Bi kịch từ một vụ tạm giam

06/05/2015 06:08
THEO TẤM GƯƠNG
(GDVN) - “Nếu Trang vẫn bị giam giữ, tôi sẽ kết thúc cuộc sống của mình bằng biện pháp tuyệt thực”, Byron - người đàn ông ngoại quốc 61 tuổi buồn bã nói.

Ông tên là Byron Scott Mc Laughlin, sinh năm 1954, hiện là Tổng giám đốc Cty cổ phần chế biến và đóng gói thủy hải sản (USPC), trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng An 2 tỉnh Bình Dương. Ông đến nhờ PV tìm hiểu vụ việc khiếu nại về tranh chấp thương mại giữa Cty USPC của vợ chồng ông và Cty Cá ngừ Bình Định từ cuối năm 2012.

Vụ tranh chấp này đã khiến người cộng sự và bạn đời của ông bị bắt tạm giam từ nhiều tháng qua. Ba nhà máy của vợ chồng ông với 700 công nhân buộc phải đóng cửa.

Có mặt tại trụ sở báo Tiền Phong, được PV lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với câu chuyện liên quan tình nghĩa vợ chồng, ông Byron mắt ngấn lệ khi nói về vợ mình. Từ khi bà Minh Trang bị tạm giam, ông chưa hề được gặp vợ.

Ông Byron đến tòa soạn làm việc với phóng viên
Ông Byron đến tòa soạn làm việc với phóng viên

Ông thương nhớ Trang vô cùng! Lòng ông như lửa đốt vì không thể biết “người đầu gối tay ấp” (chữ của Byron) đang sống thế nào! Ông nói về tình cảnh này, nói về việc bao lâu không được gặp vợ với tất cả cảm xúc dâng trào xen lẫn sự bất lực.

Ông cứ nhìn sâu vào mắt phóng viên, tự đặt câu hỏi, rồi im lặng một lúc… như có cái gì nghẹn lại. Ông cho rằng, vợ mình là người cương trực, nóng nảy nhưng lại được công nhân yêu quý vì tốt bụng. Thế rồi, một ngày tháng 11/2014, khi đang làm việc ở nhà máy thì bà Minh Trang bị bắt.

Ông Byron cho rằng, vụ việc được Công an Bình Dương điều tra từ năm 2012 nhưng theo chiều hướng rất khó hiểu. Ông nói: Mặc dù Cty USPC của vợ chồng ông không hề ký hợp đồng gia công nào với Cty XNK Vĩnh Sâm, nhưng bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Giám đốc Cty này và cũng là vợ của Giám đốc Cty Cá Ngừ Bình Định lại là người tố cáo bà Minh Trang "lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Việc tố cáo này đã dẫn tới bà Trang bị bắt tạm giam cho đến ngày hôm nay và cộng thêm tội danh trốn thuế.

Ông Byron nhấn mạnh: Một điều khó hiểu nữa là, bà Sâm và Công ty Cá Ngừ Bình Định cho đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ cơ bản của một nhà cung cấp theo pháp luật Việt Nam, đó là xuất hóa đơn hợp pháp cho lô hàng để thu tiền.

Là một nhà đầu tư nước ngoài, đến giờ ông cũng không thể lý giải được lý do tại sao cơ quan điều tra vẫn cho đây là một vụ chiếm đoạt tài sản, dù về bản chất vụ việc này vẫn chưa đủ yếu tố để được xem là tranh chấp thương mại. Không hiểu vì sao lại cho phép một công ty thay vì giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp thông qua thương lượng, mà chỉ trong vòng 15 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp đã tố cáo để cơ quan điều tra hình sự vào cuộc.

​Ông đã làm đủ mọi cách để có thể giải quyết tranh chấp này một cách tốt đẹp để Minh Trang có thể được tại ngoại. Ông tâm sự: Nếu không có Minh Trang, một ông già ngoại quốc "lưu lạc xứ người" như ông đã không thể gây dựng sản nghiệp nhiều triệu đô la, tạo công ăn việc làm cho nhiều ngàn công nhân trong suốt 17 năm qua. Vậy mà, bỗng chốc tất cả đã tan biến.

“Nếu Trang vẫn bị giam giữ, tôi sẽ kết thúc cuộc sống của mình bằng biện pháp tuyệt thực”, Byron - người đàn ông 61 tuổi buồn bã nói. Kết thúc câu chuyện với phóng viên, ông Byron vẫn đặt câu hỏi: “Sao không bắt tôi mà bắt Trang? Tôi là Tổng giám đốc, tôi là người duy nhất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật? Sao phải bắt Trang? Vì sao không cho Trang tại ngoại?”.

PV Tiền Phong đã trao đổi với UBND tỉnh, CA tỉnh Bình Dương và được xác nhận sự việc như ông Byron trình bày, nhưng thông tin vẫn chưa được tiết lộ vì “vụ án đang trong quá trình điều tra”.​

THEO TẤM GƯƠNG