau. “Khi T. sang nhà tôi thì ổ điện cũng bốc cháy. T. đến nhà cậu của cháu thì hiện tượng tương tự cũng xảy ra” - anh Kh. kể. “Gia đình đã đưa T. đến khám tại một số bệnh viện và được các bác sĩ cho làm xét nghiệm máu, đo điện não, CT scanner… nhưng không phát hiện điều gì bất thường. Sức khỏe của cháu vốn rất tốt, học rất giỏi và không có bất kỳ biểu hiện lạ nào” - anh V. cho biết.

Mới đây, T. được gia đình đưa đến Trung tâm Cảm xạ địa sinh học - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng kiểm tra. T. đã được khám và trung tâm phát hiện bé có một số bất thường ở bán cầu phải - nghi ngờ khiến T. có khả năng phát ra trường năng lượng rất mạnh, sinh nhiệt độ cao và làm cháy đồ đạc ở gần. T. được cho đeo một chiếc vòng thạch anh đen để giảm trường năng lượng. Tuy nhiên, sau một thời gian đeo vòng, dù hiện tượng gây cháy đồ vật chấm dứt nhưng T. hay bị mệt, co giật nhẹ nên phải tạm tháo ra.

“Gia đình chúng tôi rất lo lắng cho tình trạng của T. Phòng ngủ của cháu mỗi tối không để đồ đạc gì, T. chỉ nằm trên một chiếc chiếu cói, cha mẹ nằm canh chừng hai bên, để sẵn mấy xô nước và bình chữa lửa xung quanh. Vợ chồng tôi phải xin nghỉ làm không lương một thời gian để lo cho con …” - anh V. lo ngại.

Gia đình đã thông báo tình trạng của T. đến trường tiểu học quốc tế nơi cô bé đang theo học lớp 5. T. vẫn đi học bình thường nhưng trường đã phân công một giáo viên ngồi cạnh bé suốt buổi học để kịp thời xử lý nếu có tình huống bất ngờ. Anh V. cũng đã gửi thư đến nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước để nhờ giúp đỡ.

Khổ sở với năng lực “trời cho”

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, thế giới đã ghi nhận một số trường hợp có khả năng phóng năng lượng gây cháy các đồ vật xung quanh. Năm 1986, một em bé 13 tuổi ở Nga vào căn phòng nào thì đồ đạc ở đó bốc cháy, bóng đèn nổ tung. Năm 1996, một bé trai ở Ý đi đến đâu thì gây tắt đèn điện tới đó.

Năm 1982, cậu bé 10 tuổi Benedetto Supino ở Formia khiến dư luận tại Ý sửng sốt với khả năng có thể khiến đồ vật bốc cháy bằng ánh mắt. Cậu phát hiện hiện tượng không giống ai này từ một lần ngồi đọc sách chăm chú, cuốn truyện tranh trên tay bỗng dưng bốc cháy. Cha mẹ của Benedetto chạy ngược chạy xuôi tìm các chuyên gia giúp đỡ nhưng không ai làm được gì. Cậu bé khổ sở này chỉ ít nhiều hy vọng khi gặp TS Demetrio Croce. Nhà cận tâm lý học này đã giúp Benedetto rèn luyện sự tập trung và kiểm soát khả năng của mình. Hiện nay, Benedetto không còn gây cháy đồ vật nữa nhưng ngọn nguồn khả năng ở cậu vẫn còn là điều bí ẩn.

Một trường hợp tương tự được ghi nhận trên tờ Tin tức Y tế Michigan của Mỹ xuất bản năm 1882: Bác sĩ L. C. Woodman nỗ lực chữa trị khả năng phát cháy đồ vật bằng “hơi thở” của ông A. W. Underwood. Bài báo cho biết ông Underwood có thể khiến giấy và khăn tay bốc cháy trong vài giây. Discovery cũng từng thực hiện chương trình về một người đàn ông ở Anh có khả năng tự gây cháy…

NHÓM PHÓNG VIÊN/Người lao động

Điểm nóng

Nhà giàu "phát điên"... vì quá an nhàn, sung túc

Cơn lốc cá độ tràn qua giới trẻ: Những cuộc đời bị hủy hoại

Cận cảnh vụ hành hung dã man hai nhà báo tại Văn Giang qua ảnh

Giá nước sạch Hà Nội chuẩn bị tăng mạnh

Hai nhà báo bị đánh dã man: "Nơi chúng tôi tác nghiệp không hề bị cấm"

Phát hiện gần 14 tấn thịt thối bao bì Trung Quốc

Giây phút kinh hoàng hai phóng viên bị hành hung ở Văn Giang