Biển Đông: TQ đang sử dụng kế “giương Đông, kích Tây” như thế nào?

24/01/2013 07:16
Hồng Chính Quang
(GDVN) - TS. Trần Công Trục cho biết: “Trong kế sách “giương Đông, kích Tây”, họ muốn cả thế giới hướng vào vùng biển Hoa Đông mà bớt chú ý đến vùng Biển Đông, quên đi rằng bước đi chiến lược của Trung Quốc mới thực sự là ở Biển Đông”.
LTS: Lúc này, dư luận thế giới đang đặc biệt chú ý đến tranh chấp của Trung Quốc và Nhật Bản tại vùng biển Hoa Đông. Và ít nhiều, những việc này có ảnh hưởng nhất định đến các nước trong khu vực Biển Đông. Sau đây, chúng tôi tiếp tục giới thiệu những ý kiến của TS. Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Ban biên giới của Chính phủ về vấn đề này.

Hai chiêu bài truyền thống của Trung Quốc

PV: Xin ông có thể phân tích cụ thể hơn việc Trung Quốc tăng cường những hoạt động tại Biển Đông với tranh chấp tại vùng biển Hoa Đông với Nhật Bản? Và với những tuyên bố cứng rắn trước Nhật Bản liệu có phải là đòn “nắn gân” các nước có lợi ích liên quan tại Biển Đông?

TS. Trần Công Trục: Đúng là như vậy. Trung Quốc cùng lúc triển khai lực lượng của mình ở hai khu vực Biển Đông liên quan đến các nước trong khu vực Đông Nam Á và vùng biển Hoa Đông liên quan tới Nhật Bản rất dồn dập, mạnh mẽ. Hai việc này có liên quan tới nhau.

Đảo Senkaku/Điếu Ngư - nơi xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản (Ảnh: Xinhua)
Đảo Senkaku/Điếu Ngư - nơi xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản (Ảnh: Xinhua)

Bởi vì, như mọi người đã biết, Trung Quốc đang công khai chủ trương quyết trở thành một cường quốc biển trước khi vươn lên thành một siêu cường quốc tế. Để thực hiện quyết tâm chiến lược này, theo tôi, trước hết họ phải khai thông được con đường vươn ra đại dương mà từ trước đến nay vẫn cho rằng họ bị trói buộc trong “ao tù nước đọng”.

Con đường đó chính là Biển Đông, nơi có thể có nhiều điều kiện thuận lợi để họ thực hiện từng bước quyết tâm chiến lược của mình. Nhìn lại quá khứ, có lẽ chúng ta cũng đã chứng kiến được những bước đi đó của họ. Hiện tai, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, để tiếp tục thực hiện chủ trương nhất quán này, Trung Quốc đã và đang áp dụng những sách lược mới mang tính truyền thống của họ.

Chẳng hạn, có lẽ có không ít những câu hỏi đặt ra rằng tại sao trong lúc này Trung Quốc lại tìm cách hướng sự quan tâm của dư luận đến khu vực biển Hoa Đông, mặc dù họ thừa biết Nhật Bản là đối thủ mạnh, có tiềm lực lớn cả về kinh tế, kỹ thuật, lẫn quân sự và đang ở dưới cái ô phòng thủ chiến lược của Hoa Kỳ ?

Phải chăng Trung Quốc đã chuyển trọng tâm trong bước tiến ra biển của mình từ Biển Đông sang biển Hoa Đông ? Tất nhiên có thể nói đây là một vấn đề khá phức tạp để có thể tìm ra ngay câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, qua theo dõi những động thái có liên quan, theo tôi có lẽ Trung Quốc đang áp dụng chiêu bài truyền thống của mình: “giương Đông kích Tây” và “rung cây dọa khỉ”.

Bởi vì, như mọi người đã biết, Biển Đông là con đường thuận lợi hơn cho Trung Quốc để khai thông ra đại dương, vì các nước trong khu vực Đông Nam Á có tiềm lực không mạnh và sự đoàn kết của các nước trong khu vực đang có vấn đề, nhất là sau khi kết thúc chiến tranh lạnh.

Còn Hoa Đông là con đường ra biển đầy chông gai. Vì thế, nếu khai thông con đường này, họ sẽ phải đụng độ với các nước mạnh như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Hàn quốc… Chính vì vậy, theo tôi nghĩ, việc họ đang gây ra tình trạng tranh chấp căng thẳng với Nhật Bản gần đây không phải là họ đã có sự chuyển hướng thực chất. Đây chỉ là phép thử nằm trong chiêu bài nói trên của họ. Vì vậy, dù trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta không được phép quên được con đường họ nhắm tới chính là Biển Đông và đó là mục tiêu chiến lược của họ. 

PV: Như vậy, chiến lược của Trung Quốc ở đây thực sự là Biển Đông?

TS. Trần Công Trục: Đúng vật, áp dụng sách lược “giương Đông, kích Tây”, họ muốn cả thế giới hướng vào vùng biển Hoa Đông mà bớt chú ý đến vùng Biển Đông, quên đi rằng bước đi chiến lược của Trung Quốc thực sự là Biển Đông. Và để thực hiện bước đi chiến lược này, họ sẽ làm mọi cách như chúng ta đã thấy: chia rẽ các nước trong khu vực, luôn tuyên bố muốn ngồi đàm phán COC nhưng những hành động trên thực tế lại ngược lại…

Việt Nam cần tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế.

PV: Xin ông có thể chỉ ra những nguy cơ xuất phát từ kế sách này của Trung Quốc và sách lược dân sự hóa các tàu quân sự, sử dụng các biện pháp hành chính trong kiểm soát Biển Đông?

TS. Trần Công Trục: Tân Thủ tướng của Nhật là người có thái độ rất cương quyết, mạnh mẽ và thái độ của Hoa kỳ trong việc can dự vào cuộc tranh chấp này đã khác trước. Tôi được nghe là Trung Quốc đã “xuống giọng” chứ không phải “căng” như trước. Trước hết chúng ta cần có sự nghiên cứu để phân tích sâu sắc về các bước đi chiến lược của Trung Quốc, để có thể nói ngay lập tức về những nguy cơ thì không phải dễ.

Đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Duy Anh)
Đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Duy Anh)

Hiện nay, Trung Quốc đang tìm mọi cách để thực hiện bằng được mưu đồ độc chiếm Biển Đông  nhất là trên mặt thông tin tuyên truyền, pháp lý… như đã nói ở trên. Tất cả những điều đó cho thấy đây là một điều rất nguy hiểm. Thứ nhất là giúp Trung Quốc “thực hiện” được lời hứa là không sử dụng vũ trang trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Sự có mặt của Trung Quốc trong vùng biển mà họ (mà thực chất là của nước khác) tuyên bố chủ quyền sẽ khiến cho mọi người nghĩ rằng điều đó cũng bình thường như các nước khác vẫn thường kiểm soát vùng biển của mình. Điều này sẽ khiến nhiều người lầm tưởng bản chất của các hành vi xâm lấn bất chấp luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các nước có liên quan trong khu vực và quốc tế.  

Để giúp cho dư luận hiểu rõ bản chất của vấn đề, có lẽ trước hết chúng ta phải phân tích thật rõ quy chế pháp lý, phạm vi các vùng biển mà Trung Quốc muốn xâm chiếm trong phạm vi đường biên giới biển “lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông là gì, cơ sở của con đường này đúng sai đến đâu (dù điều này đã nói rồi nhưng phải nói kỹ hơn).

Chúng ta phải phân biệt được hoạt động nào của Trung Quốc là hợp lý, hoạt động nào là phi lý và vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Nếu chúng ta không nói rõ, nếu để lâu, các nước sẽ lầm tưởng. Điều này nguy hiểm ở chỗ, nó đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Trung Quốc, của dư luận quốc tế. Điều này sẽ rất bất lợi cho cuộc đấu tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và các quyền, lợi ích chính đáng của mình. 

PV: Trước khi Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra, đã có nhiều dự đoán về cách thức Trung Quốc ứng xử với các nước trong khu vực Biển Đông. Cho tới thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về việc này? 

TS: Trần Công Trục: Như tôi đã nhận định, con đường vươn ra đại dương để trở thành siêu cường quốc tế, Trung Quốc cần khai thông con đường đi qua  Biển Đông và chắc chắn họ không bao giờ từ bỏ chủ trương chiến lược này, dù có thể có thay đổi chính thể hay nhân sự lãnh đạo quốc gia. Và điều này rất đúng với những dự đoán trước khi Đại hội Đảng 18 của Trung Quốc diễn ra. Chủ trương đó của Trung Quốc không thay đổi mà thậm chí còn mạnh mẽ hơn trước, nhưng lại chuyển hướng dưới những hoạt động dân sự, pháp lý. 

PV: Việt Nam cần tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế như thế nào trong vấn đề Biển Đông, thưa ông?

TS. Trần Công Trục: Theo tôi, có lẽ điều quan trọng là các nước trong khu vực có lợi ích liên quan cần phải có sự thống nhất về nhận định và đối phó. Hiện nay, sự thống nhất này đang gặp phải một số trở ngại, vì có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong bối cảnh chính trị, kinh tế quốc tế hiện nay. 

Điều quan trọng nữa là chúng ta phải tranh thủ sự sự đồng tình của dư luận quốc tế. Chúng ta biết rằng trong quan hệ với Trung Quốc các nước đều phải cân nhắc tính toán đến lợi ích  kinh tế, chính trị, ngoại giao của mình và để cho họ quan tâm, ủng hộ mình, các nước có lợi ích trực tiếp phải có nhưng chính sách thích hợp và thiết thực nhất, trước hết cần cung cấp mọi thông tin cần thiết, rõ ràng, khách quan và phải làm sao để người ta hiểu rằng ủng hộ, giúp chúng ta chính là giúp cho chính họ: “không thể bàng quan mỗi khi nhà hàng xóm bị cháy”.

Nếu để tình hình lộn xộn như hiện nay, dư luận quốc tế cũng khó hiểu và dễ gây ra sự nhầm lẫn. Trung Quốc không muốn quốc tế hóa là vì thế. Trong bối cảnh phức tạp đó, cần phải hết sức thận trọng trong mỗi phát ngôn, hành xử… làm sao tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của mọi cá nhân, tổ chức, của mọi quốc gia dù nhỏ hay lớn, không phân biệt đảng phái chính trị, quan điểm giai cấp… Lúc này chính sách “Đại Đoàn Kết” phải là ưu tiên hàng đầu! Nếu ngược lại tức là có tội với dân tộc, quốc gia….

Đương nhiên, cần phải nhận dạng được sự ủng hộ vì mục đích vụ lợi “đục nước béo cò” của một số thế lực để chúng ta cương quyết từ chối, loại trừ…

(còn nữa)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang