Biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam

09/03/2015 19:33
Ngọc Quang
(GDVN) - Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 1945-2015 sẽ được phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ, trung thực, chính xác qua việc biên soạn lần này.

Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2015) để có một bộ sử để lại cho đời sau là cần thiết.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc hoàn thiện, bổ sung Lịch sử Chính phủ 1945-2005 và biên soạn mới Lịch sử Chính phủ từ tháng 5/2005-2015 cần lưu ý bảo đảm tính hệ thống của toàn bộ cuốn biên niên sử 1945-2015.

Việc bổ sung thêm các sản phẩm khác của Lịch sử Chính phủ như phim tài liệu, ảnh tư liệu là cần thiết để tăng cường tính phổ biến của Lịch sử Chính phủ Việt Nam, đồng thời tin học hóa những tư liệu này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác lưu trữ, tuyên truyền.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác điều hành hoạt động của Chính phủ những năm qua. ảnh: vgp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác điều hành hoạt động của Chính phủ những năm qua. ảnh: vgp.

Mục đích của việc biên soạn bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 1945-2015 nhằm phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ, chính xác, trung thực, có hệ thống quá trình ra đời, phát triển về tổ chức và hoạt động của Chính phủ cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Qua đó, rút ra những bài học và kinh nghiệm quý báu phục vụ việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước của Chính phủ, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam là tài liệu chính thức giới thiệu về Chính phủ và nền hành chính Việt Nam với bạn bè quốc tế, phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các tầng lớp nhân dân.

Những sản phẩm chính của công trình này là bộ sách Lịch sử Chính phủ Việt Nam, gồm 3 tập (1945-2005) đã xuất bản, có hiệu đính, bổ sung và tái bản; bộ Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam, gồm 5 tập cũng bổ sung tư liệu, hiệu đính và tái bản; Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015 được viết mới và xuất bản; Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2005-2015 được viết mới và xuất bản; Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2015 tóm lược và xuất bản.

Trước đó vào tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (kiêm Tổng thư ký); một Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; một Thứ trưởng Bộ Tài chính; một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; một Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; một lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ phê duyệt đề cương, chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2015); các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp tư liệu, tài liệu và thông tin về tổ chức và hoạt động của Chính phủ khi Ban Chỉ đạo có yêu cầu; chỉ đạo Bộ Nội vụ tổ chức biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2015).

Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo tổ chức, triển khai việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2015).

Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và bố trí kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp nghiên cứu khoa học theo quy định để thực hiện Đề án theo đúng kế hoạch biên soạn và xuất bản do Ban Chỉ đạo phê duyệt

Ngọc Quang