Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát hệ thống cầu treo toàn quốc

27/02/2014 20:56
NGUYỄN HỒ
(GDVN) - Khảo sát, thiết kế và thi công, quản lý, bảo trì cầu treo còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng...

Ngày 27/02, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ký công văn số 333/BXD-GĐ gửi Bộ Giao thông Vận tải; Ủy ban Nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo giao thông nông thôn trên phạm vi toàn quốc.

Công văn nêu rõ: Hiện nay, trên phạm vi cả nước có nhiều công trình cầu treo giao thông nông thôn đang được đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng, đặc biệt là khu vực miền núi có địa hình hiểm trở. 

Vừa qua đã xảy ra sự cố sập cầu treo giao thông nông thôn Chu Va 6 tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu gây thiệt hại lớn về người. Qua sự cố này cho thấy công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý chất lượng trong các khâu khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng; công tác quản lý, bảo trì trong quá trình khai thác ở nhiều công trình tương tự còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng gây mất an toàn chịu lực của công trình và ảnh hưởng đến đảm bảo an toàn giao thông.

Để nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước, ngăn ngừa những sự cố về chất lượng gây hậu quả đáng tiếc đối với các công trình cầu treo giao thông nông thôn, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tổng kiểm tra các công trình cầu treo giao thông nông thôn trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện có thể mời các chuyên gia, các đơn vị tư vấn độc lập, có đủ điều kiện năng lực và kinh nghiệm để tham gia kiểm tra, tập trung vào các nội dung sau:
Đối với các công trình đã đưa vào sử dụng: Kiểm tra, rà soát hồ sơ khảo sát thiết kế về việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn được phép áp dụng và đảm bảo an toàn chịu lực; tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình. Trường hợp qua rà soát hồ sơ thiết kế và kiểm tra hiện trạng công trình phát hiện thấy sai sót trong thiết kế hoặc những khiếm khuyết về chất lượng công trình thì phải tổ chức kiểm định, đánh giá về an toàn chịu lực của công trình và có giải pháp sửa chữa, gia cường thích hợp để công trình đảm bảo an toàn chất lượng. 
Kiểm tra việc lập quy trình bảo trì công trình và tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo quy định của Nghị định 114/2010/NĐ-CP ngày 6/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng, các Thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải. Yêu cầu các đơn vị quản lý sử dụng công trình thực hiện nghiêm túc việc lập kế hoạch bảo trì, thực hiện bảo trì, quan trắc công trình trong quá trình khai thác, sử dụng.
Đối với các công trình đang chuẩn bị đầu tư xây dựng và thực hiện đầu tư xây dựng: Yêu cầu chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện nghiêm túc việc thực hiện công tác thẩm tra thiết kế, kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng và nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các Thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ Xây dựng.
Thực hiện kiểm tra, kiểm soát điều kiện năng lực của các Ban quản lý dự án, các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng đảm bảo đủ điều kiện năng lực theo quy định.
Tăng cường kiểm tra vật liệu đầu vào, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình trong quá trình thi công và nghiệm thu công trình.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các chủ thể tham gia xây dựng công trình (chủ đầu tư, các nhà thầu), đơn vị có trách nhiệm quản lý khai thác, bảo trì công trình có vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, bảo trì công trình xây dựng thì phải xử lý nghiêm túc theo quy định của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành.
NGUYỄN HỒ