"Bộ Công an cần vào cuộc điều tra vụ xe Roll Royce đâm chết 2 người"

26/08/2013 07:42
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Theo LS Nguyễn Hoàng Tiến, việc khởi tố vụ án thuộc thẩm quyền cấp huyện nơi xảy ra tai nạn. Cấp tỉnh, cấp Bộ Công an chỉ có công văn hoặc điện báo nhắc nhở. Nếu khi cấp dưới không thực hiện vì không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ (không phải do lỗi cố ý) thì cấp Bộ mới quyết định rút vụ án lên trên.
Phải khởi tố vụ án hình sự để có cơ sở pháp lý tiến hành điều tra

Như báo Giáo Dục Việt Nam đã đưa tin, khoảng 15h30’ ngày 20/8, chiếc xe ô tô hiệu Rolls – Royce Phantom in hình rồng mang BKS 38A - 028.88 đang lưu thông trên QL46, khi đến Km35 thuộc địa phận xã Vân Diên (Nam Đàn) thì đâm vào xe máy mang BKS 37F – 7889.

Ông Trần Xuân Thạch chủ nhân và là người lái chiếc siêu xe gây tai nạn
Ông Trần Xuân Thạch chủ nhân và là người lái chiếc siêu xe gây tai nạn


Vụ tai nạn đã khiến 2 người ngồi trên xe máy gồm Đinh Văn Hiệp (SN 1993) và Nguyễn Văn Cường (SN 1985, đều trú xã Vân Diên) tử vong tại chỗ. Chiếc xe máy hiệu Dream bị cuốn vào đầu xe ô tô, hư hỏng nặng. Vụ tai nạn cũng làm cho chiếc ‘siêu xe’ bị bể đèn, hư hỏng nặng phần đầu xe. 

Được biết, chiếc xe Rolls – Royce có giá lên tới 1,7 triệu USD và được nhập vào Việt Nam từ tháng 5/2012. Chiếc “siêu xe” này thuộc sở hữu của ông Trần Văn Thạch ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông Thạch cũng chính là người điều khiển chiếc xe ô tô vào thời điểm gây ra vụ tai nạn. 

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Giáo Dục Việt Nam vào ngày 21/8, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Uỷ viên Hội đồng khen thưởng kỷ luật - Đoàn luật sư Hà Nội - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh cho rằng, đây là một vụ án hình sự và trong vòng 24 giờ xảy ra vụ án, Cơ quan điều tra cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này (vụ tai nạn đã xảy ra gần 1 tuần), theo thông tin của chúng tôi nắm được thì Cơ quan điều tra cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn vẫn chưa ra quyết định khởi tố vụ án. Liên quan đến vấn đề khởi tố vụ án, ngày 25/8, một lần nữa trả lời phóng vấn Báo Giáo Dục Việt Nam, Luật sư Tiến cho biết:

“Như tôi đã nói việc để xảy ra tai nạn gây cho 2 người thiệt mạng và hư hỏng tài sản có giá trị lớn là đã xảy ra hành vi phạm tội. Do đó phải khởi tố vụ án hình sự để có cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động điều tra. Nếu kết quả điều tra cho thấy lỗi hoàn toàn do hai người đi xe máy gây ra, thì lúc đó ra quyết định đình chỉ điều tra vì người có lỗi đã chết. 

Việc nhắc nhở giám sát phê chuẩn hoạt động này của cơ quan điều tra là của Viện kiểm sát cùng cấp. Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp Bộ Công an chỉ có công văn hoặc điện báo nhắc nhở, còn vụ việc thuộc thẩm quyền điều tra cấp dưới. Chỉ khi cấp dưới không thực hiện vì điều kiện thiếu cán bộ có trình độ, không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ, không phải do lỗi cố ý, thì cấp trên mới quyết định rút vụ án lên trên.”

Luật sư Tiến còn cho biết thêm: Nếu cho đến thời điểm hiện tại mà CQĐT thụ lý vụ án vẫn chưa có quyết định khởi tố vụ án thì có thể xảy ra các tình huống khiến cho người dân và gia đình nạn nhân nghi ngờ về tính khách quan và khả năng xử lý của đơn vị này. Và việc đó, CQĐT cấp trên hoặc Bộ Công an cần rút vụ án lên trên để tiến hành các bước điều tra, đảm bảo tính chính xác, khách quan của vụ án. 

Đồng quan điểm với LS Tiến, liên quan đến vấn đề khởi tố hay không khởi tố vụ án này, LS Trần Vũ Hải cho biết: “Đối với vụ tai nạn giao thông mà có người tử vong như trường hợp này, Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra vụ tai giao thông. Trong quá trình điều tra, nếu xác định được người điều khiển phương tiện có lỗi để xảy ra vụ tai nạn thì sẽ tiến hành khởi tố bị can. 

Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.


Nếu xác định người điều khiển không có lỗi trong việc để xảy ra tại nạn thì sẽ đình chỉ vụ án và đề nghị các bên tự giải quyết về dân sự hoặc chuyển tòa dân sự giải quyết. Trong trường hợp Cơ quan điều tra chưa ra quyết định khởi tố vụ án thì phải giải thích rõ lý do cho gia đình nạn nhân biết để gia đinh nạn nhân đỡ bức xúc.” 

Lỗi có hoàn toàn thuộc về phía 2 nạn nhân?

Liên quan đến diễn biến vụ tai nạn kinh này, một cán bộ Công an huyện Nam Đàn cho biết, sau khi xảy ra tai nạn, ông Trần Xuân Thạch (người điều khiển xe ô tô) đã ngay lập tức đến trình báo cơ quan Công an huyện. Sau đó ông Thạch được đưa đi kiểm tra nhưng không phát hiện nồng độ cồn. 

Trong khi đó, theo lời khai của ông Thạch, thì  khi vụ tai nạn xảy ra, chiếc xe ô tô của ông chạy cùng chiều với chiếc xe máy. Khi lại gần thì chiếc xe máy bất ngờ rẽ ngang (rẽ trái) và xảy ra tai nạn. 

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.


Được biết, đoạn đường xảy ra vụ tai nạn khá bằng phẳng nên các phương tiện lưu thông qua đây thường chạy với tốc độ khá nhanh. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có thông tin gì về việc chiếc ô tô và xe máy chạy quá tốc độ hay không, xe máy có bật xi nhan hay không, xe ô tô có bấm còi báo hiệu hay không?...

Bên cạnh đó, theo quan sát hình ảnh vụ tai nạn, thì tại hiện trường, chiếc xe ô tô và xe máy đều nằm sát phía bên trái đường.

Căn cứ vào những tình tiết nói trên, LS Tiến nhận định về một số khả năng dẫn đến vụ tai nạn thương tâm. 

Ông Tiến nói: “Nếu xe máy đi cùng chiều ô tô và rẽ trái bất ngờ tạt đầu xe ô tô, và ở hiện trường cả hai xe đều nằm phía trái đường, mặc dù người lái ô tô đã kiểm tra không có nồng độ cồn, còn hai người tử nạn chưa có kết luận có nồng độ rượi hay không? Hiện trường này cho thấy có thể xảy ra một số tình huống sau:

Thứ nhất, có thể hai người đi xe máy rẽ trái hết sức bất ngờ ngay sát đầu xe ô tô nên lái xe ô tô không kịp xử lý tình huống và gây tai nạn. Nếu rơi vào tình huống này thì lỗi hoàn toàn do người điều khiển xe máy. Người đi xe máy có lỗi không quan sát bên trái hoặc phía sau, không bật đèn báo hiệu trước để các xe đi cùng chiều biết…

Thứ hai, người điều khiển xe ô tô có thể đã đi vượt quá tốc độ quy định nhiều. Bởi vậy, khi phát hiện được xe máy báo rẽ trái bằng đèn, hoặc họ có ra hiệu bằng tay, hoặc họ đã rẽ trái mà lái xe ô tô mặc dù có phát hiện được, có thể đã phanh xe và cố lái sang trái để tránh.

Nhưng do chạy với tốc độ cao nên theo quán tính xe vẫn lao vào xe máy máy gây tai nạn. Tình huống này thì lỗi cơ bản do người lái ô tô vì điều khiển ô tô đi quá tốc độ, không thể xử lý tình huống và để tai nạn xảy ra.”
Cũng theo LS Tiến, Trong vụ án này Cơ quan điều tra cần phải hết sức bình tĩnh, vô tư khách quan và làm đúng qui định của Bộ Luật tố tụng hình sư, Luật an toàn giao thông đường bộ, cùng các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật Bộ Luật tố tụng hình sư, Luật an toàn giao thông đường bộ.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ việc này...
Quyết Nguyễn