Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Không lấy đất nông nghiệp làm sân golf

17/03/2012 07:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chỉ thị về tăng cường quản lý việc xây dựng các sân golf, nhưng việc thực hiện chỉ thị này chưa được nghiêm.

Chiều qua (16/3), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã có cuộc đối thoại với nhân dân cả nước. Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Lấy đất sản xuất nông nghiệp làm sân golf là không thể chấp nhận được
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Lấy đất sản xuất nông nghiệp làm sân golf là không thể chấp nhận được

- Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng thì liệu có thêm sân golf nào được xây dựng không? Bộ trưởng có bao giờ tính đến chuyện quy hoạch và bỏ bớt sân golf, trả lại đất sản xuất cho nông dân hay không?

Phải nói rằng sân golf không có lỗi gì cả vì nếu bố trí đúng còn đem lại nhiều lợi ích. Chúng ta không thể nhìn sân golf chỉ như một thứ đe dọa như vậy. Ví dụ, sân golf biến khu vực đất hoang hóa thành cơ sở du lịch, giải quyết việc làm… và nhiều nước đã thực hiện, Việt Nam không phải là nước có nhiều sân golf.

Mặt khác, cũng phải nói rằng, việc lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng làm sân golf là chuyện không thể chấp nhận được. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chỉ thị về tăng cường quản lý việc xây dựng các sân golf, nhưng việc thực hiện chỉ thị này chưa được nghiêm.

Tháng 2 vừa qua, chúng tôi đã dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ một Chỉ thị mới về vấn đề này và hy vọng trong tháng 3 sẽ ban hành. Chỉ  thị có một số điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, rà soát lại các sân golf không đúng phép, kiên quyết loại bỏ. Thứ hai, kiểm tra, xử lý các các sân golf dùng đất màu, đất lúa, biến thành bất động sản. Thứ ba, quy định không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ kém năng suất), đất màu, đất rừng để làm sân golf. Cuối cùng, sân chỉ golf được xây dựng ở các vùng có tiềm năng du lịch và phải xây tiết kiệm.

Như vậy, có thể nói rằng, không thể nói là trong nhiệm kỳ của tôi không có thêm một sân golf nào, mà là phải xây theo tiêu chí cụ thể. Tôi hy vọng nhân dân sẽ đồng thuận với quan điểm này.

- Thưa Bộ trưởng, nhiều người đã nhắc tới cụm từ “chạy ngân sách, chạy vốn đầu tư”. Chuyện này có xuất hiện ở Bộ Kế hoạch đầu tư không?

- Đây là vấn đề mà tất cả các cấp, ngành liên quan đều phải quan tâm và có các biện pháp phòng ngừa hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.

Tôi nghĩ rằng, không ai có thể khẳng định, ở Bộ mình, cơ quan mình, ngành mình là hoàn toàn không có tiêu cực. Vấn đề đặt ra là phải kiên quyết, có biện pháp, cơ chế quản lý sao cho dù có muốn cũng không thể tiêu cực được. Bộ KH&ĐT đã và đang làm theo định hướng đó và cũng có kết quả hết sức tích cực, được các địa phương, bộ, ngành đánh giá rất cao.

Ngay từ khi bước vào năm 2012, Bộ đã trình Chính phủ cơ chế mới làm sao giảm bớt “xin cho” - nguyên nhân dễ dẫn đến tiêu cực, đó là đề nghị Chính phủ cho công bố toàn bộ số vốn cho các địa phương, bộ, ngành trong năm, giao lại quyền phân bổ, lựa chọn cho Chủ tịch UBND các tỉnh và Bộ trưởng các bộ.

Ngay trong năm này, cũng trình Chính phủ xây dựng Nghị định về đầu tư phát triển trung hạn, nghĩa là trung hạn 5 năm, trước mắt là 3 năm, 2013-2015, Bộ sẽ trình Chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc tiêu chí phân bổ ngân sách, Chính phủ sẽ công bố ngân sách cấp cho 3 năm còn lại từ 2013-2015 cho các bộ, ngành, địa phương.

Các địa phương chủ động phân bổ nguồn lực này. Như vậy, các địa phương sẽ chủ động biết 3-5 năm tới mình có bao nhiêu tiền, chủ động sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Đây là cơ chế được các tổ chức quốc tế, bộ, ngành địa phương đánh giá cao.Tôi nghĩ đây là việc làm quan trọng để thay đổi tư duy, thay đổi cơ chế “xin cho”.

- Bộ  trưởng nhận định thế nào về ý kiến của một số chuyên gia cho rằng: Sự thiếu hiệu quả của hoạt động đầu tư công bị ảnh hưởng từ nguyên nhân cơ bản là Nhà nước vẫn đang đầu tư “lấn sân” vào những lĩnh vực, ngành nghề và khu vực mà khối doanh nghiệp tư nhân đang làm được và làm tốt? Trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng có dám chắc là không đặt bút ký quyết định đổ vốn đầu tư Nhà nước vào những ngành nghề mà khu vực tư nhân làm được không?

- Xin cám ơn một câu hỏi rất hay và đang là vấn đề thời sự. Tuy nhiên, cần phải lý giả cặn kẽ việc đầu tư công lấn sân đầu tư của tư nhân. Khi chúng ta mới giải phóng đất nước, thành phần kinh tế Nhà nước chiếm vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển nhiều. Trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn Nhà nước, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu dựa vào thành phần kinh tế tập thể và doanh nghiệp Nhà nước.

Từ khi đổi mới, thành phần kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều về giá trị sản lượng và việc làm. Những năm gần đây, đầu tư công đang giảm dần và tư nhân tăng. Trong giai đoạn 2001 - 2005, tỷ trọng của đầu tư nhà nước chiếm 53,4% tổng đầu tư toàn xã hội, khối tư nhân chiếm 32,6%. Đến giai đoạn mới, 2011-2015, sẽ phấn đấu giảm tỷ trọng đầu tư công xuống 37- 39%, khối tư nhân tăng lên 45- 46%.

Có thể nói đây là một điều cần thiết, chúng tôi muốn dùng một từ là đầu tư công đang giảm, từng bước nhường sân cho lĩnh vực tư. Quả thật Nhà nước cũng cần làm như vậy.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, trong tái cấu trúc đầu tư thì trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công. Theo đó, những gì mà lĩnh vực tư  nhân có thể đầu tư thì Nhà nước dành cho khối tư nhân. Trong những năm tới, Nhà nước giảm dần tỷ trọng đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ, huy động nhiều hơn từ các thành phần ngoài Nhà nước tham gia đầu tư, kể cả vào kết cấu hạ tầng.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Nhà nước sẽ tập trung vào ngành nghề mang tính chất dịch vụ công, các lĩnh vực tư nhân làm không hiệu quả, quốc phòng, an ninh, đầu tư cho vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn.

Về câu hỏi trong nhiệm kỳ Bộ trưởng có dám chắc không ký quyết định đổ vốn đầu tư nhà nước vào những ngành nghề mà khu vực tư nhân làm được không, tôi xin trả lời: Về mặt chủ trương thì như vậy, chúng ta sẽ thực hiện chủ trương những gì tư nhân làm tốt hơn thì dành cho tư nhân. Tuy vậy, để phân cấp đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành, Bộ trưởng các bộ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, chịu trách nhiệm căn cứ vào mức vốn của Nhà nước cấp trong 3-5 năm, người đứng đầu sẽ lựa chọn danh mục đầu tư cụ thể và Bộ KH&ĐT thẩm định giám sát. Chúng tôi sẽ cố gắng trong công tác kiếm soát này.

- Có một hiện tượng không mấy mong chờ là hiện nay một số doanh nghiệp FDI bắt đầu chuyển từ sản xuất sang kinh doanh phân phối, mà như vậy thì họ buộc phải nhập khẩu. Vậy vô hình trung các doanh nghiệp này sẽ làm gia tăng nhập siêu, lợi nhuận của họ đương nhiên là chuyển về nước họ. Bộ trưởng có biện pháp gì để nắn lại dòng vốn FDI đi vào sản xuất hay không?

- Đúng là có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trước được cấp phép sản xuất, giờ chuyển sang kinh doanh phân phối mặt hàng. Ở đây có 2 loại.

Nếu họ được cấp phép chỉ được sản xuất sản phẩm đó như xe máy, giờ chuyển sang nhập khẩu và phân phối các sản phẩm hoàn chỉnh, thì phải xem xét lại giấy phép. Bản chất là ở chỗ, trước 2007, khi Việt Nam chưa gia nhập WTO, chúng ta  hoàn toàn cấm, không cho phép các doanh nghiệp đã đăng ký sản xuất lại được đăng ký tiếp tục nhập khẩu, đứng ra làm đại lý phân phối tất cả các sản phẩm của mình. Nhưng từ 2008, khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta phải chấp nhận điều khoản của tổ chức này và phải cam kết nhiều khoản, trong đó có việc từ 2009, Việt  Nam phải mở cửa để các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài đăng ký sản xuất sản phẩm của mình, họ được phép đăng ký phân phối và tiêu thụ và các sản phẩm của họ. Nghĩa là không có rào cản.

Đây là sức ép lớn trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, do đó việc một số doanh nghiệp đang sản xuất chuyển sang đăng ký thêm nhập khẩu và kinh doanh đại lý cũng đã xuất hiện nhiều. Về mặt nguyên tắc, không cấm họ bằng hành chính được. Hiện, cơ quan quản lý phải có biện pháp khác, như sử dụng hàng rào kỹ thuật, giúp cho hàng hóa trong nước sản xuất được, hạn chế các tiêu cực. Ngoài ra, chúng ta khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất tại VN các mặt hàng tương tự với chất lượng tốt và giá thành thấp hơn. Gần đây, chúng ta phát động phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đấy cũng là một biện pháp hữu ích.

Điểm nóng:
Chùm ảnh: Chiêm ngưỡng những cổ vật... có tiền cũng không mua được

Hồi ức ghê rợn của “huyền thoại đua xe” Sài thành

Bộ trưởng Bộ Y tế: BHYT như hiện nay, đừng đòi hỏi chất lượng bác sĩ Giám đốc bị tố “đãi khách” bằng nữ nhân viên

Nhiều ngôi mộ bị lấp trong đêm: Chủ đầu tư phủ nhận không san lấp mộ

Vụ Thiếu úy bị ô tô húc: Lái xe bỏ chạy là con một nữ doanh nhân
Người thân cháu Bích: Ghê sợ khi cháu đối diện với Lê Văn Luyện Hình ảnh mới nhất về cuộc sống của người thân ông Đoàn Văn Vươn

Ngọc Quang