Bộ Y tế quyết tăng viện phí

20/09/2011 07:30
Theo Ngọc Dung/Người lao động
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ quan điểm chắc chắn phải tăng viện phí, vấn đề cần tính là dịch vụ nào tăng trước, dịch vụ nào tăng sau.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện chính sách viện phí mới đang tiếp tục được bàn thảo và sẽ có một hội đồng thẩm định độc lập trước khi triển khai tại các bệnh viện. Giá các dịch vụ y tế do các bệnh viện đề xuất chỉ là giá tham khảo.

Tất cả trông vào viện phí

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Việc đổi mới cơ chế tài chính của ngành y tế phải bảo đảm người dân chấp nhận được và trên tinh thần công bằng trong thụ hưởng dịch vụ y tế”.

Bộ Y tế quyết tăng viện phí   ảnh 1
Dù chưa được phục vụ tốt và luôn trong tình trạng quá tải nhưng người bệnh sẽ phải đóng viện phí ngày một tăng

Lộ trình đối với cơ chế tài chính do ngành y tế đề xuất, xây dựng chia ra thành 3 giai đoạn: Từ năm 2011-2012 sẽ điều chỉnh mức phí của 350 dịch vụ ban hành năm 1995 tại Thông tư 14 và một số dịch vụ quá bất hợp lý của Thông tư 3 ban hành năm 2006. Giai đoạn từ 2013-2015 sẽ điều chỉnh giá viện phí theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ, trừ phần ngân sách Nhà nước bảo đảm gồm kinh phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng và một phần quỹ tiền lương cơ bản.

Từ năm 2016 trở đi, các bệnh viện sẽ thực hiện theo nguyên tắc tính đầy đủ chi phí, kể cả tiền lương vào giá viện phí. Cũng kể từ thời điểm này sẽ cho phép kết cấu vào giá dịch vụ chi phí để trả thù lao, bồi dưỡng về độc hại, nặng nhọc, căng thẳng, nguy hiểm và bù đắp chất xám nhằm khuyến khích, thu hút các chuyên gia, thầy thuốc giỏi.

Với hơn 350 dịch vụ y tế được đề xuất điều chỉnh lần này, bộ trưởng Bộ Y tế cho biết viện phí chắc chắn phải tăng nhưng trước hết cần phải tính toán dịch vụ nào tăng trước, dịch vụ nào tăng sau. Tuy nhiên, tiền khám bệnh sẽ sớm phải điều chỉnh, còn tăng đến mức 15.000 đồng hay 20.000 đồng/lần khám thì phải tính toán hợp lý và phân tích cụ thể các chi phí cấu thành giá mới.

Không mời chuyên gia nước ngoài

Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), khẳng định không có chuyện mời chuyên gia kinh tế nước ngoài thẩm định viện phí. Ông Liên cho biết Hội đồng Thẩm định khung giá viện phí bao gồm thành viên một số vụ, cục của Bộ Y tế, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam và đại diện phía bệnh viện sẽ đảm nhiệm là một đơn vị độc lập, khách quan trong việc thẩm định khung giá viện phí mới.

Trong khi đó, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho rằng nếu chính sách viện phí mới không nhận được sự đồng thuận của Hội đồng Thẩm định trong nước thì nên mời chuyên gia kinh tế nước ngoài tư vấn để viện phí được tính toán một cách khách quan nhất.

Chỉ tính chi phí trực tiếp

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - thành viên Hội đồng Thẩm định viện phí - cho rằng nếu mời chuyên gia nước ngoài thẩm định, giá viện phí có thể sẽ cao hơn nhiều so với mức đề xuất hiện tại. Viện phí mới mà các bệnh viện đề xuất hiện nay chỉ mới tính các chi phí trực tiếp, chưa  bao gồm các chi phí về lương, đào tạo, khấu hao cơ sở hạ tầng, tài sản cố định. Chỉ cần so sánh viện phí giữa bệnh viện công với bệnh viện tư đã thấy có sự khác biệt chứ chưa nói gì đến chuyện so sánh với viện phí của các bệnh viện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo Ngọc Dung/Người lao động