Bộ GTVT và Hà Nội tuân thủ phương án lệch giờ

09/11/2011 07:25
TUẤN PHÙNG/Tuổi trẻ
Lãnh đạo Bộ GTVT và Hà Nội đã thống nhất với nhau là điều chỉnh giờ học, giờ làm đều tập trung vào đối tượng công chức, học sinh sinh viên.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 8-11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Mạnh Hùng và lãnh đạo các cục, vụ liên quan đã trả lời về các vấn đề báo chí quan tâm như thay đổi giờ học, giờ làm, vụ cháy xe khách ở Bình Thuận và việc kiểm soát lái xe.

* Trước khi UBND TP Hà Nội trình phương án thay đổi giờ học, giờ làm lên Thủ tướng, hai cơ quan đã có sự thống nhất chưa và Bộ GTVT nhận xét ra sao về phương án của Hà Nội?

- Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng: Lãnh đạo Bộ GTVT và Hà Nội đã thống nhất với nhau là điều chỉnh giờ học, giờ làm đều tập trung vào đối tượng công chức, học sinh sinh viên. Sở GTVT Hà Nội cũng trên căn cứ đề xuất của Bộ GTVT đưa ra đề án lấy ý kiến trình UBND TP Hà Nội.
Phương án nào khả thi hơn thì Văn phòng Chính phủ sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, sau đó Chính phủ sẽ chọn phương án hiệu quả nhất. Bộ GTVT nói phương án của Bộ GTVT hiệu quả hơn cũng chưa khách quan. Nhưng quan điểm của bộ GTVT là giữa cơ quan trung ương và địa phương có khoảng cánh giãn giờ càng dài càng tốt. 
Tuy nhiên bộ và TP Hà Nội sẽ tuân thủ quyết định của Thủ tướng sau khi lấy ý kiến các bộ ngành.

* Báo Người Lao Động: Hiện nay Bộ GTVT đang làm việc với Bộ Công an về việc sử dụng phiếu kiểm soát lái xe (KSLX) để lưu các thông tin vi phạm của lái xe nhằm kiểm tra, kiểm soát tốt hơn. Việc này sẽ được tiến hành thế nào?

- Bà Trịnh Minh Hiền (vụ trưởng Vụ Pháp chế): Mục đích của Bộ Công an khi đưa ra phiếu KSLX là để giám sát việc tái phạm của lái xe nhằm phạt tăng nặng theo số lần vi phạm như nghị định 34 quy định. Bộ GTVT và Bộ Công an đều muốn quản lý lái xe vi phạm để xác định việc xử phạt. Nhưng kiểm soát bằng cách nào thì cần có cách thức hợp lý nhất.
Chúng tôi đã làm việc với Vụ Pháp chế Bộ Công an nhiều lần và sẽ tiếp tục làm việc một lần nữa để xác định dùng biện pháp nào hiện đại, khả thi và hiệu quả nhất. Biện pháp chúng tôi muốn hướng tới là sử dụng mạng để cập nhật vi phạm của người lái xe và có thể tra cứu để biết ngay khi tái phạm. Tuy nhiên làm cái gì cũng tuân theo quy định của pháp luật hiện hành. 

* Tuổi Trẻ: Hiện nay Tổng cục Đường bộ đang xây dựng đề án đổi mới GPLX theo hướng hiện đại, tra cứu được thông tin lái xe qua hệ thống mạng. Tại sao không tích hợp việc kiểm soát lỗi lái xe trong hệ thống kiểm soát GPLX này để tránh phiền phức cho lái xe phải có thêm một phiếu KSLX như Bộ Công an đề xuất?

- Bà Trịnh Minh Hiền: Đề án của Tổng cục Đường bộ để kiểm soát việc cấp GPLX. Còn người lái xe nào bị xử phạt như thế nào thì tất cả thông tin lại bên ngành công an lưu trữ. Chúng tôi muốn đề xuất với ngành công an xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để có thể cập nhật tất cả thông tin trong phạm vi toàn quốc về lái xe, khi tra cứu sẽ biết từng lái xe đã vi phạm lỗi gì, ngày nào. 
Đấy là ý tưởng mà chúng tôi nghĩ là hiệu quả nhất. Còn hệ thống mạng bên Tổng cục Đường bộ làm là để cấp GPLX, lưu trữ thông tin cấp GPLX, đối chiếu biết GPLX  thật hay giả. Còn cơ sở dữ liệu vi phạm của lái xe thì bên ngành công an làm.

* Vụ tai nạn giao thông làm 10 người chết cháy ở Bình Thuận lộ ra việc tài xế chưa đủ tuổi điều khiển xe container, địa điểm thường xảy ra tai nạn chưa có dải phân cách, chưa được đưa vào diện điểm đen để cảnh báo... Bộ GTVT đánh giá sự việc trên thế nào và có giải pháp gì để khắc phục?

- Ông Nguyễn Văn Quyền (tổng cục phó Tổng cục Đường bộ VN): Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, quy định về quản lý hoạt động vận tải thì việc bố trí người lái xe có bằng cấp phù hợp với phương tiện họ điều khiển phương tiện là trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị quản lý vận tải. Nếu có trường hợp doanh nghiệp bố trí giấy phép lái xe (GPLX) chưa phù hợp với loại xe điều khiển thì doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hiện nay cơ quan công an đang điều tra xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Nếu nguyên nhân đó liên quan cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Còn trách nhiệm của ngành GTVT trước những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, chúng tôi cũng yêu cầu sở GTVT nơi có phương tiện liên quan đến vụ tai nạn kiểm tra lại việc thực hiện các quy định pháp luật của lái xe và người sử dụng lao động.
- Ông Nguyễn Văn Thuấn (vụ trưởng Vụ An toàn giao thông): Các đơn vị ngành giao thông đã đến hiện trường xảy ra tai nạn kiểm tra thì khu vực xảy ra tai nạn là đoạn đường hoàn toàn thẳng, mặt đường êm thuận và có vạch sơn phân làn, đây không phải là điểm đen. Báo chí nêu rằng lái xe chưa đủ tuổi điều khiển xe container và chưa có bằng lái phù hợp (hạng FC) thì cơ quan chức năng đang điều tra để kiểm chứng thông tin.
Theo Bộ GTVT, trong 9-2011 cả nước xảy ra 1.018 vụ TNGT làm 866 người chết, 707 người bị thương. So với tháng 8-2011 số vụ TNGT giảm 64 vụ, giảm 64 người chết và 137 người bị thương. Tuy nhiên tổng hợp 9 tháng đầu năm 2011 cả nước xảy ra 10.002 vụ TNGT làm chết 8.416 người, bị thương 7.615 người. So với 9 tháng đầu năm 2010 giảm được 140 vụ tai nạn nhưng tăng 18 người chết và tăng 136 người bị thương.
TUẤN PHÙNG/Tuổi trẻ