Bí thư Thành ủy Hà Nội xin lỗi người dân làng cổ Đường Lâm

21/05/2013 16:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Hôm nay (21/5), ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp về làng cổ Đường Lâm để khảo sát và tiếp xúc với người dân, nhằm tháo gỡ những khó khăn giữa bảo tồn di tích và phát triển.

Trong đoàn làm việc còn có các lãnh đạo sở, ngành, UBND thị xã Sơn Tây, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm. Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì hội nghị của lãnh đạo Thành ủy, HDND, UBND TP Hà Nội cùng các Sở, ngành của thành phố về thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, nhằm tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân ở Đường Lâm. Quan trọng nhất là giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc đã phát sinh trong thời gian vừa qua, đó cũng là căn nguyên dẫn tới việc hơn 80 hộ dân ở Đường Lâm bức xúc làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia cho nhà nước. 

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khảo sát tại làng cổ Đường Lâm.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khảo sát tại làng cổ Đường Lâm.

Tại hội nghị này, nhiều nhà khoa học và chuyên gia văn hóa đã nêu những ý kiến, biện pháp để tháo gỡ khó khăn, mâu thuẫn trong quá trình bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm. Cũng tại đây, nhiều bà con đã nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Họ cho biết, việc gìn giữ di tích đối với người dân nơi đây là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, trải qua 8 năm trời, đời sống ngày càng khó khăn, trong khi địa phương chưa có cách nào tháo gỡ khó khăn cho bà con, khiến đời sống của họ trở nên bức bối, dẫn tới những điều đáng tiếc như thời gian qua, là buộc phải làm đơn xin trả di tích cho nhà nước. Và cũng chính qua sự việc hơn 80 hộ dân làm đơn tập thể như vậy mà lãnh đạo Thành ủy, UBTP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt hơn, yêu cầu các sở ngành có liên quan phải sớm triển khai các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, đảm bảo đời sống cho bà con song song với việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của làng cổ Đường Lâm.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội kết luận: “Việc quy hoạch tổng thể phải được phê duyệt và thực hiện sớm. Đây là việc lớn, khó, cần làm dần dần. Cái gì cũng có lộ trình của nó, nhưng chúng ta phải khẩn trương, tích cực. Phải triển khai ngay dự án giãn dân. Các cơ quan của thành phố phải đẩy nhanh tiến độ xử lý các vấn đề hội nghị đặt ra hôm nay… Việc quan trọng nhất trong thời gian qua chúng ta có ý định làm mà chưa làm được, đó là chưa quan tâm một cách rốt ráo, kịp thời đưa ra những chính sách với một di sản văn hóa có tính chất đặc thù rất cao như Đường Lâm. Chúng tôi xin lỗi vì sự chậm trễ này. Tôi hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần, tình cảm của người dân Đường Lâm trong việc bảo tồn ngôi làng này. Đồng thời, mong người dân Đường Lâm tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn di sản quý báu này”.

Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho hay, bức xúc của người dân ở đây là có thật, nhưng rất may sau buổi tiếp xúc của Bí thư Thành ủy thì bà con đã hiểu hơn và tin tưởng vào sự tháo gỡ của các cơ quan quản lý trong thời gian tới.

“Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo các sở ngành phê duyệt ngay quy hoạch làng cổ đường lâm trong tháng 6, đáp ứng nhu cầu tách hộ ngay trong năm nay; Đầu tư cho các ngôi nhà cổ xuống cấp; Bộ Văn hóa và UBND TP Hà Nội phải có quy chế rõ ràng hơn, theo hướng cái gì cho phát triển. Hôm nay ngay cả các nhà khoa học cũng đã nói là khu vực 1, khu vực 2 như thế nào thì phải rõ đi để người dân biết. Tôi cũng đã nói những điều có khi là động trạm đến một số nơi, tôi đã từng lên Bộ Văn hóa và cả các cơ quan khác nữa để hỏi về các thủ tục, tìm cách gỡ rối cho dân, nhưng chưa có nơi nào trả lời được. Họ chỉ nói được một điều là khu vực 1 thì phải giữ nguyên trạng, chẳng làm thế nào được, nên nhân dân bức xúc.

Thẳng thắn đánh giá về vai trò của Ban Quản lý di tích, ông Sơn cho biết, tại hội nghị ngày hôm nay đã nhận lỗi vì việc tham mưu của mình đối với các cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt. “Giá như có cuộc hội nghị này cách đây 6-7 năm thì tốt quá, sẽ không có chuyện người dân bức xúc như vừa qua. Nhưng qua việc này thì lại một lần nữa lại thấy rõ chính quyền luôn lấy dân làm gốc, khi nhân dân  có ý kiến là các cấp đã vào cuộc, rốt ráo chỉ đạo để sớm có được kết quả tốt nhất, còn những đơn vị nhỏ bé như chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến thì lại không ăn thua gì”, ông Sơn bày tỏ.

Ngọc Quang