Bộ trưởng Huệ: "May mà giá xăng dầu không tăng"

13/01/2012 14:02
Ngọc Quang
(GDVN) -“May mà giá xăng dầu không tăng thật, chứ nếu tăng thì chắc tôi cũng bị phiền phức”.
Sáng nay (13/1), trong cuộc gặp gỡ báo chí, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có những phút trải lòng về công việc năm cũ, những quyết tâm trong năm mới và vài “sự cố” nho nhỏ khi trả lời báo chí.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ tại cuộc gặp gỡ báo chí
Bộ trưởng Vương Đình Huệ tại cuộc gặp gỡ báo chí

Giải pháp của mọi giải pháp là minh bạch

Bộ trưởng Bộ Tài chính trấn an lo lắng của người dân với lời khẳng định việc tăng giá điện sẽ không để ảnh hưởng đến giá của các mặt hàng khác và phải kiểm soát thật chặt vấn đề tăng giá do tâm lý. Lý do cần phải kiểm soát tốt không để tăng giá do tâm lý là vì đã có nhiều bài học thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, yếu tố tâm lý đã đẩy giá các mặt hàng ra xa với thực tế.

Bộ trưởng Huệ cũng một lần nữa tái khẳng định giải pháp của mọi giải pháp là phải minh bạch khi nhắc đến những ý kiến của độc giả trên các báo điện tử ủng hộ tinh thần này. “Người dân sẵn sàng đóng góp, sẵng sàng chấp nhận chung sức chia sẻ gánh nặng với các cơ quan Nhà nước, miễn là các chính sách đưa ra phải được minh bạch hóa thông tin, để người dân biết, đóng góp ý kiến và giám sát các hoạt động đó. Nhân dân đã tin tưởng như vậy thì Bộ Tài chính không thể phụ lòng tin đó được. Năm 2012, nếu không hoàn thành được nhiệm vụ, để lạm phát cao thì trách nhiệm đó thuộc về Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân”, Bộ trưởng Huệ nói.

"Tôi xin hứa"

Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông trong năm mới và khẳng định đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc. Theo Bộ trưởng thẳng thắn: “Tôi cũng nghe được một số thông tin các nhà báo phản ánh là việc cung cấp thông tin của Bộ Tài chính nhiều khi chưa được tốt. Nếu từng có chuyện này thì từ năm nay sẽ không còn chuyện này xảy ra nữa, những bộ phận và cá nhân nào làm chậm chễ việc cung cấp thông tin hoặc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng.

Việc gây khó khăn không cung cấp thông tin cho báo chí chắc chắn sẽ không còn tồn tại kể từ năm 2012, tôi xin hứa như vậy”.

Vị Tư lệnh của Ngành tài chính cũng rất hóm hỉnh khi nhắc lại những “sự cố” nhỏ mà ông gặp phải khi một số báo hiểu nhầm ý của ông trong lời phát biểu. “Khi nói về giá điện, tôi nói ‘giá thành’ thì anh em phóng viên lại viết thành ‘giá bán’, làm thay đổi hẳn bản chất vấn đề, khiến nhiều người hiểu lầm; hay như khi nói về giá xăng dầu, tôi nói rằng từ nay tới cuối năm nếu giá xăng dầu thế giới ổn định, không tăng nữa thì không tăng giá xăng dầu trong nước, thế là ngày hôm sau đã có những bài báo dẫn lời Bộ trưởng nói sẽ không tăng giá xăng dầu đến cuối năm. May mà giá xăng dầu không tăng thật, chứ nếu tăng thì chắc tôi cũng bị phiền phức”, Bộ trưởng Huệ chia sẻ.

Năm 2011, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện hơn 5 nghìn cuộc thanh tra, phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính gần 6000 tỷ đồng, trong đó tăng thu hơn 4 nghìn tỷ đồng, giảm chi 872 tỷ đồng. Nội dung công tác thanh tra kiểm tra tập trung vào việc quản lý, điều hành ngân sách địa phương, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, giá cả; việc chấp hành pháp luật về thuế; các thủ tục niêm yết, chào bán, cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán; hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như chấp hành quy trình, nghiệp vụ của các đơn vị trong nội bộ ngành…

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã nhắc tới những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành tài chính đã thành công trong năm 2011, trong đó đáng chú ý là: Thu ngân sách tăng cao so với dự toán Quốc hội giao vượt 13,4% (Nghị quyết 11 đề ra mục tiêu tăng 7-8% so với dự toán), tăng 20,6% so với năm 2010. Bội chi ngân sách tiếp tục giảm dần so với năm trước, tăng chi trả nợ năm 2011 thêm 15.000 tỷ đồng so với dự toán. Nhờ vậy, đã giảm dư nợ công trên 1% GDP (tính đến 31/12/2011 dự kiến nợ công là 54,6% GDP, nợ Chính phru 43,6% GDP và nợ quốc gia 41,5% GDP năm trong giới hạn an toàn an ninh tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho hay: “Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho một bộ phận doanh nghiệp và cá nhân (khoảng 10.000 tỷ đồng, khoảng 160.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được giãn thuế); điều chỉnh thuế nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô, tăng thuế với một số mặt hàng nhằm giảm nhập siêu; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm soát hàng hóa có nhiều rủi ro; thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu vào ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng”.

Năm 2012, Bộ Tài chính tiếp tục phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8%; Quản lý, giám sát chặt chẽ nợ Chính phủ, nợ công, nợ quốc gia, bảo đảm nợ trong giới hạn an toàn; không mở rộng đối tượng phạm vi bảo lãnh của Chính phủ; không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn; xây dựng các cơ chế, chính sách góp phần nâng cao hệ số tín nhiệm của quốc gia;

Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tiếp tục xóa bỏ bao cấp, bù chéo bất hợp lý, chống độc quyền về giá; Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; Tái cấu trúc thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán và các định chế tài chính với bước đi phù hợp để hoàn thành cơ bản mục tiêu đề ra từ nay đến 2015; Cơ cấu lại đầu tư công, thực hiện quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu đầu tư công, bao gồm các nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, tín dụng ưu đãi và đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.

Ngọc Quang