Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Tín nhiệm thấp không cách nào “chạy” được"

09/04/2013 08:02
Thành Nam (Ghi)/ANTĐ
Ngày 8-4, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí sau một năm TP Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
- Thưa đồng chí Phạm Quang  Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Hà Nội đi trước các địa phương trong việc lấy phiếu tín nhiệm, đây là điểm nhấn quan trọng trong việc TP thực hiện Nghị quyết Trung ương 4?
"Kết quả lấy phiếu vừa rồi dư luận đánh giá là khách quan. Ai làm tốt được đánh giá cao và ngược lại" Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
"Kết quả lấy phiếu vừa rồi dư luận đánh giá là khách quan. Ai làm tốt được đánh giá cao và ngược lại" Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
- Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Hà Nội luôn cố gắng ở mức cao nhất có thể và đã tạo được chuyển biến tích cực trên một số mặt. Qua kiểm điểm, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo, khắc phục ngay một số hạn chế, khuyết  điểm. Có thể nói, TP đã triển khai nghiêm túc, bài bản, sáng tạo. Đơn cử việc Hà Nội chủ động làm trước việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của TP và lãnh đạo 7 sở, ngành quan trọng, nhạy cảm, là nơi tiếp xúc với quần chúng, doanh nghiệp. Những công việc như vậy một mặt động viên các nhân tố tích cực, đồng thời, nhắc nhở, cảnh báo với những người yếu kém, có khuyết điểm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để lãnh đạo TP đánh giá chất lượng đội ngũ nói chung và đánh giá từng người nói riêng. - Có ý kiến cho rằng, Hà Nội đã làm rất tốt nhưng còn chưa đáp ứng được kỳ vọng? - Dư luận muốn chúng ta phải làm tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa. Những mong muốn đó đã được đáp ứng một phần chứ không phải chưa chuyển biến gì. Nhìn lại 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, những mặt được rất rõ dù tôi cũng hiểu chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thỏa mãn mong muốn của dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân. TP Hà Nội xác định đây là việc lớn, việc khó, phải làm kiên trì, liên tục, đồng bộ. Lâu nay chúng ta nói đây là vấn đề quan trọng nhưng đây còn là việc rất khó. Tự phê bình, tự kiểm điểm, tự sửa đều rất khó, đòi hỏi phải rất tự giác, tự nguyện, vì cái chung, vì dân, vì Đảng mới dám quyết tâm làm. - TP sẽ xử lý như thế nào trước những hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt đối với cán bộ để xảy ra sai phạm? - Những ai vi phạm đều phải xử lý thật nghiêm minh. TP không loại trừ bất kỳ trường hợp nào. Thời gian qua, một trong những chuyển biến rõ nét nhất mà những người trong bộ máy thấy được là tình trạng chạy chức, chạy quyền đã giảm rõ rệt. Việc lấy phiếu tín nhiệm tới đây sẽ làm hàng năm. Việc này “chạy” sao được. Làm sao anh đi xin phiếu được tất cả mọi người. Tập thể đánh giá sẽ khách quan hơn. Kết quả lấy phiếu vừa rồi dư luận đánh giá là khách quan. Ai làm tốt được đánh giá cao và ngược lại. Người bị đánh giá thấp rồi chạy khó lắm. Lãnh đạo nào dám bổ nhiệm người có tín nhiệm thấp? Tại sao lại để người tín nhiệm thấp làm lãnh đạo? Đây là những biện pháp rất dân chủ, có tính giám sát cao.- TP sẽ dùng những giải pháp mạnh mẽ hơn trong xử lý vi phạm của đội ngũ cán bộ? - Vừa rồi, do liên quan tới vi phạm trật tự xây dựng, nhiều cán bộ thanh tra xây dựng và chính quyền các cấp bị xử lý kỷ luật, như ở quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Sở Xây dựng và một số huyện, nơi để xảy ra sai phạm. Nói chung TP xử lý kỷ luật khá nhiều. Hình thức cao nhất có người hạ chức, thôi chức, rồi cảnh cáo, khiển trách. - Điều tra xã hội mới nhất cho thấy, lãnh đạo sở, ngành thiếu quyết liệt trong công tác. Ý kiến của Bí thư Thành ủy? - Nói cho công bằng là có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thứ nhất, quy mô khối lượng công việc của Hà Nội lớn hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Hà Nội 1 năm thu ngân sách 146 nghìn tỷ đồng, quản lý hơn 90.000 DN, lớn hơn vài chục lần so với một số địa phương. Cơ chế, chính sách của ta vừa nhiều, chồng chéo, lại hay thay đổi nên cán bộ còn lúng túng trong thực thi công vụ. Nếu không dám chịu trách nhiệm, không dám ghé vai gánh vác với doanh nghiệp, người dân, cứ phải chờ làm đúng, chờ hướng dẫn, chờ khớp nối, đồng thuận mọi cơ quan thì sẽ dẫn đến chậm. Khi bị chậm như thế, doanh nghiệp muốn cho nhanh lại tìm cách “bôi trơn”. Có 10 người tham gia 1 dự án thì chỉ có 1 người thắng thầu thôi. Thế nên, 9 doanh nghiệp “bôi không trơn” sẽ phẫn nộ. Tiếp đó, chính sách phân phối, đãi ngộ cũng chưa cân đối giữa người làm nhiều, làm tốt với người chất lượng thấp. Không những chỉ bình quân, cào bằng mà còn ngược nhau. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan, không thể né tránh được là ý thức, tinh thần, trách nhiệm, tiêu cực, nhũng nhiễu. Vấn đề giờ phải sửa đồng bộ chứ không thể duy ý chí. Đương nhiên, cá nhân nào, tập thể nào vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý trước.- Sau khi có kết quả điều tra xã hội học về cải cách hành chính, TP sẽ triển khai khâu tiếp theo như thế nào? - Sắp tới, TP sẽ có cuộc họp chuyên đề về việc này. Tất nhiên, TP cần nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục, từ cơ chế, chính sách, tiền lương, thu nhập, đãi ngộ... cho công bằng, khuyến khích được gương tốt và đi đôi với chuyện xử lý nghiêm người sai. Như thế, người tốt sẽ tốt hơn nữa và người sai không dám làm sai nữa.
Cầu thị, sát thực tiễn

Trong thực Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhờ tăng cường kiểm điểm, tập trung chỉ đạo đã góp phần khắc phục nhanh một số hạn chế, khuyết điểm. Hà Nội đã kiên quyết xử lý những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị, thu hồi một số dự án chậm triển khai.

Thành phố triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kiềm chế ùn tắc giao thông; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới và tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm 20 chức danh chủ chốt của thành phố và lãnh đạo một số sở, ban, ngành... Tuy nhiên, trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. 

Đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị hội nghị cần tập trung phân tích, làm rõ hơn những mặt làm được, những mặt còn hạn chế, tồn tại với tinh thần cầu thị. Sau hội nghị các cấp uỷ Đảng cần chấn chỉnh một cách nghiêm túc và kịp thời khắc phục những thiếu sót, chậm sửa chữa và đề ra các giải pháp, chương trình hành động sát thực tiễn.
Thành Nam (Ghi)/ANTĐ