Bí thư thành ủy Hội An: Muốn chơi thì phải trả tiền, ở đâu cũng thế

27/04/2014 17:45
NHẤT NGÔN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, các lỗi khi thu phí đã được chấn chỉnh, việc thu phí vẫn tiếp tục, quá nửa phí thu được để trùng tu, sang sửa.

Trưa ngày 17/4, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hội An (Quảng Nam) về vấn đề thu vé khi du khách vào khu phố cổ. Ông Nguyễn Sự khẳng định, Hội An sẽ tiếp tục thu vé theo đúng chủ trương ban đầu, xong sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp.

Xin ông cho biết, cách thức triển khai bán vé, thu vé có gì chưa đúng, chưa phù hợp? Cái sai chính ở chỗ nào thưa ông?

Ông Nguyễn Sự: Tôi xin khẳng định lại có một số vấn đề cần nhìn nhận rõ ở đây. Vấn đề thứ nhất là một số đơn vị lữ hành trong đó có cả hướng dẫn viên khi đưa khách vào tham quan đã bán vé cho du khách rồi nhưng khi đi vào khu du lịch lại để khách đi lại tự do. Điều này dẫn đến quyền lợi chính đáng của du khách không được đảm bảo. 

Bên cạnh đó, hình ảnh của Hội An không được quảng bá một cách đầy đủ. Ngoài ra, khi du khách đi vào không có vé, kiểm soát vé yêu cầu phải xuất trình vé đi vào phố cổ nhưng không có.

Ngoài ra, cách ứng xử của một số nhân viên kiểm soát vé không được tế nhị, làm cho du khách cảm thấy bực bội và ức chế khi vào tham quan. Thứ hai là việc kiểm soát vé này đáng lẽ ra phải kiểm soát chưa bài bản. Có tình trạng khách mua vé xong, lần sau đi vào phố cổ bị kiểm soát và phải mua vé. Như vậy tạo ra tâm lý ức chế và không đúng. Cách làm này có nhiều trường hợp sai, nên khách phản ứng.

Một số ý kiến cho rằng, Hội An nên bỏ bán vé, hoặc ít nhất là giảm mức thu vé. Xin ông cho biết quan điểm của Hội An?

Ông Nguyễn Sự: Việc bán vé sẽ tiếp tục và không có sự thay đổi. Chỉ có điều sau 20 năm thực hiện, nổi lên vấn đề là một số hướng dẫn viên, hãng lữ hành không tốt, lợi dụng vấn đề này bán vé cho du khách rồi những đưa khách vào Hội An lại không mua vé, để khách đi tự do.

Khách đến Hội An chỉ cần mua vé một lần khi vào phố cổ. Đối với khách Việt Nam, bán vé và kiểm soát theo đoàn. Còn lại những người đi riêng lẻ, đi chơi qua đây… không nhất thiết phải kiểm soát vé và mua vé.

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An
Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An

Việc bán vé vẫn sẽ tiếp tục, vấn đề là phương thức bán vé, cách thức bán vé ra sao thì cần phải sửa cho phù hợp.

Lý do vì sao lại phải tiếp tục bán vé, hiện nay, tiền bán vé tham quan, đơn cử như từ năm 2000 cho tới giờ được 250 tỷ đồng, chi trực tiếp cho các di tích là 12%, chi phí cho bộ máy hoạt động là 15%. Còn lại 160 tỷ (nghĩa là trên 70%) dành cho trùng tu phố cổ. 

Từ trước đến giờ đã trùng tu hết 104 tỷ, trong đó ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ 30 tỷ, các tổ chức trên Thế giới ủng hộ 3 tỷ, còn lại, Hội An dùng số tiền 70 tỷ để trùng tu. Tiền nghiên cứu khoa học… về phố cổ là 15 tỷ, tiền làm các lễ hội trong phố cổ là 35 tỷ… Tất cả đều tạo nên diện mạo Hội An.

Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao không lấy tiền thuế để trùng tu? Xin được trình bày rằng, toàn bộ tiền thuế thu trong khu phố cổ một năm là gần 5 tỷ đồng, số tiền không đủ để sửa chữa 2 căn nhà. Nhiều người lại nói rằng tại sao trùng tu đắt như vậy? Họ không hiểu về nhà cổ. Toàn bộ nhà Hội An làm bằng gỗ. Xây một nhà mới khoảng 1 tỷ đồng, nhưng sửa một ngôi nhà bằng gỗ, trùng tu lại nguyên vẹn mất tới 4 tỷ đồng. 

Mà như vậy, những hộ mặt tiền, nếu di tích loại 1, được hỗ trợ 35%. Những người không phải là mặt tiền, gặp nhiều khó khăn, không được hưởng lợi từ việc buôn bán, họ phải giữ lại căn nhà với tư cách một thành viên, thành tố của khu phố cổ, thì người ta được hỗ trợ tới 70, 80 thậm chí 100%.

Tôi lấy ví dụ một căn nhà trong hẻm, người ta sửa chữa hết 1,1 tỷ, thì ngân sách Thành phố từ nguồn thu vé hỗ trợ cho họ tới hơn 900 triệu. Một căn nhà khác đang sửa hết 3 tỷ, ngân sách Thành phố hỗ trợ 1,6 tỷ.

Nếu không hỗ trợ, không tu sửa, sẽ sập căn nhà đó xuống, ảnh hưởng tới cả quần thể di tích chứ?

Do đó, phải tiếp tục bán vé. Mình sẽ điều chỉnh cách thức bán vé để người ta thoải mái, thỏa đáng khi đến với Hội An, vừa đảm bảo không thất thu vé.

Tôi tin rằng nhiều du khách khi đến với Hội An, nếu như được giải thích và phụ vụ một cách cặn kẽ, họ sẽ không phản ứng , không có ai là không mua vé. Họ mua vé là hành động đáng quý, giữ gìn một di tích của Hội An và của cả Việt Nam.

Qua sự việc lần này, trách nhiệm của những người lãnh đạo Hội An đến đâu thưa ông?

Ông Nguyễn Sự: Thực ra mà nói, việc thu vé theo hướng này là có chủ trương đàng hoàng. Nhưng sau 1 tuần triển khai là có vấn đề. Lỗi này không phải của anh kiểm soát viên, mà lỗi này là của lãnh đạo, trong đó có bản thân tôi. Một chủ trương rất đúng nhưng mình chủ quan chưa lường hết những vấn đề phát sinh, kể cả vấn đề thông tin cho dư luận, đặc biệt đối với khách, kể cả chuẩn bị tư thế để thực hiện vấn đề này.

Phố cổ Hội An (Ảnh minh họa)
Phố cổ Hội An (Ảnh minh họa)

Mình chuẩn bị chưa chu đáo, đội ngũ thu vé cần được chấn chỉnh về thái độ. Chính vấn đề này tạo ra sự hiểu lầm cho du khách. Họ cứ nghĩ mình tăng vé, bây giời Hội An mới tổ chức thu vé nhưng không phải.

Ông nghĩ sao về một bộ phận người chỉ muốn hưởng dịch vụ mà không muốn trả tiền, hoặc tìm cách không phải trả tiền để đem lại lợi ích cho mình?

Ông Nguyễn Sự: Tôi cũng đã đi Campuchia rồi, ở trong các khu di tích của họ không có cư dân sinh sống. Nhưng, ở đó, bản thân người hướng dẫn viên, các tour lữ hành họ rất có trách nhiệm. Họ vận động, tổ chức đi mua vé cho khách một cách đàng hoàng. Trả tiền rồi chăm sóc khách một cách chu đáo. Điều này, thể hiện trách nhiệm đối với tổ quốc, đối với nhân dân và đối với di sản của họ.

Nhưng bây giờ bên cạnh đó, ngoài các đơn vị lữ hành rất tốt, có trách nhiệm, còn một số đơn vị vì lợi ích của họ mà quên đi rằng, chính họ chăm sóc khách không chu đáo.

Không mua vé cho khách, khi khách đi qua cửa soát vé thì được yêu cầu mua vé bổ sung, họ phản ứng, xảy ra mâu thuẫn. Như vậy, không chỉ ảnh hưởng cho một di tích mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh của cả đất nước trong mắt du khách quốc tế. Bản thân họ đang phá đi hình ảnh của đất nước ta.

Tôi nghĩ cái vé không phải là vấn đề lớn nhất, vấn đề ở đây là thái độ của họ cần phải bị lên án, luật du lịch cần bổ sung cái này để có thể xử lý đúng, thỏa đáng.

Vấn đề này, sắp tới ở Hội An, nếu hướng dẫn viên nào, đơn vị nào còn như vậy sẽ xử lý thật nghiêm. Nếu đơn vị nào mà làm như vậy, Hội An sẽ kiên quyết từ chối.

Có hay không việc Hội An được nhận tài trợ 1 triệu USD/năm cho việc bảo tồn, trùng tu khu phố cổ và việc Hội An vắng như chùa bà Đanh như một số thông tin đã đưa thưa ông?

Ông Nguyễn Sự: Sáng 26/4, tôi đọc thông tin trên một tờ báo là một năm Unesco tài trợ 1 triêu USD cho Hội An. Tôi không hiểu thông tin này từ đâu? Làm gì có chuyện tài trợ ở đây? Mà không biết tài trợ cho ai? Tôi cho đây là thông tin thất thiệt, thiếu thiện chí. Cần thiết theo Luận Báo chí, tôi sẽ kiện. Họ đưa tin không đúng, đưa tin kích động như vậy là không ổn. Anh có thể đồng ý hoặc phản đối, ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Nhưng có điều, có một số bài báo, ý kiến chưa chính xác, tạo ra sự hiểu lầm trong nhân dân là không thể chấp nhận. Trường hợp Hội An được tài trợ 1 triệu USD thì tiền đó được bỏ vào đâu nếu không đem ra trùng tu? Ai nhận? Chẳng nhẽ chúng tôi bỏ túi số tiền này? Ảnh hưởng lớn lắm chứ! Đây là một sự vu khống. Tôi xin khẳng định là như vậy.

Tính đến thời điểm này, lượng du khách đến Hội An ra sao sao? Thái độ của du khách và nhân dân có ủng hộ, đồng tình việc bán và thu vé?

Ông Nguyễn Sự: Du khách đến Hội An vẫn tăng đều, thái độ du khách rất vui vẻ, bởi chúng tôi đã có sự điều chỉnh từ ngay sau khi phản ánh. Không có gì gây phiền hà cho khách nữa.

Còn nhân dân, người ta không phẫn nộ về chuyện bán vé, mà chỉ là cách bán, soát vé mà thôi. Không bán vé lấy đâu tiền trùng tu? Dân người ta rất hiểu điều này.

Hôm qua tôi họp hơn 300 hộ, nhà hàng, doanh nghiệp trong khu phố cổ, người ta hoàn toàn đồng tình. Chỉ có điều người ta góp ý cách làm thôi. Người ta có phản đối đâu. Nếu ảnh hưởng tới lợi ích của người dân thì không bao giờ chúng tôi làm. Làm gì cũng vì dân mà thôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! 

“Bất cứ di tích nào thì cũng có thu phí để góp phần vào việc bảo tồn di tích. Điều thứ hai, khó khăn của Hội An là một quần thể, có cư dân sinh sống ở trong đó. Việc thu phí cũng đã tiến hành từ năm 1995 đến nay, chứ không phải tới giờ mới thu. Vừa rồi là do cách tuyên truyền chưa tốt, có một vài chi tiết liên quan đến nhân viên soát vé, có một số va chạm với du khách cần phải rút kinh nghiệm. Trên đất nước này không có chỗ nào là không thu phí hết. Hội An đang rút kinh nghiệm và xin tiếp thu ý kiến của báo chí, nhân dân, làm thế nào để vừa bảo tồn được di tích, vừa giữ được hình ảnh với du khách”- Ông Hài Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam. 

NHẤT NGÔN (THỰC HIỆN)