Bộ trưởng Đinh La Thăng liệu có đơn độc?

02/11/2011 15:05
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - "Muốn mọi người vui vẻ cả thì đừng đụng chạm, nhưng như thế thì làm bộ trưởng làm gì?"
Sao chỉ có mình Bộ trưởng dám lên tiếng?

Thực tế đã rất nóng. Nhưng “lửa” còn được thổi bùng lên bởi những hành động và phát ngôn của vị tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới nhậm chức chừng ba tháng.

Từ chỗ muốn được toàn quyền như tướng ra trận, đến “trảm tướng” giữa trận tiền, rồi chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, đổi giờ học giờ làm… đều là tâm điểm của dư luận

Ngày 8/10, chia sẻ về những “hành động nóng” gần đây, Bộ trưởng khẳng định với Tuổi trẻ: “Tôi làm không phải đánh bóng tên tuổi”, “Những việc vừa qua ở Bộ Giao thông vận tải chưa là gì so với cách tôi đã làm ở Tập đoàn Dầu khí VN”.

Đồng thời, ông cũng cho biết ông không sợ cấp dưới chống đối: "Tôi không sợ và chưa hề có ý nghĩ đó. Tôi quyết định cũng chỉ vì cái chung. Còn nếu sợ thì tôi đã không làm. Nếu ai đánh giá tôi làm thế là cho oai, thể hiện là bộ trưởng mới thì cứ đánh giá. Tôi không nghĩ mình muốn “thể hiện”, chỉ nghĩ mình đã phụ trách ngành thì cần làm quyết liệt theo cái cần thiết cho ngành, phải làm vì cái chung. Muốn mọi người vui vẻ cả thì đừng đụng chạm, nhưng như thế thì làm bộ trưởng làm gì? Nếu sợ, cứ lo giữ ghế, ngại người ta nghĩ mình “nổ” thì tôi sẽ chẳng dám làm gì".

Rất nhiều người lên tiếng ủng hộ vị Bộ trưởng “tư lệnh nghành” nhưng cũng không ít người lo lắng, liệu Bộ trưởng có đơn độc trong cuộc chiến lâu dài để giải bài toán giao thông vốn “chưa có lời giải” trong suốt thời gian qua. Người ta chờ đợi có nhiều hơn nữa những vị Bộ trưởng dám nói, dám làm, dám nổi giận và dám chịu trách nhiệm như Bộ Trưởng Đinh La Thăng.

Liệu Bộ trưởng có đơn độc trong cuộc chiến lâu dài để giải bài toán giao thông vốn “chưa có lời giải” trong suốt thời gian qua?
Liệu Bộ trưởng có đơn độc trong cuộc chiến lâu dài để giải bài toán giao thông vốn “chưa có lời giải” trong suốt thời gian qua?
“Sao chỉ có mình Bộ trưởng dám lên tiếng”, một bạn đọc đặt câu hỏi trong thư gửi báo Vietnamnet.

“Là công dân, tôi xin chia sẻ những băn khoăn của Bộ trưởng GTVT và ủng hộ những quyết định của ông. Tôi tin khi đưa ra bất cứ nhận xét hay quyết định nào, Bộ trưởng và bộ máy giúp việc đều đã có những cân nhắc cần thiết.

Tuy nhiên, tôi thấy băn khoăn khi thấy ít người có trách nhiệm lên tiếng. Ngành giao thông liên quan đến hầu hết các bộ, ngành và địa phương mà sao ít thấy có bác nào phát biểu mạnh hơn một tý, hoặc là ủng hộ, hoặc là không ủng hộ. Các bác cứ im im như thế, Bộ Giao thông cũng khó làm. Thận trọng nghiên cứu, thử nghiệm là rất cần nhưng chẳng lẽ cứ nghiên cứu và thử nghiệm mãi.

Những biện pháp của Bộ trưởng đưa ra, cũng như chính Bộ trưởng đã nhận xét, không có gì mới và cũng không phải do chính Bộ trưởng đưa ra. Trước đó, người ta đã nói đến các biện pháp này rồi và ai cũng biết là phải tổng thể, phải đồng bộ và phải có thời gian.

Nguyên nhân tắc đường làng không phải do tăng phương tiện giao thông, không phải do thiếu phương tiện công cộng. Do quản lý đất đai, do quản lý xây dựng Bộ trưởng ạ. Nhà nào cũng tường cao, rào kín, nhà nào cũng lấn “hành lang an toàn” của đường làng. Vậy là đường rộng ra mà thành hẹp hơn. Lại thêm rãnh thoát nước không có nắp nữa. Nhiều lần bà con nhắc nhau nhưng không thay đổi được gì. Họ bảo mấy ông lãnh đạo chưa lo, chưa nói, chúng ta nói, ai nghe.

Cứ đưa ra các ví dụ như thế, tôi thấy cần bổ sung thêm danh mục các nguyên nhân gây nghẽn tắc và hãy chỉ ra đâu là nguyên nhân cơ bản nhất. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, chính là tầm nhìn, là lợi ích nhóm. Không gỡ điều này, các biện pháp khác dù có quyết liệt đến đâu cũng sẽ chỉ như "bắt cóc, bỏ đĩa" mà thôi, thưa Bộ trưởng", bạn đọc này viết.

Không phải ai cũng dễ, cũng biết và cũng dám nổi giận

Không chỉ biết đến như một Vị tư lệnh nghành với những quyết định đột phá, “gây sốc”, Bộ trưởng Đinh La Thăng còn được biết như một vị Bộ trưởng…dễ nổi giận.

Là lãnh đạo Bộ GTVT, nghành có nhiều bức xúc nổi cộm nhất nhì cả nước hiện nay, sức ép đối với Bộ trưởng Đinh La Thăng không nhỏ, nếu không muốn nói là quá nặng. Có một điều không thể phủ nhận: Những lần “nổi giận” của Bộ trưởng đã ít nhiều đem lại lợi ích cho số đông người dân. Cái đáng ghi nhận ở đây, ông không chỉ nổi giận suông mà đi đôi với lời nói là những hành động kiên quyết và mạnh mẽ.

“Có thể thấy, đấy là những Bộ trưởng biết nổi giận thật đúng đắn và đáng trọng, đáng nể vì. Không phải ai cũng dễ, cũng biết và cũng dám nổi giận đúng nơi, đúng lúc và đúng đối tượng như vậy, nhất là khi người ta là Bộ trưởng-vị trí dễ bị cảnh “Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Làng xã Việt Nam vốn có thói quen so sánh và hành động theo đám đông, kiểu :‘Xấu đều hơn tốt lỏi”, sẵn sàng chấp nhận cảnh ‘Toét mắt là tại hướng đình, cả làng đều toét chứ mình riêng em”, nên ngại va chạm, đổi mới và đi tiên phong. Đặc biệt, ai cũng thích: ‘Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” để an toàn mà lại nhiều lộc. Thành thử, người ta dường như đã quen “Mũ ni che tai” và có xu hướng tìm cách thích nghi hơn là thay đổi những gì trì trệ, lạc hậu vốn đã, đang và sẽ tiếp tục gây nguy hiểm cho sự tiến bộ và phát triển đất nước theo kịp văn minh thời đại của nhân loại…!

Bộ trưởng thì khó nổi giận hơn dân thường. Tuy nhiên, khách quan mà nói, không phải các Bộ trưởng trên nghĩ ra hay làm điều gì mới mẻ, to tát quá đâu, mà chẳng qua họ chỉ nói và làm những gì 86 triệu dân Việt Nam chờ đợi bấy lâu nay mà thôi. Điều đáng nói là họ là quan chức cấp cao, mà dám nghĩ và làm những việc vì cộng đồng và vì lợi ích quốc gia. Hẳn phải có tấm lòng sáng lắm, phải có chỗ dựa vững chắc lắm và máu trong trái tim họ phải nóng lắm, thì họ mới nổi giận được như vậy . Và chắc họ phải thấm thía lắm “Hịch tướng sỹ” của Đức Thánh Trần –Hưng Đạo Vương -Trần Quốc Tuấn năm xưa, với tinh thần: Những kẻ thấy nước nghèo, yếu mà không biết nhục, thấy chuyện bức xúc, oan trái mà không biết căm và tìm cách giải quyết, thấy lợi nhuận là mờ mắt, dối trên lừa dưới, tham lam vơ vét cốt đầy túi riêng…thì phỏng có nên làm quan chức được không…?”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong trả lời phỏng vấn Tầm nhìn.
 
Chuyện Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không thể thử và sai

Có vẻ như, sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết khó cũng làm của bộ trưởng Đinh La Thăng là một “luồng gió mới” khiến dư luận cả nước nức lòng chờ đón.  Nó khác xa với mẫu người "quan năm cũng ừ, quan tư cũng gật". Ở đời thường có sự éo le, càng làm càng lộ ra sai sót. Mà thường đôi khi lại chỉ chăm chăm nhìn cái sai của người khác rồi từ đó quy kết, phê phán. Chính điều này đã làm nhụt ý chí của biết bao người.

Tuy nhiên với cương vị của một quan "đứng trên vạn người" thì mỗi việc làm, mỗi lời nói đều phải được cân nhắc. Ở đây không phải đến mức sợ không dám nói mà là nói như thế nào.

Ở cương vị Bộ trưởng, mỗi hành động, mỗi việc làm đều ảnh hưởng đến một bộ phận lớn. Chúng ta không thể làm theo kiểu "Thử và sai" được. Trong khoa học cái sai cũng quan trọng như cái đúng (thông qua cái sai tìm ra cái đúng), nhưng trong thực tiễn sai là tiền là máu và mồ hôi. Tờ Tuần Việt Nam đặt vấn đề.

Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng
“Một vị tư lệnh ngành không thể là cán bộ phong trào, mỗi việc làm không phải đều chạy theo phong trào mà là một sự "vượt bỏ", là những việc làm thực chất. Và như vậy phải là nắm bắt qui luật, nắm bắt thực tiễn đề ra giải pháp. Chiều sâu của công việc chính là tư duy, là tri thức.

Có một nghịch lý mà lâu nay chúng ta thường mắc là bố trí cán bộ không đúng chuyên môn nghiệp vụ. Tất nhiên là lãnh đạo cần chuyên môn không chỉ để làm mà để hiểu để quản lý. Không biết việc thì không có sáng kiến, không có giải pháp. Một cán bộ chỉ giỏi ở những lĩnh vực anh hiểu biết anh chuyên sâu. Nếu bố trí sai là hỏng cả việc công, làm thui chột cá nhân.

Cái giỏi của người cán bộ cũng không phải các giải pháp các quyết sách tự mình nghĩ ra. Những giải pháp không chỉ đến từ cái đầu. Nó phải xuất phát từ thực tiễn, từ nhân dân "người nông dân là người bổ nhát cuốc khai phá, còn người trí thức nhặt những hạt vàng trên cánh đồng ấy".

Quay lại những giải pháp mà Bộ trưởng Thăng đề xuất, đúng là rất nhiệt tâm, nhưng có những giải pháp chỉ là tình thế. Việc cấm xe máy, xe ô tô cá nhân, việc thay đổi giờ học cũng đều đúng nhưng nếu có vậy thì không thể thành công. Ở đây giải bài toán ùn tắc giao thông là giải bài toán tổng thể. Cần thấy nguyên nhân nào là chính, là chủ yếu gây ra.  

Những việc làm quyết liệt, những chỉ đạo sát sao chắc chắn sẽ được người dân đồng tình ủng hộ. Dẫu có lúc này lúc khác còn có những hạn chế song đó là tất yếu trong quá trình phát triển. Điều khó là vị lãnh đạo giữ được nhiệt huyết và cái tâm, để đi đến cùng”.
 
Hải Hà (tổng hợp)