Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã sinh con trong khi tạm giam

06/01/2014 10:05
Hồng Anh (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Huỳnh Thị Huyền Như khai bị cáo bị bắt giam ngày 30-9-2011 và trong thời gian tạm giam này đã sinh con tên là Trương Xuân Mai (sinh tháng 1-2012).

Ngày 6/1, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM khai mạc phiên tòa xét xử vụ "đại án" lừa đảo 5.000 tỉ do Huỳnh Thị Huyền Như chủ mưu. 

Theo thông tin trên tờ Thanh niên, do được đánh giá là một vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, bởi vậy, Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm có năm thành viên. Phiên tòa do chánh tòa hình sự, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu làm chủ tọa. Ngoài chủ tọa còn có thẩm phán Lê Văn Ban và ba hội thẩm nhân dân. 

Do phiên tòa kéo dài gần 20 ngày nên Hội đồng xét xử cũng chuẩn bị một hội thẩm dự khuyết trong trường hợp cần thiết để tránh không ảnh hưởng, gián đoạn việc xét xử.

Thừa ủy quyền của Viện KSND Tối cao, Viện KSND TP.HCM cũng cử ba kiểm sát viên (trong đó có một kiểm sát viên dự khuyết) giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Thôn tin trên tờ Tuổi trẻ cho biết, từ 7g sáng 6/1, hàng trăm người đã có mặt tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như.

8g 20 phút, HĐXX tuyên bố khai mạc phiên tòa.

Chủ tọa phiên tòa đang tiến hành kiểm tra nhân thân các bị cáo. Huỳnh Thị Huyền Như khai bị cáo bị bắt giam ngày 30-9-2011 và trong thời gian tạm giam này đã sinh con tên là Trương Xuân Mai (sinh tháng 1-2012) nhưng chưa được làm giấy khai sinh bởi cháu bé được sinh trong thời gian bị tạm giam.

Đồng thời, bị cáo Như cũng chưa đăng ký kết hôn với chồng.

Trước đó, từ 7g sáng 6-1, rất đông phóng viên và những người liên quan, bị hại, nguyên đơn dân sự, các bị cáo tại ngoại đã có mặt tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như - Ảnh: Quang Định
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như - Ảnh: Quang Định
Thông tin từ HĐXX, bởi đây là vụ án lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lớn, phức tạp, liên quan đến rất nhiều người nên số người tham gia tố tụng rất đông. 

Theo đó, ngoài 23 bị cáo bị đưa ra xét xử thì còn có 15 đơn vị cá nhân là nguyên đơn dân sự và bị hại, 79 cá nhân, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 47 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo (riêng bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như có đến 3 luật sư bào chữa); bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Chưa kể đến lực lượng hàng chục bảo vệ và cảnh sát tư pháp đảm bảo trật tự tại phiên tòa.

Vụ án gồm 23 bị cáo bị xét xử với sáu tội danh (16 bị cáo được tại ngoại). Trong đó Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank), Võ Anh Tuấn (41 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank) và bốn bị cáo khác bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Huỳnh Thị Huyền Như còn bị xử thêm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Bị cáo Phạm Anh Tuấn (36 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương) tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Huỳnh Thị Việt Yên (40 tuổi, nguyên trưởng phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Hồ Hải Sỹ (30 tuổi, phó phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Lê Thị Ngọc Lợi (27 tuổi, nhân viên phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè) tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên phòng giao dịch chi nhánh của VietinBank bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra còn một số bị cáo bị truy tố với tội danh cho vay nặng lãi.

Phiên tòa đang tiếp tục.

Theo bản cáo trạng, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, để có tiền trả nợ vay lãi cao, Huyền Như thuê người làm giả 8 con dấu của các công ty và giả chữ ký, làm giả các giấy tờ, hợp đồng để chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân hơn 4.911 tỉ đồng.
Sau đó, Như dùng tiền của người sau trả cho người vay trước đó. Đến ngày vụ án bị phát hiện, Như còn chiếm đoạt hơn 3.986 tỉ đồng. Sau khi vụ án bị khởi tố, cơ quan điều tra đã thu hồi được hơn 624 tỉ đồng, 156.610 EUR, 4.629 USD, 920 SGD, 400 HKD.
Hồng Anh (TỔNG HỢP)