Bí ẩn câu chuyện hang đá khổng lồ chôn cả huyện người

28/05/2012 06:52
Hoàng Lâm
(GDVN) - Hàng trăm năm qua, hang Huyện (Võ Nhai, Thái Nguyên) vẫn mang trong mình biết bao điều bí ẩn về một nấm mồ khổng lồ huyền bí.
Nấm mồ khổng lồ giữa núi rừng
Hang Huyện đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn với ngay cả những người dân bản địa. Chính vì sự bí ẩn của hang Huyện, đã có không ít những câu chuyện huyền bí về những oan hồn chưa siêu thoát và những bộ hài cốt đang lẩn khuất đâu đó trong hang được người dân trong khu vực thêu dệt khiến những người mới lần đầu bước chân đến mảnh đất Võ Nhai nếu yếu bóng vía có lẽ không đủ dũng cảm bước nửa bàn chân vào hang Huyện. Nhưng đây lại là một địa điểm hấp dẫn với những người có trí tò mò muốn vào tận nơi khám phá.
Hang Huyện thuộc địa phận thôn Làng Tràng (Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên). Theo một số người dân địa phương, hang Huyện còn có cái tên khá đẹp là hang Thắm. Tuy nhiên, đến nay cái tên hang Thắm còn rất ít người biết tới. Thay vào đó, cái tên hang Huyện được nhiều người dân bản địa sử dụng hơn. 
Đường vào hang Huyện rậm rạp hoang dại
Đường vào hang Huyện rậm rạp hoang dại
Gốc tích cái tên hang Huyện bắt đầu có từ khoảng những 1865 khi quân đội người Tráng (Trung Quốc) hay còn gọi là quân Cờ đen (Hắc Kỳ Quân) di chuyển từ vùng Quảng Tây của Trung Quốc băng qua biên giới vào hoạt động ở miền núi phía Bắc nước ta và dùng kế hiểm hun chết hàng nghìn người của huyện chính tại hang sâu này. 
Sau khi cả huyện người bị hun chết trong chính hang đá khổng lồ thuộc địa phận thôn Làng Tràng, Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên hiện nay, rất ít người còn dám lai vãng vào trong hang vì sợ… ma và sợ oan hồn của những người đã khuất trong hang theo về nhà.
Qua lời kể của một số người cao tuổi sống gần hang Huyện, xưa kia khi còn nhỏ thường được nghe các cụ trong làng kể lại rằng, hang Huyện có nhiều hài cốt nằm trong hang và có nhiều ma lắm. Thi thoảng vào những đêm trăng thanh gió mát, có những tiếng động lạ phát ra từ trong hang cộng với tiếng róc rách của dòng suối nhỏ chảy qua như tiếng khóc than, kêu cứu của rất đông người trong hang khiến những ai cứng bóng vía lắm cũng phải rùng mình khi có việc phải đi qua đoạn đường sát chân núi có hang Huyện. Thậm chí, một số người còn bắt gặp những bóng người chập chờn ở ruộng ngô sát cửa hang sợ mất vía...

KHÁM PHÁ NẤM MỒ ĐÁ KHỔNG LỒ "CHÔN SỐNG CẢ HUYỆN NGƯỜI"
Trải qua năm tháng dâu bể, đời này qua đời khác đã ngót nghét hàng trăm năm, những người dân thôn Làng Tràng (Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên) đã đông đúc hơn nhiều so với xưa kia. Hang Huyện cùng với những câu chuyện huyền bí về cái chết của cả huyện người, nằm bình yên giữa những ngọn núi cao xanh vút cây cối và những bãi ngô rộng ngút ngàn cùng tiếng róc rách ngày đêm của con suối nhỏ chảy qua. 
Tưởng chừng như những điều huyền bí của hang Huyện đã chìm vào quên lãng cho đến khi chúng tôi đặt chân đến. Thực tế, đã có rất nhiều lời khuyên can không nên vào hang ngay từ khi chúng tôi mới nhận được thông tin rất đơn giản từ một người bạn ở Thái Nguyên: “Hang Huyện từng là nấm mồ tập thể của cả một huyện người bị hun chết xa xưa”.

Tuy nhiên, mặc mọi lời khuyên can, chúng tôi vẫn quyết định tìm đường vào hang Huyện bằng được để giải mã những bí ẩn về nấm mồ khổng lồ từ xa xưa giữa núi rừng này.
Đường đi vào hang Huyện trái ngược hoàn toàn so với những suy nghĩ ban đầu của chúng tôi. Đường vào được trải nhựa khá đẹp cách thị trấn Đình Cả, Võ Nhai, Thái Nguyên khoảng 20km. Tuy nhiên, vượt qua quãng đường “sạch, đẹp” ấy là một quãng đường băng suối, đèo lòng vòng phía sau đang chờ đợi…
Theo người địa phương đã từng vào hang Huyện khuyên, chúng tôi cần chuẩn bị những thứ thiết yếu như: Đèn pin, dao quắm, nước uống và dây thừng để đề phòng những trường hợp cần dùng đến.
Lên đến cửa hang, ánh sáng cũng chỉ đủ le lói chút ít
Lên đến cửa hang, ánh sáng cũng chỉ đủ le lói chút ít
Rất may là đến sát chân núi vào hang Huyện, chúng tôi đã nhờ được một người dân địa phương, cũng là người thông thạo địa hình và am hiểu chút ít về hang Huyện dẫn đường đi sâu vào trong hang khám phá.
Nhìn chúng tôi tay xách nách mang hỏi thăm về hang Huyện, một người dân sống ngay chân núi tỏ vẻ ngạc nhiên: “Chẳng ai biết hang đó sâu đến mức nào đâu, cũng không biết trong hang còn xương cốt không nữa vì đã ai khám phá hết hang đâu. Nhiều người già nói trong hang còn nhiều oan hồn lắm. Các anh nên cẩn thận…”
Thấy chúng tôi vẫn quyết tâm vào hang Huyện, người này dặn dò rằng nên sắm một cái lễ nhỏ để làm lễ trong hang trước khi đi khám phá sâu bên trong để đề phòng bất trắc. “Dù sao trước đây cũng có rất nhiều người chết. Có thể linh hồn họ vẫn còn lẩn khuất đâu đó chưa siêu thoát. Mình cứ nên làm cái lễ cho phải đạo.”
Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ để vào hang Huyện– nấm mồ tập thể của cả huyện người năm nào mang đầy màu sắc huyền bí, chúng tôi theo chân anh Học – người dẫn đường của chúng tôi, vượt con suối nhỏ toàn đá cuội trơn tuột để sang bên kia bờ. 

KHÁM PHÁ NẤM MỒ ĐÁ KHỔNG LỒ "CHÔN SỐNG CẢ HUYỆN NGƯỜI"
Con suối chặn hai bờ giữa cánh đồng ngô và hang Huyện ngầu nước đỏ, bãi đã lởm chởm đủ mọi kích cỡ sẵn sàng cứa vào chân bất kì người nào đi chân trần nên chúng tôi phải dò dẫm từng bước một. Nghe người dân địa phương nói thì con suối này nước không bao giờ trong vắt được bởi ở thượng nguồn họ đãi vàng nên nước lúc nào cũng lờ lờ ngầu đỏ như vậy. 
Chúng tôi vào hang Huyện lúc giữa trưa, cả thung lũng nóng rực như lòng chảo lửa, mặc nắng nóng, chúng tôi vẫn tiếp tục băng qua một rừng cây cỏ dại rậm rạp cao ngang ngực người với đủ thứ dây gai nếu đi không khéo sẽ bị cứa rách da, rách thịt như chơi. Đến lúc này, dao quắm đã chuẩn bị trước phát huy tác dụng. Con đường vào cửa hang Huyện chẳng mấy chốc đã lồ lộ phía trước mắt.
Theo hướng tay chỉ của người dẫn đường báo sắp đến nơi, từ dưới rừng cây ngước mắt nhìn lên là những vách núi dựng đứng mọc rêu và cây cối phủ kín, nham nhở, cửa hang hiện ra bé xíu là một hốc đen xì giữa núi rừng. Nhìn xa xa, tựa giống hốc mắt của một chiếc sọ người khổng lồ nằm giấu mình giữa những quả núi khổng lồ.
Trái ngược hoàn toàn với cái nóng gắt bên ngoài, khi chúng tôi đặt được những bước chân đầu tiên vào cửa hang là một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Cái lạnh không phải vì sợ hãi mà là luồng khí lạnh từ trong hang Huyện thổi ra như hơi thở khò khè của một con vật khổng lồ đang nằm im trong một hốc nào đó chuẩn bị vồ chúng tôi bất kì lúc nào. Thêm vào đó là tiếng chí chóe cắn nhau của lũ dơi trên nóc hang Huyện càng làm chúng tôi thêm phần “lạnh” hơn dù cho người dẫn đường đã trấn an. 
Những oan hồn chưa được siêu thoát
Sau khi làm lễ xin phép “chủ hang” trước khi vào sâu hơn để khám phá, người hoa tiêu của chúng tôi vừa nói vừa dọi chiếc đèn pin sáng rực vào hai bên vách hang và trên nóc hang Huyện. Qua ánh đèn sáng quắc của đèn pin cỡ lớn, lũ dơi bám đu bám đen kịt bay vù vù trốn vào sâu bên trong tạo nên một thứ âm thanh quái đản ầm ầm trong hang. 
Thấy chúng tôi có vẻ hơi chùn chân từ lúc bước chân vào hang, người dẫn đường vừa trấn an vừa giải thích: “Ở đây hang rất sâu và tối. Hàng trăm năm nay lũ dơi đã sống ở đây rất nhiều. Ngày trước, thi thoảng có người dân trong làng còn dám vào hang lấy phân dơi về bón ngô, có người lấy cả xe cải tiến bán cho người ta làm thuốc súng. Đến mùa sinh sản, nghe nói phân dơi có khi ngập đến tận đầu gối người”. 
Với sự chỉ dẫn của người dẫn đường tên Học, chúng tôi tiếp tục dò dẫm đi vào sâu hơn. Sỡ dĩ phải dò dẫm vì đất dưới nền hang khá ẩm và nhiều đá hộc nên chỉ cần sơ sảy là bị trượt chân ngay. 
Khác hẳn so với ánh sáng của thung lũng bên ngoài, chỉ bước vào cửa hang Huyện chừng 10 mét tất cả bắt đầu tối thui như đang bước chân vào địa ngục. Một màu đen đặc quánh, chiếc đèn pin của chúng tôi chỉ soi với tầm xa hơn 1 mét là nhìn rõ. 
Rất nhiều hốc đá sâu hoắm tuột xuống dưới rất sâu
Rất nhiều hốc đá sâu hoắm tuột xuống dưới rất sâu
Lúc này, tôi bỗng nhớ đến những lời của cụ Chu Thị May, 80 tuổi (thôn Làng Tràng): “Tôi chỉ biết trước đây các cụ kể lại khi đánh giặc quân Cờ đen, cả huyện này đã bị chết ở trong hang do địch hun khói. Lúc còn trẻ tôi vẫn còn thấy rất nhiều xương người, đầu lâu và tóc. Thử hỏi làm sao mà không có ma được, hàng nghìn người chết tươi như thế làm sao đã siêu thoát được…”
Liên tưởng từ những câu chuyện của cụ May cộng tiếng tiếng chí chóe của lũ dơi vang vọng lúc xa lúc gần khắp hang tạo thành những tiếng động lạ kết hợp với tiếng gió, hơi lạnh trong hang tạo cho hang Huyện một sự kỳ bí đến rợn người như ở nơi cửa của địa ngục…

KHÁM PHÁ NẤM MỒ ĐÁ KHỔNG LỒ "CHÔN SỐNG CẢ HUYỆN NGƯỜI"
Mò mẫm trong ánh đèn pin le lói trong bóng tối mịt mùng của hang Huyện, chúng tôi không dám đi tách rời nhau vì sợ lọt xuống một cái hố nào đó. Theo người dẫn đường thì trong hang Huyện có nhiều ngõ ngách và các hố sâu nên đi phải cẩn thận. Mặc dù không phải yếu bóng vía nhưng thi thoảng chúng tôi lại giật mình thon thót vì những hình thù kỳ quái từ dưới chân lên tận vách hang. Có những chỗ nhũ và hốc đá tạo thành hình mặt người như đang đau đớn quằn quại. Có chỗ lại như hình người đang nằm vật vã đau đến tột cùng năm nào khi bị hun chết…
“Ngày chúng tôi còn nhỏ, nghe ông bà kể lại đây là hang mà hàng nghìn người chết ngạt cũng sợ lắm. Nhưng sau đó vì cuộc sống phải vào mót phân dơi nên dần dà chúng tôi cũng quen và đỡ sợ hơn chứ trước thì tuyệt nhiên không ai vào”- Anh Học chỉ vào những dấu tích nói.
Những hố lớn được cho từng là trú ẩn và cũng là nơi chứa hài cốt của hàng ngàn người năm nưa
Những hố lớn được cho từng là trú ẩn và cũng là nơi chứa hài cốt của hàng ngàn người năm nưa
Tưởng chừng sẽ được khám phá được hết hang Huyện nhưng mới đi được khoảng nửa km trong hang Huyện, anh Học bất ngờ bảo chúng tôi nên trở lại. Lúc này trước mặt chúng tôi là một cái hố sâu hoắm như cái miệng lớn sẵn sàng nuốt tất cả dọi đèn pin không thấy đáy ở đâu.
Chúng tôi đưa câu hỏi có thể đi đường khác với người dẫn đường nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu bởi chính “thổ địa” như anh cũng chưa từng dám vào sâu tận cùng của hang. 
Những hốc đá nham nhở trong lòng hang Huyện
Những hốc đá nham nhở trong lòng hang Huyện
“Chúng ta nên dừng ở đây thôi. Đi nữa xuống rất nguy hiểm. Tôi cũng chưa vào đó bao giờ. Nghe các cụ nói trong hang có nhiều oan hồn đã ngủ yên hàng trăm năm rồi. Các anh không nên đánh thức họ dậy”, người dẫn đường tỏ vẻ hơi hoảng hốt nói với chúng tôi.

Trước sự cảnh báo của người dẫn đường và hơn nữa những dụng cụ hỗ trợ chưa đủ tốt để đi thêm nhưng với sự tò mò thôi thúc, chúng tôi vẫn quyết định thuyết phục bằng được người dẫn đường đưa đi thêm vào những ngóc ngách khác trong hang với mục đích tìm câu trả lời về hàng ngàn bộ hài cốt năm nào đã tan thành tro bụi dưới chân chúng tôi hay đang nằm lẩn khuất ở hốc đá nào đó trong hang Huyện???
Kỳ 2  – Giải mã bí ẩn của hang Huyện
Hoàng Lâm