Bí ẩn từ một ngôi chùa

05/07/2014 06:36
TRIỆU MỸ NGỌC
(GDVN) - Không khó lắm để chúng tôi tìm được chùa “sen nia” bởi ngôi chùa này khá nổi tiếng với nhiều du khách gần xa lẫn các nhà khoa học đến tham quan, khám phá.

Gọi là chùa “sen nia” hay “sen vua” bởi chùa Phước Kiển (xã Hòa Tân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) hiện đang tồn tại một loại sen lá có hình dáng như những chiếc nia khổng lồ, vào mùa nước nổi đường kính lên đến 4 mét cỏ tải trọng xấp xỉ 70 kg. 

Nhiều người còn nghi ngại về khả năng kỳ lạ của lá sen và cho rằng đã có một lực nằm dưới mặt nước nhưng khi tận mắt chứng kiến khả năng trên thì bao sự thắc mắc hoàn toàn được giải thích khá căn cơ. Sở dĩ có được lực tải như vậy là do bên dưới lá sen có rất nhiều gai nhọn và chi chít những sớ và rễ sen có hình những chiếc phao kết dính nhau tạo lực nổi rất lớn và khá vững chắc.

Hòa thượng Thích Huệ Từ trụ trì chùa đã 52 năm kể lại “… Đến nay có nhiều giả thuyết về nguồn gốc loại sen kỳ lạ này nhưng tựu trung đều khẳng định chúng có xuất xứ từ Nam Mỹ, ở đó cư dân dùng lá sen để vận chuyển lương thực nhẹ dễ dàng trên mặt nước…”.

Lá sen nia.
Lá sen nia.

Hòa thượng kể thêm rằng: Chùa Phước Kiển được xây dựng vào năm 1847, qua nhiều biến động của thời gian chùa xuống cấp khá nhiều, đến năm 1962 chùa mới được trùng tu. Qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi nuôi cán bộ cách mạng, tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng. Đặc biệt hơn cả, đây là là nơi được tỉnh đội Đồng Tháp dùng làm điểm sản xuất súng đạn phục vụ chiến trường miền Nam. 

Trong giai đoạn đó, người dân địa phương dưới hình thức đi cúng chùa nhưng thực chất mang lương thực để tiếp tế cho quân giải phóng tại đây. Chúng tôi rất xúc động khi đứng trước bài vị của 34 chiến sỹ cách mạng cùng các nhà sư yêu nước đã hy sinh tại chính ngôi chùa  này. 

Điều khá trùng hợp và lạ lùng là hai hố bom Mỹ bỏ xuống hủy diệt chùa năm xưa chính là nơi sinh ra loại sen kỳ diệu rất lạ thường đang là ẩn số bí ẩn đang được khám phá, giải thích.

Chùa “sen nía”.
Chùa “sen nía”.

Hòa thượng trụ trì cho biết: Chùa phát hiện sen lạ bắt đầu từ năm 1992, đến năm 1998 do nguồn nước cạn kiệt, sen tưởng chừng bị tiệt chủng, nhưng không hiểu sao khi mùa nước nổi sen lại tràn về phát triển tươi tốt hơn bao giờ hết. Điều kỳ lạ thứ hai là hoe sen rất to, nở nhiều lần trong ngày và biến đổi màu sắc đẹp khác nhau. Cụ thể, đúng 18 giờ những bông sen trắng bung nở mùi thơm ngào ngạt. 6 giờ sáng thì nở hoàn toàn, đúng 12 giờ trưa hoa khép lại và chuyển màu hồng. Đến 16 giờ sen nở lần hai và có màu tím nhạt. 

Nhiều người dân xung quanh tranh thủ mang trà đến cạnh hoa sen lúc nở để hút lấy mùi thơm dịu. Hoa sen nở ba ngày rồi tàn. Hạt sen được gieo mầm khoảng 4 đến 6 tháng sẽ tiếp tục ra hoa.

Chi Triệu Mỹ Ngọc, du khách đến từ TP. Cần Thơ cho biết: “… Đến thăm chùa, mới thấy hết sự mất mát hy sinh của những chiến sĩ cách mạng cùng các nhà sư. Bên cạnh đó, tôi còn biết được sự kỳ diệu của một loại thực vật rất hấp dẫn cùng nhiều câu chuyện độc đáo khác.

Những câu chuyện bí ẩn xoay quanh loài sen nia đến ngày nay vẫn là một dấu hỏi lớn với người nghe. Trước đây, nhiều nhà khoa học đã thử nghiệm mang sen nia này kèm theo nước, bùn, đất để trồng tại các địa phương khác, trong đó có khu di tích thân sinh Bác Hồ là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp và khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng tại An Giang nhưng sen không sống được. 

Ba con rùa quý của chùa đang còn sống.
Ba con rùa quý của chùa đang còn sống.

Câu chuyện tiếp theo là chuyện “Ông Quy” (con rùa) về chùa ở với thầy trụ trì từ năm 1948. Tới năm 1968, binh biến xảy ra chùa sơ tán khẩn cấp, ông quy cũng  bò ra đường tránh bom đạn. Không may, một người dân gần đấy bắt được ông quy. Năm 1970, chùa được dựng lại. Không hiểu vì sao mà ông quy có thể tự thoát, tìm đường về chùa. Khi gần đến chùa, ông quy lại bị bắt lần nữa, thầy trụ trì thấy vậy phải bỏ ra 1.500 đồng để chuộc ông quy về. Thế rồi ông quy ở hẳn trong chùa từ đó. 

Câu chuyện thứ ba là chuyện con hạc nghe tiếng người: Con hạc được một người dân gần đấy bán cho thầy trụ trì với giá 3,1 triệu đồng. Khi cắt dây phóng sinh hạc chẳng đi đâu mà chỉ sống quấn quýt trong chùa. Hạc rất hiểu tiếng người làm, nhiều động tác rất tinh khôn như: bay, vỗ cánh, che sương. Đặc biệt, ban đêm hạc đứng trên lưng quy nghe thầy tụng kinh. 

Năm 1992, hạc bay đi biệt tích, sau đó ông quy cũng mất. Thầy trụ trì tiếc cả hai con vật thông minh, bèn ướp xác quy, đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa. Trên mai quy còn khắc năm vào chùa và ngày mất: 1948 – 29/7/2002. Hiện chùa còn nuôi dưỡng 3 con rùa khác có tuổi thọ khá cao, một con rùa 46 tuổi, một con 80 tuổi và con rùa còn lại đã 96 tuổi.

Dù đã có nhiều bài viết về ngôi chùa sen nia này nhưng khi chúng tôi đến thăm lòng vẫn còn canh cánh nỗi lo. Đặc biệt là việc ốc bươu vàng đang cắn phá rất nhiều vào những cây sen nia sống trong hồ. Nếu sự việc này còn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ tận diệt loài sen nia là rất gần.
Hòa thượng Thích Huệ Từ nói: “… Sen quý này là một loài thực vật quý của đất nước, rất mong nhiều nhà khoa học và các ngành hữu quan sớm có biện pháp bảo tồn và phát triển…”

TRIỆU MỸ NGỌC