Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Bí kíp của các "con ma đề": Ra số "độc đắc" khi thấy lợn kêu, con bú

13/09/2012 14:23
Nguyễn Minh
(GDVN) - Với tựa đề “Khám phá bí ẩn những điềm chiêm bao” của tác giả Sấm Giang, quyển sách được in lậu này đang là “bí kíp gối đầu” của dân chơi lô đề.
1001 cách “bàn đề” từ giấc mơ

Theo lời giới thiệu của tác giả, quyển sách 172 trang này được dịch từ nguyên tác của Michael Halbert, một học giả phương Tây. Ở chương 1 (15 trang) tác giả dành riêng giải thích vấn đề “mộng - mị” mà mới nhìn qua ai cũng biết nó được “lượm lặt” trên mạng internet. Từ chương thứ 2 trở đi, tác giả đi vào chi tiết từng giấc mơ.

Từ những giấc mơ đó, tác giả cụ thể hóa bằng những con số cụ thể để phục vụ cho những “con ma đề”. Để cho độc giả dễ hiểu hơn, tác giả Sấm Giang còn cẩn thận chia những thứ có trong giấc mơ theo thứ tự A-B-C…Chẳng hạn, phần chữ A, tác giả có từ ăn, âm nhạc, ảnh, áo, áp lực và cuối cùng là ẩu đả. Cuối mỗi phần “giải mã giấc mơ”, tác giả không quên kèm theo câu “số hạp của …là số…). Ví dụ như nằm chiêm bao thấy con báo, sau phần “giải mã”, tác giả “phán”:  “số hạp của báo là số 67.

Quyển sách này là "bí kíp" của dân nghiện lô đề. Ảnh Nguyễn Minh
Quyển sách này là "bí kíp" của dân nghiện lô đề. Ảnh Nguyễn Minh
Trở lại với cách giải thích của tác giả, có rất nhiều phần mà khi đọc lướt qua, nhiều người đã không nhịn được cười vì sự “nhảm nhí” của người viết. Ở từ “bú”, tác giả viết như sau: Chiêm bao thấy cho con nít bú là điềm phát đạt, sắp sửa có bất ngờ. Thấy cho đàn ông bú, hay người khác phái bú là có người để ý đến mình, sẽ tính chuyện trăm năm đến mình. 

Thấy con nít đang bú là công việc làm ăn sắp bị ngưng trệ (số hạp là 60).

Sách đầy lỗi chính tả. Ảnh Nguyễn Minh
Sách đầy lỗi chính tả. Ảnh Nguyễn Minh
Thậm chí nằm mơ nghe tiếng heo kêu trầm, kêu bổng… tác giả cũng mang ra bàn và cho số “ngon ơ”. Về việc này, ở trang 59, tác giả giải thích như sau: khi nghe heo kêu “éc”, gặp điềm gỡ, có tang khó trong nhà (số hạp là 261), khi nghe tiếng “ẹc” là có của bất ngờ, nhưng đến chậm, số hạp là 262…

Có một điều dễ nhận thấy là tác giả rất cẩu thả trong việc viết và biên tập quyển sách này. Nhiều giải câu giải thích rất lủng củng và tối nghĩa. Ví dụ ở phần giải thích “giấc mơ chồng giấc mơ”, Sấm Giang giải thích như sau: Chiêm bao thấy mình nằm mơ là điềm bị phản ứng trong việc trù tính của mình. Nếu công việc đang trù tính là việc phải thì có kẻ chủ mưu gây trở ngại, nhưng không làm gì được mình. Nhưng nếu công việc trù tính là quấy thì tốt hơn nên chấm dứt vì sẽ có hại, có thể bị bại lộ đưa đến tù tội (số hạp 53).

“Mạt rệp” vì tin…"sách đề"

Tuy nhảm nhí song với nhiều người, đặc biệt là những người “nghiện” số đề lại “tin tưởng tuyệt” đối vào những gì mà ông (bà) Sấm Giang đã viết. Bà Thoa, chủ nhân của quyển sách mà tôi đã xem cho biết, bà mua quyển sách này cách đây hơn một năm từ những người bán dạo. Theo bà, từ ngày có quyển sách công việc “đề đóm” của bà rất phát đạt.

Quyển sách này bà “quí như vàng”, chỉ có những người thân tín bà mới cho mượn xem qua. Hôm gặp tôi, bà Thoa cho biết chiều nay bà sẽ “ăn chắc” con 49, nguyên do được bà giải thích “cái rụp” không cần phải xem sách. Bà tự tin: “Quyển sách này tui đã thuộc nằm lòng rồi nên đâu cần phải xem làm gì. Đêm qua tui nằm mơ thấy tay chân tôi tự nhiên có ghẻ mủ chảy lên láng. Chiều nay ra con 49 là cái chắc…”. Mặc dù rất tin vào sách, song rất nhiều lần bà Thoa cũng đã ôm hận vì “bàn chưa tới”. Đó là lý do vì sao mà hơn năm nay, tính từ lúc có sách bà vẫn ngày ngày đi bán…vé số.

Chuyện "phóng uế" cũng được tác giả đem ra bàn đề. Ảnh Nguyễn Minh
Chuyện "phóng uế" cũng được tác giả đem ra bàn đề. Ảnh Nguyễn Minh
Còn anh Hậu, một người hàng xóm của bà Thoa cho biết, hôm rồi anh nằm mơ thấy nhà có nhiều kiến. Đem chuyện này kể với bà Thoa chơi, không ngờ bà phán, trong sách cũng có “kiến luôn”. Nói rồi bà cam đoan chiều nay anh Hậu sẽ ăn chắc con 367. Tin lời bà hàng xóm, anh Hậu vét hết mấy trăm ngàn đồng chuẩn bị đóng tiền điện “lao theo” con kiến 367. Giờ sổ xố qua, anh Hậu phải chạy qua người hàng xóm khác mượn tiền đóng cho điện lực.

Bìa sách được làm từ tờ lịch cũ. Ảnh: Nguyễn Minh
Bìa sách được làm từ tờ lịch cũ. Ảnh: Nguyễn Minh
Không những người lớn, nhiều cô cậu học sinh cũng vì cái quyển sách này mà học hành sa sút, sinh tật trộm vặt. Chị hai Bé có một cậu con 14 tuổi kể: “ Hôm rồi, thằng con tui mang về một quyển sách tương tự như thế. Hỏi ra thì được biết, nó mua từ 1 người bán sách dạo trên xe buýt. Điều đáng nói là từ ngày mua được “bảo bối”, mặt mày thằng con tôi ngày càng trắng bệch ra, tiền trong nhà thỉ thoảng cũng “không cánh mà bay””. Sau nhiều lần tra hỏi, cuối cùng cu cậu này thú nhận sở dĩ mặt mày cậu trắng là do thức khuya để chờ…mơ. Tiền “bay” là do những con số…sách cho. Và đó chính là báo động mà quyển sách mơ hồ, không rõ nguồn gốc này đang mang lại cho những người máu me đề đóm.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Nguyễn Minh